Cách dạy bé không bướng bỉnh
24/06/2013 (639 lượt xem)
Bướng bỉnh không phải là đặc thù tính cách của trẻ tuổi chập chững biết đi, mà tính cách này đã được “cộng thêm” trong quá trình học hỏi của trẻ khi “liên kết” với cách dạy dỗ của cha mẹ.
Ứng xử với một đứa trẻ đang ở tuổi “ham học hỏi” này đòi hỏi phải có sự tinh ý, nhạy bén. Giọng nói, cảm xúc, ánh mắt, thái độ… của mẹ đều có thể in dấu lên tâm trí và tạo thành những lối mòn trong hành động của trẻ. Chị Yên Linh, mẹ của Rin, một cậu bé 20 tháng tuổi đã chia sẻ lại kinh nghiệm nuôi dạy con của mình như sau:
Tông giọng và cảm xúc
Có một việc mẹ Rin vẫn đang phải sửa mãi, đó là điều chỉnh cảm xúc và tông giọng của mình đối với con. Thông thường, đứa trẻ sẽ rất nhạy cảm với vẻ mặt và lời nói của mẹ. Nếu người mẹ biểu lộ sự giận dữ, lớn tiếng, bé bướng bỉnh sẽ càng bướng bỉnh hơn để “kiểm tra ranh giới” và “tìm sự chú ý hơn” cho những lần sau.
Khi cha mẹ biểu lộ sự giận dữ, đứa bé bướng bỉnh sẽ cảm thấy thỏa mãn được sự “khám phá” giới hạn mà nó có thể làm với cha mẹ và “cái tôi” của nó, vì trẻ con luôn muốn được chú ý. Mặt khác, có thể bé sẽ cảm thấy không được tôn trọng và sẽ càng bướng bỉnh, bất cần hơn.
Ngược lại, đối với một đứa bé biết vâng lời, sự biểu lộ cảm xúc thái quá trong lời nói và nét mặt của mẹ sẽ làm cho nó sợ hãi, mất dần sự tự tin.
Bên cạnh đó, nếu bé té, ngã hoặc làm điều gì sai, bé sẽ nhìn xem phản ứng của mẹ trước tiên. Nếu mẹ giận dữ, lo lắng hoặc biểu lộ cảm xúc thái quá, ngay lập tức đứa bé sẽ cảm nhận được ngay và có hành động dây chuyền hoặc phản ứng với sự việc theo đúng cách mà nó thấy mẹ nó phản ứng với sự việc.
Thái độ xoắn xít lo lắng của mẹ sẽ làm trẻ thêm sợ hãi. Ảnh minh họa
Chẳng hạn, mỗi lần Rin ngã, dù thấy bé có u đầu nhưng mẹ vẫn bảo “ồ, không sao đâu con, đứng lên đi”. Ngay sau đó, bé sẽ cảm thấy sự việc vừa rồi rất bình thường, bé sẽ đứng lên như không có chuyện gì xảy ra. Dĩ nhiên bài học này cũng được rút ra sau vài lần bé ngã, vì lúc đầu mẹ thường hay nhào tới và la lên “Ôi, có sao không con?”, mặt lộ vẻ lo lắng, thì bé sẽ khóc òa lên và sợ hãi (chỉ vì thấy mẹ biểu lộ sự sợ hãi) dù thực sự chẳng có gì cả.
Một khi người mẹ quá lo lắng, đứa bé sẽ cảm nhận ngay cảm xúc này ở người mẹ bằng bản năng của nó, và nó sẽ càng sợ hãi tột độ với những việc hoặc những “tai nạn” xảy đến với nó dù là nhỏ nhất.
Hành động “bắc cầu”
Rin rất hay đánh mẹ để được chú ý, hoặc biểu lộ sự không vừa lòng. Dĩ nhiên, mẹ Rin cũng la, cũng phạt (úp mặt vào tường 10 phút, hoặc có hôm thì “ăn roi”). Việc này tuy một mặt làm bé hiểu được hành động đó là sai, nhưng mặt khác, đối với những bé hiếu động, sẽ vô hình chung làm bé nhớ về “hành động” đó nhiều hơn. Vì mỗi lần bị la, là mỗi lần hình ảnh về hành động đó được lặp lại trong trí nhớ của bé, và bé còn quá nhỏ để hiểu vì sao không được làm như vậy.
Khóc là thái độ đòi hỏi “yêu sách” làm mẹ dễ mềm lòng nhất. Ảnh minh họa
Vì vậy, bên cạnh việc phạt bé, mẹ Rin được hướng dẫn “hành động bắc cầu”. Thay vì mẹ la hoặc hét lên những lời giận dữ, các mẹ hãy hướng sự chú ý của bé vào một hành động khác, để bé quên đi hành động hư vừa rồi. Như Rin, mỗi lần bé hư, hoặc đòi mãi một món đồ, mẹ hãy nói “a, bây giờ mẹ con mình ra đường chơi nhé?” hoặc “a, có con gì ngoài cửa sổ kìa con, con gì đẹp thế nhỉ?”… Việc hướng sự chú ý của bé vào hành động, hình ảnh khác sẽ tránh sự lặp lại của một hành động hư của bé. Vì hành vi được tạo từ thói quen. Và nếu hành động hư được lặp lại nhiều lần, nó sẽ tạo thành thói quen của bé.
Cho nên, ngoài việc kỷ luật, chúng ta còn nên tránh cho hành vi đó in sâu trong tâm trí bé, vì tùy vào cá tính từng bé mà “hành động” đó sẽ có nguy cơ trở thành “thói quen xấu” hoặc “kỷ niệm tồi”.
Tạo môi trường
Mẹ Rin nhận thấy việc không vâng lời ở bé, phần lớn cũng còn tùy thuộc vào môi trường xung quanh của bé. Vì vậy, khi dạy bé, không nên có sự can thiệp của ông bà hoặc những người khác, vì bé nào khi bị la cũng sẽ có xu hướng tìm kiếm sự bảo vệ từ người khác. Với việc này, nếu ông bà (những người rất hay chiều cháu) can thiệp vào, bé sẽ rất khó để hiểu được ranh giới của việc đúng, sai, tính kỷ luật, sự tôn trọng và vâng lời.
Vì vậy, mẹ Rin nghĩ, khi dạy/phạt bé tuyệt đối không để ông bà tham gia (nếu sống chung) hoặc cần làm công tác tư tưởng với ông bà trước, rằng không nên bênh cháu khi bị la, vì làm như vậy, bé sẽ nghĩ rằng mẹ sai và từ đó có xu hướng không vâng lời mẹ nữa. Nếu có điều kiện, khi bé làm sai, các mẹ nên phạt bé ở một chỗ / góc riêng, nơi người khác không thể can thiệp, không hỏi tới để tránh bé bị phân tâm khi bị phạt.
Khi bé làm điều gì mẹ giận:
- Cố gắng giữ bình tĩnh. Ở khía cạnh này, các mẹ nên học tư tưởng là đứa bé nào cũng như vậy, cũng làm vài điều hư, để bản thân mình bớt giận con. Sự bình tĩnh ở người lớn tác động rất lớn đến cảm xúc của bé.
- Nghiêm giọng và nhìn thẳng vào mặt bé, nghiêm túc chỉ cho bé thấy điều sai. Việc này sẽ giúp bé hiểu hơn về sự tính kỷ luật.
- “Nếu con làm một lần nữa, mẹ sẽ phạt!”. Và nếu bé vẫn tái phạm, mẹ nên phạt. Như vậy, bé sẽ học được sự giới hạn của những việc mình làm.