10 lời khuyên bất hủ của Bill Gates
02/10/2012 (438 lượt xem)
Trước khi về hưu, Bill Gates - ông chủ của tập đoàn phần mềm vi tính vĩ đại nhất thế giới (Microsoft) đã dành thời gian quý báu để đưa ra 10 lời tâm sự dành cho các bạn thanh niên trên con đường học hành và lập nghiệp. Chúng tôi xin giới thiệu và mời các bạn tham khảo những lời khuyên bổ ích của người giàu nhất thế giới này, vì có thể, biết đâu, đến ngày nào đó, bạn cũng sẽ trở thành một Bill Gates thứ hai chăng?
Bill Gates – người bình dị mà lớn lao nhất của thời đại Internet.
… Dưới đây - 10 lời tâm sự như là sự nhắn nhủ và khuyên bảo chân tình của Ông :
1. Mọi người sẽ không bao giờ ngó ngàng đến lòng tự trọng của bạn, điều mà họ quan tâm chính là những đóng góp mà bạn có được. Do đó, trước khi có được những đóng góp tích cực, thực chất chứ không hình thức, bạn đừng nên quá tôn cao hay cường điệu lòng tự trọng của bản thân mình !
(Lòng tự trọng quá cao sẽ tỷ lệ thuận với sự bất lợi trong công việc của bạn. Mặt khác, chính những thành tựu cụ thể và công lợi mà bạn đóng góp cho cộng đồng thì tỷ lệ thuận với giá trị nhân cách của bạn, càng tăng thêm thuận lợi cho sự nghiệp của bạn).
2. Thế giới vốn không công bằng, nhất là ở những nơi xa lạ với sự công chính. Bạn dư thấy điều đó hiển hiện ngay nơi mà bạn đang tồn tại. Nhưng, dù bạn có nhận thấy sự bất công đó tệ hại đến đâu thì cũng đừng hy vọng làm thay đổi ngay được nó. Việc cần làm là hãy tạm thời thụ động thích nghi với nó !
(Sở dĩ như vậy, vì truớc mắt, một mình bạn sẽ không thể nào làm thay đổi được sự bất công trong xã hội. Nhưng nhớ rằng, chỉ là “tạm thời thụ động thích nghi” thôi. Về lâu dài, bạn hãy hướng tới sự thay đổi tích cực hơn, bằng sự liên thông với những người tích cực).
3. Thường thì bạn sẽ không thể trở thành CEO, nếu chỉ mới tốt nghiệp trung học. Nhưng khi bạn đã trở thành một CEO thì không còn ai để ý là bạn mới chỉ có tốt nghiệp trung học nữa.
(Lúc này người ta sẽ đánh giá và quan tâm nhiều đến năng lực hơn là bằng cấp của bạn, tôn vinh giá trị thực chất hơn là danh nghĩa của bạn).
4. Khi bạn gặp khó khăn hay bế tắc trong công việc, đừng phiền lòng và mất công oán trách số phận ! Hãy tìm ra những bài học của bế tắc và thất bại. Điều bạn học được từ đó chính là kinh nghiệm sống, nó có giá trị hơn cả những bài học thành công, để lần sau không bao giờ mắc phải nữa.
(Truớc mỗi thất bại, có khi phải bắt tay làm lại từ đầu và sửa sai từ cái nhỏ nhất. Biết tự điều chỉnh và tự cải thiện, đó là nguồn gốc của mọi thắng lợi và thành công).
5. Bạn nên hiểu một điều tối thiểu của sự học, rằng : Mọi người đều là thầy dạy của ta, không chính diện thì phản diện. Nhưng cần biết phân biệt : Thầy xứng đáng và Kẻ tầm thuờng. Kẻ tầm thuờng lắm khi nằm trong số những người thầy chính danh. Trái lại, Thầy xứng đáng nhiều khi chẳng dạy ta một giờ nào, chẳng có danh xưng hay địa vị, nhưng lại có hấp lực mãnh liệt đến ta từ trí tuệ và phẩm giá của người đó.
(Theo nghĩa đó, bậc thầy đáng kính nể và đáng được học nhất là những vị thầy có tiềm lực mà không phô trương, có nhân cách mà sống ẩn dật, có đóng góp mà biết lặng thầm, có tài trí mà chẳng đua tranh…).
6. Khi đi học, bạn đuợc bao nhiêu điểm hay đứng thứ mấy trong lớp cũng không thành vấn đề quan trọng. Cái quan trọng nhất không nằm ở đánh giá bên ngoài, mà ở tiềm lực bên trong mà chính bạn đã tự tích luỹ qua sự học. Điều đó có lợi cho sự nghiệp dài lâu của bạn khi ra đời.
