Cách chăm sóc và giữ gìn vệ sinh răng miệng cho bé
06/11/2012 (937 lượt xem)
Sâu răng và nha chu là hai bệnh răng miệng phổ biến gây ra do vi khuẩn, nên sẽ lây từ răng này qua răng khác và từ miệng người này qua miệng người khác. Trong miệng trẻ sơ sinh không có vi khuẩn gây sâu răng. Khi răng bắt đầu mọc, vi khuẩn sẽ được truyền từ mẹ (hoặc người nuôi dưỡng) cho trẻ qua việc hôn hít, nếm thức ăn hay làm sạch núm vú giả bằng cách mút trong miệng trước khi cho trẻ bú. Nếu bà mẹ chải răng thật kỹ, chế độ ăn chứa lượng đường thấp sẽ làm giảm lượng vi khuẩn sâu răng trong miệng, từ đó làm giảm hay chậm khả năng truyền vi khuẩn sang cho trẻ.
Để loại trừ sự lây nhiễm:
- Không nên nhai hay cắn thức ăn rồi đút cho trẻ.
- Không nên cho trẻ sử dụng chung muỗng, đũa với người bị sâu răng.
- Không cho trẻ sử dụng chung bàn chải đánh răng.
Cách giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ
Trước khi trẻ có răng (6 tháng tuổi):
- Cho trẻ uống vài muỗng nước ngay sau khi bú (và ợ).
- Dùng gạc hay vải ướt quấn quanh ngón tay lau sạch và xoa nắn nướu, lưỡi cho trẻ sau khi cho trẻ bú hay ăn.
Sau khi trẻ có răng:
- Cho trẻ uống vài muỗng nước ngay sau khi bú hay ăn rồi dùng gạc hoặc vải ướt quấn quanh ngón tay lau sạch răng (đừng quên lau mặt trong của răng) và xoa nắn nướu, lưỡi cho trẻ sau khi trẻ bú hay ăn.
- Trẻ 1 tuổi (khi trẻ có 8 răng cửa): Có thể dùng bàn chải đánh răng có lông mềm với kích thước nhỏ.
- Trẻ dưới 3 tuổi: Nên cẩn thận khi sử dụng kem đánh răng trẻ em có chứa fluor.
- Trẻ hơn 3 tuổi: Sử dụng kem đánh răng trẻ em có fluor, với lượng kem phết lên bàn chải độ bằng hạt đậu. Dùng chỉ nha khoa để làm sạch mặt bên trong.
Cách chải răng:
- Đặt lông bàn chải hướng về phía đường viền nướu một góc 45o so với răng, lắc nhẹ bàn chải. Chải từng nhóm răng, mỗi nhóm độ 2 – 3 răng, chải ba mặt răng: mặt ngoài (mặt nhìn thấy khi há miệng), mặt trong (phía dưới) và mặt nhai.
- Cha mẹ cần tiếp tục chải răng cho trẻ đến 9 – 10 tuổi, vì trẻ không có kỹ năng tự chải răng một cách hiệu quả trước độ tuổi này.
Kem đánh răng:
Thường trẻ không thích kem đánh răng. Nhưng bạn đừng lo lắng, vì chính bàn chải (chứ không phải kem đánh răng) mới làm sạch được các mảng bám trên răng. Nếu trẻ có thể sử dụngkem đánh răng, cha mẹ phải cẩn thận không cho trẻ nuốt kem. Nên sử dụng một lượng rất ít kem đánh răng (chỉ bằng hạt đậu nhỏ, hay phết một lớp thật mỏng trên bàn chải dành cho trẻ em). Kem đánh răng có chứa fluor sẽ làm răng thêm rắn chắc.
Các tư thế cần chú ý khi chải răng cho trẻ
Trẻ nhỏ
- Nếu có một người: Bế trẻ trong vòng tay; Cho trẻ nằm; Cho trẻ ngồi lên đùi, mặt quay ra ngoài.
- Nếu có hai người: Ngồi đối diện chạm gối; Đứng sau lưng trẻ, cùng nhìn về phía gương.
