Mô tả Huệ Mỹ của tôi
Huệ Mỹ của tôi nằm trong loạt truyện kinh dị, ma quái của tác giả Vương Vu Chấn.
![Huệ Mỹ của tôi]()
Các truyện kinh dị của Vương Vu Chấn luôn mang lại được yếu tố kịch tính cho người đọc. Những câu chuyện kỳ quái này không chỉ đơn thuần mang tính kinh dị khiến người đọc “sởn tóc gáy” mà còn trực tiếp đề cập đến những nguy cơ đe dọa đời sống xã hội như tính ác, sự băng hoại đạo đức, những thủ đoạn, lòng tham, thù hận... của con người. Bản chất ma quỷ, sự biến dạng nhân cách của những kẻ đang tồn tại hữu hình còn đáng sợ hơn những hồn ma bóng quế của cõi hư vô.
Trích đoạn "Huệ Mỹ của tôi":
"Tôi thò tay vào túi lấy Huệ Mỹ ra. Cô bé vẫn nhìn tôi như vậy. “Có thật vậy không? Có phải Lệ đã giết cháu? Tại sao cô cảm thấy không phải như thế?”
Huệ Mỹ không đáp, cứ thè lưỡi liên tục giống như đang trêu chọc tôi. Tôi đau khổ ném nó đi.
“Mi không phải là Huệ Mỹ! Mi là con rắn xinh đẹp, chỉ là con rắn xinh đẹp! Huệ Mỹ không đời nào dối ta, Huệ Mỹ cũng chẳng bao giờ biến thành rắn.”
Tôi thấy Huệ Mỹ rơi từ trên cao đánh “bịch” xuống sàn, quằn quại vài cái rồi bất động.
Lệ ngẩng đầu, ngước đôi mắt ngấn lệ lên nhìn. Cô hết nhìn Huệ Mỹ đang nằm trên sàn nhà lại quay sang nhìn tôi, ánh mắt sợ hãi và khó hiểu.
“Đó là một con rắn.” Lệ lắp bắp nói.
“Không, đó là Huệ Mỹ.” Tôi nói, lạnh lùng nhìn Lệ.
Tôi quỳ xuống, nâng khuôn mặt xinh đẹp của Lệ lên.
“Đó là con rắn, không phải là Huệ Mỹ. An Kỳ, hãy nghe tôi đi.”
“Đó là Huệ Mỹ! Tôi đã nói với cô rồi, Huệ Mỹ chết và biến thành rắn. Con bé chẳng bao giờ xa tôi. Tại sao cô không tin lời tôi?” Tôi đưa hai tay siết chặt chiếc cổ thon dài của Lệ.
Lệ không nói câu gì, sắc mặt dần dần chuyển sang màu đỏ, giống như bị dị ứng khi uống rượu.
“Đừng giết tôi. Tôi sai rồi. Tôi xin chị đấy, đừng giết tôi.” Lệ nhỏ nhẹ van nài, tay Lệ ra sức gỡ tay tôi ra khỏi cổ.
Không hiểu sao tôi thấy cảnh này quen đến thế.
Tôi ngẩng đầu lên, bỗng nhiên nhìn thấy trên giá sách nhà Lệ có đặt một khung ảnh to bằng cuốn sách.
Trong khung ảnh ấy có hình chụp của ba người.
Đứng giữa là Huệ Mỹ mặc một chiếc váy rất đẹp, tóc buộc hai bên thật đáng yêu với nụ cười tươi rói.
Bên trái là Lệ, tuy có vẻ tiều tụy nhưng vẫn nhìn thấy được nét vui vẻ.
Còn bên phải, người đứng bên phải là ai?
Người phụ nữ ấy là ai? Là ai?
Mái tóc ngắn, đôi lông mày rậm, trán cao rộng, mũi cao, cằm chẻ, ánh mắt mơ màng, nhưng vẫn nở nụ cười ma quái. Nụ cười ấy có nét gì khó hiểu và đau khổ. Cảnh nền bức ảnh là một khu rừng xanh, hai người lớn quỳ ở hai bên đỡ lấy Huệ Mỹ, tay phải Huệ Mỹ cầm một cây pháo hoa, tay phải người phụ nữ xa lạ kia cũng cầm một cây pháo hoa.
Tôi thấy cổ họng mình như có cái gì đó muốn chui ra, nước mắt tuôn trào ra chảy xuống mũi và miệng, lành lạnh đến ngứa ngáy. Tôi nhìn thấy ánh mắt đờ đẫn của Lệ, trong con ngươi cô ta tôi thấy được khuôn mặt của người phụ nữ đứng bên phải.
Đó chính là tôi.
Trong chốc lát tôi dường như nhìn thấy mình không phải đang bóp cổ Lệ mà đang bóp cái cổ yếu ớt của Huệ Mỹ. Cô bé không chống lại mà chỉ nhìn tôi với ánh mắt đau lòng.
Tại sao tôi lại giết con bé?
Tôi không nhớ nổi nữa. Tôi chỉ nhớ rằng lúc khuôn mặt cô bé đỏ ửng đến mức tím tái thì nó mấp máy nói với tôi: “Cháu luôn coi cô là mẹ mình.”
Cách viết giàu kịch tính, đẩy mâu thuẫn đến cao trào rồi đột ngột mở nút thắt của Vương Vũ Chấn khiến người đọc không thể rời mắt khỏi cuốn sách, hồi hộp nín thở dõi theo diễn biến truyện qua từng trang viết. Các câu chuyện trong cuốn sách đặt ra cho chúng ta tính cấp thiết phải đấu tranh để duy trì nền tảng đạo đức, tính thiện và những giá trị nhân bản của cuộc sống.
Trân trọng giới thiệu tới bạn đọc!