Bố trẻ đảm việc nhà
02/02/2010 (500 lượt xem)
Những bố trẻ trong câu chuyện dưới đây là điển hình minh chứng, đàn ông chăm con và nội trợ chu đáo không thua kém gì phụ nữ.
Nghỉ phép chăm con Trung năm nay 34 tuổi, vợ chồng anh có đứa con trai lên hai. Lập nghiệp ở Hà Nội, hai người đều xa quê, việc chăm con 8 giờ hành chính trông cậy hết vào người giúp việc. Trung rất thương con, lẽ ra từ hơn một tuổi vợ chồng có thể đưa con đi gửi nhà trẻ. Nhưng nhà trẻ thường đông trẻ con, anh sợ các cô giáo không chăm con mình được chu đáo bằng việc một người giúp việc chăm mỗi mình cậu quý tử. Để yên tâm đi làm, Trung tìm người giúp việc khá kỹ. Anh về quê nhờ bố mẹ và may mắn mời được người em họ học hết cấp ba, hai lần thi cao đẳng bị trượt, chưa lấy chồng ra giúp việc. Mỗi tháng ngoài ăn ở, vợ chồng Trung trả cô em họ một triệu. Anh còn hứa sẽ tìm việc làm, cả chuyện… tìm chồng cho cô sau khi con trai đi học mẫu giáo. Dù rất tin tưởng em họ, nhưng Trung luôn cặn kẽ chỉ bảo cô từ dạy bé tập nói thế nào, chơi đồ chơi ra sao... “Nếu cháu nghịch quá là em phải tìm cách hãm lại nhé, để nó nghịch lớn lên quen thói thì mệt lắm”- Trung dặn.
Hạ là nhân viên một ngân hàng thương mại tại Hà Nội. Khi sinh con gái đầu lòng họ đón bà nội, bà ngoại từ quê lên ở giúp vợ chồng vài tháng. Bà nội, bà ngoại về quê, họ phải thuê người giúp việc. Vợ anh làm ở một nhà in, tính chất công việc phải làm ca nên rất vất vả trong việc chăm con. Điều này buộc Hạ luôn phải tận dụng mọi thời gian có thể để chăm con. Hạ gần như xa các buổi tiệc tùng cùng bạn bè. Đi làm, ngày nào anh cũng gọi điện về đôn đốc, nhắc nhở người giúp việc cho con uống sữa, ăn bột. Hạ tâm sự, từ ngày vợ sinh con gái, lúc nào anh cũng sống trong cảm xúc hạnh phúc, dù cuộc sống trở nên bận rộn hơn. Một thời gian dài luôn trong tình trạng đói ngủ, do đêm phải thức dậy nhiều lần hỗ trợ vợ thay bỉm, dỗ con ngủ. Hạ đã hai lần xin nghỉ phép một tuần để ở nhà chăm con. Bên con, anh tập nói, tập từng bước đi cho con. 28 tuổi, Doãn là kỹ sư tin học. Vợ sinh con gái, anh đón mẹ từ Thái Nguyên xuống ở. Đi làm về, Doãn tạt vội vào chợ mua thức ăn, đồ dùng lặt vặt. Nhà có mẹ, và vợ cũng đã hết thời gian ở cữ, nhưng hễ ăn cơm xong là anh bê bát đi rửa ngay, rồi tranh thủ giặt đồ, lau dọn nhà cửa thật nhanh để chơi với con. Mẹ anh có lần cáu gắt: “Đón mẹ xuống mà cứ tranh phần làm hết, thì xuống đây để làm gì? Hay lại chê bà già này làm không sạch!”. “Thôi, mẹ không phải nóng. Con đã bảo trước rồi, mẹ giúp con chăm cháu, đừng để cháu khóc, cháu đói là con vui rồi”. Doãn còn dặn vợ một cách hài hước: “Em nhớ trông con cẩn thận, không để một con muỗi bén mảng đến chích con đâu đấy...”. Bạn bè biết Doãn chăm chỉ việc nhà, chu đáo với vợ con quá mức, khuyên anh nên dành thời gian cho việc kiếm tiền, có khi vợ anh lại... thích hơn. Doãn cho rằng, con anh còn quá nhỏ, phải phụ việc nhà để sao cho vợ mình có điều kiện chăm sóc “cục vàng” một cách tốt nhất. Không những thế, khi xong việc nhà anh lại giúp bà xã thay tã, hay ru con ngủ để vợ tranh thủ ngủ. “Vợ phải ngủ đủ giấc, có thời gian nghỉ ngơi mới mong đủ sữa cho con bú” - Doãn nói. Không ai thay thế được người cha Theo truyền thống Á Đông, đàn ông là trụ cột gia đình, và đã là chủ gia đình thì phải là người gương mẫu, có trách nhiệm với gia đình mình. Tuy nhiên, một số gia đình vì nhiều lý do, mà người vợ đã “leo lên” làm chủ, dẫn tới con cái trong nhà lúc nào cũng “nhất mẹ, nhì… bố!”. Và không phải ông bố nào cũng tuyệt vời như kể trên. Một thực tế, có nhiều ông bố quá mải miết lo việc kiếm tiền, vì luôn cho mình là lao động chính trong nhà, nên giao việc chăm sóc, dạy dỗ con cái cho người vợ, thậm chí cho cả… người giúp việc. “Không ai có thể thay thế được người cha, bên cạnh người mẹ trong trách nhiệm nuôi dạy con cái” - Chuyên gia An Việt Sơn nói. Cha mẹ dạy con bằng tình mẫu tử, là người hiểu con mình hơn bất cứ ai, nên sẽ biết con có thế mạnh gì để phát huy hết khả năng của trẻ. Người cha cùng người mẹ không chỉ cho con tình yêu thương, mà còn cần bàn bạc, đi đến thống nhất một phương pháp giáo dục con, sao cho việc học tập và vui chơi của con thật khoa học. Điều này giúp cho trẻ lớn lên có đủ sức khoẻ, tri thức để bước vào đời.