Cách phòng bệnh hô hấp của trẻ
28/04/2013 (471 lượt xem)
Những cơn gió lạnh đầu tiên vừa ùa về cũng là lúc bé nhà bạn bị xổ mũi, ho hắng… báo hiệu một mùa đông không yên bình sắp tới. Vậy phải làm sao với bé đây?
Trẻ sơ sinh:
- Cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để duy trì sức đề kháng từ mẹ.
- Khi làm vệ sinh buổi sáng và tối, nên dùng tăm bông nhúng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi và giữ mũi luôn ẩm.
- Xoa dọc 2 bên sống lưng và toàn cơ thể để tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch.
Trẻ nhỏ:
- Duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng về số lượng cũng như chất lượng (sự cân đối giữa các thành phần đạm, bột, đường, chất béo, rau quả).
- Cho trẻ uống nước đều đặn (lượng nước cần – bao gồm tất cả các sản phẩm có chứa nước - cho trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi là 50ml trên mỗi cân nặng; dưới 3 tuổi là 1 lít cộng với 50ml trên mỗi cân nặng và ngoài 3 tuổi là 100ml trên mỗi cân nặng).
- Tiêm phòng cho trẻ đầy đủ.
- Chất liệu quần áo là cotton để thấm mồ hôi. Nếu trẻ có nhiều mồ hôi cần chú ý lau mồ hôi hoặc thay áo cho trẻ khi bị ướt.
- Hằng ngày nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý (trời lạnh thì nên ngâm ấm lọ nước muối trước khi nhỏ). Nếu trong lúc rửa mũi, trẻ hắt hơi thì cũng là dấu hiệu tốt, nó giúp cho việc đẩy bụi bặm, nước mũi, vi rút (nếu có)... ra ngoài.
- Trẻ trên 1 tuổi có thể cho vào đồ ăn của trẻ vài giọt nước tỏi, gừng hoặc hồi để tăng sức đề kháng.
- Trẻ trên 2 tuổi thì cho súc miệng – họng bằng nước muối ấm 2 lần/ngày, sau bữa sáng và tối trước khi đi ngủ. Nếu có thể thì cho ngậm 1 chút mật ong cũng rất tốt.
- Dạy trẻ trên 3 tuổi cách tập thở bụng theo kiểu thở dưỡng sinh, vuốt dọc hai bên sống mũi để tăng cường hoạt động của hệ hô hấp và phòng sổ mũi. Ngoài ra là các bài tập thể dục đơn giản ngoài trời.
- Giữ ấm chân, lưng và cổ và hai tai cho trẻ nhất là khi đi xe máy.
- Chữa những bệnh khác như sâu răng, suy dinh dưỡng, còi xương… nếu có.
- Thỉnh thoảng cho trẻ đi nghỉ ở vùng núi, biển, nông thôn nếu có điều kiện.