Ba bước quấn tã cho bé sơ sinh đúng cách
03/10/2012 (1907 lượt xem)
Không ít người mẹ trẻ không biết cách làm sao quấn tã cho bé đúng cách.Việc quấn thực hiện không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho bé - dẫn tới trật khớp háng. Các nghiên cứu cho thấy, việc quấn chặt hai chân ở tư thế duỗi thẳng, khép vào trong có thể dẫn tới trật khớp háng vì phần đầu của xương đùi không nằm chắc trong ổ khớp háng và có thể di chuyển ra ngoài ổ khớp.
Nghiên cứu cho thấy, quấn bé (hình thức tái tạo sự ấm áp trong bụng mẹ) giúp bé cảm thấy dễ chịu và ngủ ngon, dài hơn.
Ưu – nhược điểm của quấn cho bé
Ưu điểm:
- Giúp bé ngủ dài hơn, ít tỉnh giấc hơn. Các nghiên cứu cho thấy, bé được quấn ngủ ngon hơn khi nằm ngửa, không bị lật sấp (giảm nguy cơ đột tử) và ít thức giấc vì phản xạ Moro (còn gọi là phản xạ giật mình).
Phản xạ Moro là phản xạ tự nhiên ở bé sơ sinh, mất đi khi bé được 4-5 tháng tuổi (Đó là một phản xạ kỳ lạ của con người, thể hiện nỗi sợ hãi về khả năng bị rơi. Khi bị thay đổi độ cao đột ngột, bé giật mình, hai cánh tay giang rộng, duỗi thẳng, bàn tay xòe ra. Sau đó, bé co tay lại, ôm vào trong như muốn bấu để khỏi bị rơi, đầu gối thu về phía ngực).
Phản xạ Moro không chỉ xuất hiện khi cơ chế thăng bằng bị kích thích đột ngột nói trên mà còn xuất hiện khi bất cứ cơ quan cảm thụ nào của bé bị kích thích quá mức, (chẳng hạn như ánh sáng gay gắt, tiếng động mạnh, sự đụng chạm bất ngờ…). Quấn làm giảm sự xuất hiện của phản xạ Moro và nhờ đó bé ngủ sâu hơn, dài hơn. Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nhi khoa của Mỹ tháng 10/2006 cũng cho thấy việc quấn giúp các bé dưới 8 tuần tuổi ít khóc hơn.
- Cải thiện sự phát triển thần kinh cơ và giảm stress thể chất ở bé sinh non.
- Giảm thời lượng khóc ở những bé khóc nhiều (hiệu quả hơn so với phương pháp massage).
- Giảm đau.
- Tác dụng hỗ trợ ở bé bị tổn thương não giai đoạn sơ sinh và những bé sơ sinh có mẹ dùng thuốc trong thời gian có thai, ví dụ thuốc chống trầm cảm.
- Điều hòa thân nhiệt.
- Không ảnh hưởng tới các mốc phát triển vận động của bé cả về ngắn hạn và dài hạn.
- Không ảnh hưởng tới các đặc tính của xương. Nhược điểm:
- Có thể làm tăng thân nhiệt nếu quấn không đúng cách.
- Tăng nguy cơ bị trật khớp háng, do quấn chặt hai chân ở tư thế duỗi thẳng và khép lại.
- Mặc dù quấn giúp bé ngủ ngon hơn ở tư thế nằm ngửa nhưng sự kết hợp giữa quấn và nằm sấp lại làm tăng nguy cơ đột tử ở bé dưới 1 tuổi.
- Một nghiên cứu nhỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc cho thấy nguy cơ bị nhiễm trùng hô hấp cao hơn ở bé được quấn.
Theo các chuyên gia y tế, chỉ nên quấn chặt hai tay của bé, còn hai chân cần được để lỏng, cho phép bé cử động, co duỗi thoải mái. Cha mẹ có thể lựa chọn chỉ quấn khi bé ngủ, còn khi thức thì để bé tự do.
Sau đây là 3 bước để quấn cho bé đúng:
Bước 1
• Trải rộng một chăn (hoặc khăn) vuông, mỏng. Gập một đầu và đặt bé nằm ngửa, đầu tựa vào nếp gấp của khăn như trong hình.
• Một tay giữ bé, một tay nâng đầu khăn bên trái lên, quấn quanh người bé. Nhét khăn vào dưới nửa người bên phải.
Bước 2
• Gập điểm dưới của tã lên phía trên, chừa chỗ cho chân cử động tự do. Đừng quấn quá chặt, khiến chân bé không cử động được, có thể gây trật khớp háng.
• Tuyệt đối không quấn khăn cho những bé bị trật khớp háng.
Bước 3
• Tay phải giữ bé, tay trái nhấc đầu còn lại của khăn rồi quấn quanh người bé, giắt xuống phần lưng.
• Chú ý không quấn vào phần đầu và cổ, gáy.
Giữ an toàn cho bé đang quấn:
- Chỉ được đặt bé đang quấn nằm ngủ ở tư thế ngửa. Ngủ tư thế sấp có thể khiến bé bị khó thở, nguy cơ đột tử cao hơn.
- Ngừng quấn khi bé học lẫy. Thường xuyên kiểm tra xem bé có bị nóng quá không.
(Theo Chăm sóc trẻ thơ)