3 nguyên tắc cần nhớ khi xây dựng thực đơn cho bé ăn dặm
12/04/2017 (676 lượt xem)
Chế độ dinh dưỡng trong những năm đầu đời rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn ăn dặm. Để xây dựng được thực đơn ăn dặm cho bé đúng chuẩn, đầy đủ chất dinh dưỡng thì mẹ cần ghi nhớ 3 nguyên tắc vàng sau đây.
1. Luôn cho trẻ ăn đủ 4 nhóm dinh dưỡng trong một bữa ăn
Nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng thực đơn cho bé ăn dặm, đó là sự kết hợp đầy đủ giữa 4 nhóm dinh dưỡng, gồm: nhóm tinh bột, nhóm đạm, nhóm vitamin và nhóm chất béo.
Cả 4 nhóm này đều đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bé. Vì vậy, khi cho bé ăn dặm, mẹ cần kết hợp đủ 4 nhóm này theo tỷ lệ phù hợp giúp bé phát triển một cách toàn diện.
Nhóm tinh bột: có nhiều trong gạo, mỳ, ngũ cốc, bún, phở...có vai trò tạo nên tế bào và các mô, cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Nhóm đạm: có trong các loại thịt động vật như thịt lợn, thịt bò, cá, trứng, sữa...và trong một số thực phẩm từ thực vật như đậu, lạc...Đây là nhóm dưỡng chất chủ yếu hình thành nên các tế bào, mô, cơ, xương, cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động.
Nhóm vitamin và khoáng chất: có nhiều trong các loại rau, củ, quả, có vai trò duy trì chức năng sinh lý hóa của cơ thể, tham gia vào quá trình trao đổi chất, cung cấp chất xơ chống táo bón, tăng sức đề kháng…
Nhóm chất béo: có trong dầu, mỡ, bơ...có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể, là dung môi để hòa tan các vitamin D,K,E, A….
Luôn cho trẻ ăn đủ 4 nhóm dinh dưỡng trong một bữa ăn - Ảnh minh họa
2. Ăn đúng cấu trúc theo độ tuổi ăn dặm
Mỗi thời kỳ ăn dặm sẽ có cấu trúc thức ăn khác nhau, phù hợp với khả năng hấp thu và tiêu hóa của cơ thể. Mẹ có thể tham khảo bảng câu trúc thức ăn theo độ tuổi của bé của Bộ y tế Anh để xây dựng thực đơn phù hợp cho bé:
Bắt đầu ăn dặm đến hết 6 tháng: Thức ăn ở dạng mịn, nhuyễn, loãng, nhiều nước, lọc qua rây. Cháo nấu theo tỷ lệ 1:10 (1 gạo, 10 nước). Thịt, rau cũng được xay nhuyễn mịn.
Từ 7 tháng - hết 9 tháng tuổi: Thức ăn ở dạng đặc hơn. Chỉ cần xay nhỏ, không cần lọc qua rây.
Từ 10 tháng - hết 12 tháng tuổi: ăn cháo nguyên hạt. Thịt, rau chỉ cần băm nhỏ, không cần xay nhuyễn. Bé nào phát triển nhanh hơn có thể cho ăn cơm nát mà không cần nấu cháo.
Từ 1 tuổi trở đi: Cho ăn cơm nát với thức ăn cắt, băm nhỏ. Sau đó cho bé tập ăn cơm dần.
Cho trẻ ăn đúng cấu trúc theo độ tuổi ăn dặm - Ảnh minh họa
3. Bé dưới 1 tuổi không nêm nếm gia vị vào thức ăn
Theo các chuyên gia khuyến cáo thì mẹ không cần cho gia vị vào đồ ăn dặm của bé dưới 1 tuổi. Bởi trẻ dưới 1 tuổi nhu cầu về gia vị của bé rất thấp, chúng đã được đáp ứng qua các thực phẩm khác hằng ngày như sữa, trái cây...
Nếu thường xuyên cho bé ăn mặn, có thể khiến thận bé bị quá tải, tăng nguy cơ béo phì, mắc các bệnh về tim mạch sau này. Mặt khác, vị giác của bé nhạy hơn người lớn rất nhiều, có thể người lớn nếm thấy vừa nhưng với bé là rất mặn, gây rối loạn vị giác, dẫn đến tình trạng biếng ăn, chậm lớn…
Sau 1 tuổi, mẹ có thể nêm gia vị vào thức ăn của bé nhưng với lượng rất ít. Khi bé được 3 tuổi, có thể nêm gia vị như của người lớn.