Bài tập thể dục trị bệnh phụ khoa cho nữ giới
22/01/2019 (766 lượt xem)
Có một số bài tập thể dục đơn giản nhưng có tác dụng rất tốt trong điều trị bệnh phụ khoa cho nữ giới. Vì vậy, đối với phụ nữ bị mắc bệnh phụ khoa, bên cạnh việc điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sỹ bạn nên kết hợp với các bài tập sau để giúp bạn điều trị bệnh tốt hơn.
Các bài tập thể dục
Bài 1: Gập người dậy từ tư thế nằm
Phụ nữ nằm ngửa, đưa tay và chân lên cao dùng sức để gập người ngồi lên, bắt đầu tập 10 nhịp/lần, mỗi ngày ít nhất 3 lần. Với phụ nữ ở độ tuổi 30, tốt nhất nên làm 40-45 nhịp/phút. Ở độ tuổi 40 nên làm khoảng 35 nhịp/phút. Độ tuổi 50 cố gắng đạt 25-30 nhịp/phút.
Bài 2: Ngồi xuống và đứng lên
Tập tư thế ngồi xổm và đứng lên dứt khoát, liên tục. Động tác này cũng bắt đầu tập 10 nhịp/lần, mỗi ngày ít nhất 3 lần. Với phụ nữ ở độ tuổi 30, tốt nhất nên làm 40-45 nhịp/phút. Ở độ tuổi 40 nên làm khoảng 35 nhịp/phút. Độ tuổi 50 cố gắng đạt 25-30 nhịp/phút.
Ý nghĩa của việc luyện tập
Gập người dậy từ tư thế nằm và ngồi xuống đứng lên là phương pháp luyện tập cơ, mang lại tác dụng luyện cơ bụng rất tốt và cũng là cách hỗ trợ cho quá trình điều trị các bệnh phụ khoa. Theo điều tra của tạp chí “Prevention”, Mỹ, 86% số phụ nữ kiên trì gập người dậy từ tư thế nằm và đứng lên ngồi xuống trong thời gian dài có tỉ lệ mắc các bệnh phụ khoa thấp hơn 55% so với những người không tập các động tác trên.
Các động tác này giúp co các cơ ở bụng, bảo vệ tốt hơn các cơ quan vùng bụng. Không chỉ vậy, các động tác này còn giúp kéo căng các cơ, dây chằng và cột sống ở lưng. Ngoài ra còn kích thích các mạch máu ở háng, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, giúp chữa trị và làm giảm các chứng bệnh phụ khoa.
Lưu ý khi luyện tập
- Để đạt được hiệu quả luyện tập tốt nhất, nên kết hợp cùng hô hấp. Bắt đầu hít vào khi duỗi người nằm xuống, thót bụng lại khi vai và lưng chạm đệm, sau đó từ từ gập phần thân trên dậy. Khi bụng có cảm giác căng, nhanh chóng thở ra, rồi cúi người, hạ thấp đầu về phía trước để hoàn thành động tác. Thông thường 2 tay đan vào nhau, ôm sau gáy khi làm động tác gập người và đứng lên ngồi xuống. Nhưng khi chị em thực hiện động tác này, 2 tay không nên ôm sau gáy mà để hờ 2 bên tai để tăng lực cho vùng bụng.
- Không nên thực hiện các động tác này trong giai đoạn kinh nguyệt.