(Không chờ đến khi ra đời, ngay trong hiện tại, dù bạn đi đâu, gặp ai hay làm việc gì, chính tiềm lực thực chất đó nếu đuợc khơi dậy, toả sáng và thăng hoa, nó sẽ tạo nên đẳng cấp cho chính bạn. Đó là thứ đẳng cấp có giá trị thật, không huyền ảo, không hư danh).
7. Khi đi học, bạn luôn mong chờ đến các ngày nghỉ, dịp Lễ/Tết. Khi đi làm thì hoàn toàn không như vậy, dường như bạn sẽ ít được nghỉ ngơi, vì công việc cuốn hút, nhất là khi bạn làm chủ một công ty, luôn phải có trách nhiệm cao truớc mọi người. Khi các nhân viên của bạn đuợc nghỉ lễ, lại là lúc bạn phải lo lắng cho công việc sắp tới (sau lễ) nhiều nhất.
(Bởi vậy, ngay từ những ngày đang đi học, bạn phải lo tập dần cách quản lý thời gian và điều tiết thời gian, kể cả khi bạn sắp nghỉ lễ và đang nghỉ lễ - bài học đó thuờng không có trong giáo trình ! Còn khi là một nhân viên, nếu bạn luôn mong chờ ngày nghỉ lễ, thì bạn sẽ dễ bị lạc hậu và thụ động hơn so với những nhân viên mẫn cán khác. Sự lạc hậu này còn luôn là nguy cơ của sự đào thải và thất nghiệp).
8. Khi ngồi trên ghế nhà trường, nếu gặp khó khăn trong học tập thì còn có giáo viên giúp đỡ bạn. Tuy nhiên, nếu lúc đó bạn lại cảm thấy mọi khó khăn đều do những yêu cầu quá nghiêm khắc từ phía giáo viên, thì bạn đừng nên đi làm sau khi tốt nghiệp ! Đơn giản vì, những yêu cầu của một công ty đang phát triển còn nghiêm khắc gấp bội phần so với yêu cầu của giáo viên. Và, nếu không thực hiện đuợc đầy đủ những yêu cầu đó, chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng bị thất nghiệp !
(Ở truờng còn có sự hỗ trợ trực tiếp của giáo viên và bè bạn, nhưng ra truờng, đi làm, bạn phải tự lực gần như hoàn toàn, chẳng mấy ai sẵn sàng giúp bạn. Những yêu cầu của công ty bao giờ cũng khắt khe hơn rất nhiều so với trường học, vì ở trường học, dù bạn có học được hay không thì chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bạn. Còn ở công ty, bạn có làm được việc hay không thì lại ảnh hưởng đến rất nhiều người, đến tương lai của công ty).
9. Mọi người đều thích xem phim truyền hình, nhưng bạn không nên xem nhiều, vì đó không phải là cuộc sống thực của bạn. Rất nhiều bộ phim chỉ mang đến cho ta cuộc sống ảo, động thái ảo, kết quả ảo… Chính công việc ở công ty mà bạn đang có phần đóng góp trong đó (dù ở cương vị làm thuê hay làm chủ) mới phản ánh cuộc sống thực của bạn, và đó mới chính là cuốn phim đời mà bạn là một diễn viên thực thụ cần toả sáng.
(Phim ảnh cũng có mặt rất lợi khi đáp ứng nhu cầu giải trí và tăng thêm trí tuởng tuợng của bạn. Nhưng bạn không nên sa đà để mất thì giờ và tâm sức vào việc xem phim truyền hình quá nhiều, nhất là với những loại phim rẻ tiền và lãng xẹt ! Tư tưởng và thái độ của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi những bộ phim vô bổ đó. Cuộc sống của bạn đừng để cho phim ảnh quyết định).
10. Dù bất kỳ truờng hợp khất tất nào, bạn cũng tránh không bao giờ phê bình người khác sau lưng họ. Trong trường hợp sếp của bạn kém năng lực hoặc yếu phẩm chất về một lĩnh vực nào đó, bạn có thể gặp riêng để trao đổi từ từ, thẳng thắn nhưng lịch sự. Hơn nữa, cách trao đổi và thái độ trao đổi đặc biệt quan trọng và có tính quyết định hơn hẳn nội dung trao đổi. Nếu trao đổi không khôn khéo, sẽ có nhiều phản ứng nguợc.
(Nếu bạn có thắc mắc gì trong công việc thì nên nói ý kiến của mình trước mặt mọi người. Còn, nếu bạn luôn giữ thái độ và hành động phản kháng sau lưng người khác, thì chỉ có bất lợi cho chính bạn mà thôi. Xuất phát điểm tốt nhất của sự trao đổi từ từ, thẳng thắn và lịch sự… không chỉ nhằm vào lợi ích của công ty, mà căn bản hơn, còn khởi phát từ sự tôn trọng danh dự của người khác). -/-