Khám răng miệng
Nên cho trẻ khám răng định kỳ (dù không có vấn đề về răng miệng). Bác sĩ răng hàm mặt có thể tư vấn cho cha mẹ về sự phát triển răng của trẻ cũng như giải đáp những thắc mắc liên quan. Nếu thấy trên răng trẻ có lỗ sâu (hay nghi là sâu), hoặc nếu trẻ bị chấn thương hay đau ở răng, ở miệng, nên liên hệ với bác sĩ răng hàm mặt. Nên cho trẻ đến bác sĩ răng hàm mặt lần đầu tiên khi trẻ được 6 tháng tuổi để:
- Phát hiện các vấn đề sức khỏe toàn thân có liên quan đến răng miệng.
- Phát hiện các dạng sâu răng đặc biệt do cách cho trẻ ăn (sâu răng do bú bình).
- Áp dụng kịp thời các biện pháp phòng ngừa sâu răng.
Không nên chờ đến khi trẻ có răng sâu hay đau răng mới đến bác sĩ răng hàm mặt.
Các thói quen ảnh hưởng xấu đến sức khỏe răng miệng
- Mút ngón tay:
Mút ngón tay hay ngậm vú giả kéo dài có thể làm răng trên nhô ra trước. Tập cho trẻ bỏ các thói quen này càng sớm càng tốt (trước khi thay răng cửa vĩnh viễn).
- Khen thưởng và quở phạt:
Không bao giờ sử dụng các thức ăn có chất ngọt như kẹo, chocolate, kem làm phần thưởng cho trẻ khi chúng làm tốt một việc gì, cũng đừng hăm dọa sẽ đưa trẻ đi bác sĩ răng hàm mặt vì trẻ không ngoan.
Chấn thương răng miệng
Trẻ ở độ tuổi tập đi và chạy, thường bị ngã đập vào mặt hay răng, vết thương thường lẫn máu và nước mắt. Dùng gạc ướt làm sạch để thấy rõ ranh giới của vết thương. Các chấn thương thường gặp là:
- Vết bầm do cắn phải môi hay lưỡi.
- Răng bị vỡ một mảnh.
- Răng bị đẩy vào trong nướu hay lòi ra ngoài.
- Răng rơi ra ngoài hoàn toàn (nếu là răng sữa thì không cắm răng lại).
Đưa trẻ đến khám tại các bác sĩ răng hàm mặt.
Phòng ngừa sâu răng
Ngoài việc giữ gìn vệ sinh răng miệng, còn có hai cách sau đây bảo vệ răng của trẻ khỏi bị sâu:
- Trám bít hố rãnh: bác sĩ răng hàm mặt sẽ phủ chất trám lên mặt nhai và các mặt có hố rãnh khác của răng để bít lại.
- Đặt fluor tại chỗ: ở những trẻ có nguy cơ sâu răng, bác sĩ răng hàm mặt sẽ phết dung dịch hay gel fluor lên răng (hai lần một năm).
NHỮNG HƯỚNG DẪN VỀ VỆ SINH RĂNG MIỆNG CHO TRẺ EM
- Làm sạch răng bằng cách chải răng và sử dụng chỉ tơ nha khoa hai lần một ngày. Trong đó, tối thiểu cha mẹ cần chải răng giúp trẻ thật kỹ một lần (ngay khi mọc chiếc răng đầu tiên).
- Sử dụng bàn chải nhỏ có lông mềm và một lượng thật ít kem đánh răng có fluor.
- Ăn thêm các bữa phụ có đầy đủ các chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển răng của trẻ. Nhưng tránh ăn quá nhiều đường.
- Cẩn thận khi cho trẻ bú bình để tránh sâu răng (cho nước lã vào bình khi trẻ ngậm bình để ngủ).
- Đưa trẻ đi khám răng miệng định kỳ càng sớm càng tốt, lần đầu tiên vào lúc trẻ được 6 tháng tuổi).
TS. Trần Thúy Nga
Trưởng Bộ môn Răng trẻ em – Khoa Răng Hàm Mặt – ĐH. Y Dược TPHCM