Bữa ăn nhẹ sau giờ học của trẻ
02/05/2013 (818 lượt xem)
Bạn thường gặp một tình huống diễn ra hàng ngày trong các gia đình ở bất cứ đâu. Lũ trẻ đi học về và lao ngay vào bếp để kiếm đồ ăn. Làm thế nào để bạn yên tâm rằng các con mình được ăn đầy đủ mà vẫn không ảnh hưởng tới bữa tối? Hãy đọc bài viết này.
Mặc dù càng lớn trẻ càng ít ăn vặt, nhưng cũng không đáng ngạc nhiên khi hầu hết các em đều rất đói lúc đi học về. Nhiều đứa trẻ ăn trưa sớm – 11h30 hoặc thậm chí sớm hơn – rồi sau đó học buổi chiều và thậm chí còn tham gia các hoạt động ngoại khóa sau giờ học mà không kịp ăn bổ sung. Hiển nhiên là các máy bán đồ ăn vặt tự động càng trở nên hấp dẫn vào cuối ngày.
Tùy theo lứa tuổi và thời gian biểu của con mình, không phải lúc nào bạn cũng kiểm soát được việc các em ăn gì sau giờ học. Nhưng cũng đừng vội phó mặc bọn trẻ. Hãy làm theo các bước dưới đây để hướng dẫn con bạn ăn nhẹ sau giờ học sao cho giải quyết được cơn đói của trẻ, mà vẫn không ảnh hưởng tới việc hấp thụ dinh dưỡng vào bữa tối.
Tính toán thời gian
Để ý đến các con và theo dõi thời gian ăn uống của các em vào các ngày thông thường trong tuần. Một số trẻ nhỏ có thể ăn nhẹ vào giữa buổi sáng, nhưng hầu hết các em đã đi học đều không như vậy.
Hãy trả lời các câu hỏi sau đây:
Mấy giờ trẻ ăn trưa?Chúng ăn những gì và như thế nào trong bữa trưa? Chúng có bao giờ bỏ bữa hay không? Nhà trường có bố trí bữa ăn phụ sau giờ học hay không? Điều này sẽ giúp bạn tìm hiểu được bé đói đến mức nào khi đi học về.
Bạn cũng sẽ phải cân nhắc đến thời gian ăn tối của gia đình. Một đứa trẻ về nhà lúc ba giờ trong tình trạng đói meo và ăn một bữa phụ khổng lồ sẽ chẳng còn cảm giác đói nếu bữa tối được dọn ra lúc 5h30. Tương tự như vậy, sẽ thật vô lý nếu bắt một đứa trẻ có bố mẹ đi làm đến tận 7h30 mới về phải nhịn đói từ sau bữa trưa. Hãy quan tâm đến thời gian biểu của con bạn và dựa vào đó để lên kế hoạch.
Xây dựng một danh sách các lựa chọn có lợi cho sức khỏe
Bây giờ, hãy bàn tới những món mà trẻ thích ăn trong bữa phụ. Bạn nên cùng các con xây dựng một danh sách những đồ ăn có lợi cho sức khỏe và đảm bảo có nhiều rau, quả tươi. Mặc dù không ngăn cản các em ăn một lát bánh ngọt hoặc một ít khoai tây chiên, song những món có hàm lượng dinh dưỡng thấp như vậy không nên thường xuyên có mặt trong thực đơn bữa ăn nhẹ hàng ngày của trẻ.
Nếu có thể, hãy dẫn trẻ cùng đi tới cửa hàng thực phẩm và dành thời gian đọc các thành phần dinh dưỡng in trên nhãn mác hàng hóa và so sánh giữa các sản phẩm. Chú ý tới hàm lượng protein, chất xơ, can-xi và các chất dinh dưỡng quan trọng khác, và đừng quên nói về tỷ lệ khối lượng giữa chúng. Đồng thời, chọn những đồ ăn ít đường, muối, chất béo. Việc được tham gia vào quá trình này có thể giúp trẻ học cách lựa chọn các loại đồ ăn có lợi cho sức khỏe.
Đơn giản hóa khi lựa chọn các món ăn có lợi cho sức khỏe
Đừng kỳ vọng trẻ, nhất là ở lứa tuổi thiếu niên, sử dụng thìa hoặc đũa khi ăn. Điều đó quá phiền phức, nhất là khi chúng đang đói. Trẻ em thích được ăn bằng tay hơn. Đó là điều bạn phải chú . Hãy làm cho bữa ăn nhẹ trở nên sẵn sàng tiện lợi nhất bằng cách gói chúng trong các hộp đựng đồ ăn hay các bao bì, hoặc để ở nơi dễ nhìn thấy và dễ thu hút trẻ trong nhà bạn.
Nếu bạn ở nhà sau giờ học, các con nhỏ của bạn hẳn cũng thích được giúp bạn làm những món ăn nhẹ đầy sáng tạo đối với chúng. Trẻ lớn hơn thường thích tự làm đồ ăn cho chúng, vì vậy, hãy cung cấp nguyên liệu và nêu những chỉ dẫn đơn giản để chúng tự chế biến. Nếu sắp đến giờ ăn tối, hãy cân nhắc để cho trẻ ăn một chút lót dạ, như một đĩa salad hoặc rau trộn nhỏ trong khi bạn chuẩn bị bữa ăn cho gia đình.
Trong trường hợp còn phải chờ ăn tối rất lâu, bạn có thể cho phép trẻ ăn nhiều hơn một chút với những món đơn giản và giàu chất béo. Một bữa phụ hoàn hảo sẽ chiếm nhiều thời gian để ăn hơn là để chuẩn bị!
Nếu các con bạn tham gia chương trình ngoại khóa hoặc về nhà người giữ trẻ sau giờ học, hãy tìm hiểu xem họ có chuẩn bị bữa phụ hay không. Nếu có, chất lượng bữa ăn thế nào? Nếu bạn không hài lòng, hãy đề nghị họ thay đổi hoặc gói thêm đồ ăn cho con. Những loại đồ ăn nhanh như ngũ cốc ít chất đường, bánh quy, đậu phộng, các loại quả hạch, hoa quả khô hoặc tươi, và rau củ xắt nhỏ.
Nếu con bạn về nhà khi không có ai thì sao? Như đã nói, cách tốt nhất là để đồ ăn ở đầu hoặc giữa bàn ăn hoặc ở trong tủ lạnh. Một đứa trẻ đang đói, cũng như một người lớn đang đói thôi, sẽ chẳng thể kiềm chế được sức hút của các món ăn đó.