Chấm điểm các dụng cụ hút mũi cho bé
22/05/2019 (916 lượt xem)
Dụng cụ hút mũi cho bé luôn nằm trong top những đồ dùng không thể thiếu dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Để chọn dụng cụ hút mũi thích hợp cho bé yêu, mẹ đừng quên những tiêu chí sau đây nhé.
Sổ mũi, nghẹt mũi là vấn đề mà trẻ sơ sinh nào cũng có thể gặp phải. Đối với các bé sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi, việc không thể tự xì mũi cũng như khả năng ngôn ngữ còn hạn chế, không thể diễn tả được tình trạng của mình sẽ khiến các bé càng thêm khó chịu. Những lúc này, dụng cụ hút mũi cho bé chính là “cứu tinh” của mẹ. Mẹ đã biết ưu và khuyết điểm của các loại dụng cụ hút mũi khác nhau chưa? Cùng “điểm danh” các loại dụng cụ hút mũi thông dụng hiện nay trước khi đưa ra quyết định của mình, mẹ nhé.
Bóng hút mũi cho bé
Các loại bóng hút mũi là loại dụng cụ đơn giản, cổ điển nhất, với một quả bóng bằng cao su có tính đàn hồi cao là nơi tạo lực hút và đựng dịch mũi sau khi hút, mẹ có thể bóp dẹp và một đầu nhỏ để đưa vào mũi bé. Để sử dụng, mẹ chỉ cần nhẹ nhàng bóp bóng, đặt đầu hút bên trong lỗ mũi bé và sau đó thả lỏng tay đang bóp bóng, dịch mũi bé sẽ được hút ra ngoài. Để làm sạch bóng hút mũi, mẹ bóp nhẹ phần bóng để dịch mũi chảy ra ngoài, tiếp đó hút một ít nước sạch vào và bóp bóng cho nước chảy ra ngoài để cuốn sạch phần dịch còn sót ra khỏi dụng cụ hút mũi của bé.
Ưu điểm: Dễ sử dụng và giá thành phải chăng.
Nhược điểm: Khó vệ sinh, làm sạch và dịch mũi dễ ứ đọng lại trong bóng hút, dễ sinh nấm mốc và khiến vi khuẩn sinh sôi.
Lời khuyên cho mẹ: Thực tế, các loại bóng hút mũi thường được thiết kế để sử dụng 1 lần duy nhất. Đó là lý do chúng thường được dùng trong bệnh viện. Nếu mẹ muốn tìm loại dụng cụ hút mũi có thể sử dụng nhiều lần thì không nên chọn bóng hút mũi.
Hút mũi dạng dây
Những dụng cụ hút mũi này có một đầu nhỏ để đưa vào mũi của bé, một bầu đựng chất dịch chảy ra và một đầu có dạng bẹt hoặc ống thẳng để ba mẹ có thể dùng miệng tạo lực hút khi vệ sinh mũi cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Để sử dụng, mẹ chỉ cần đặt một đầu dây vào lỗ mũi của bé (phần đầu day này thường được thiết kế hơi nhọn), một đầu còn lại, mẹ đặt vào miệng và bắt đầu hút nhẹ nhàng để “kéo” dịch đọng trong mũi ra ngoài. Dịch mũi sẽ trôi vào bầu đựng. Rất khó xảy ra trường hợp dịch này tràn ngược sang dây hút bên miệng của mẹ, nên mẹ không cần phải lo lắng về tính vệ sinh của loại dụng cụ hút mũi này. Khi muốn vệ sinh dụng cụ, mẹ chỉ cần tháo rời phần bầu và dây hút, rửa sạch bằng nước rửa chén và để khô.
Ưu điểm: Giá thành phải chăng, sử dụng được nhiều lần và mẹ có thể điều chỉnh được lực hút mạnh hay nhẹ.
Nhược điểm: Mẹ phải tiến hành nhiều bước bằng tay hơn so với các loại dụng cụ hút mũi khác; Không đảm bảo được việc ngăn chặn bệnh như cảm lạnh, bệnh cúm hay các vấn đề sức khỏe khác lây truyền từ bé sang mẹ.
Lời khuyên cho mẹ: Tuy được thiết kế để sử dụng nhiều lần, mẹ cũng không nên sử dụng dây hút mũi quá lâu. Tùy theo chất liệu và nếu bé không bị sổ mũi, nghẹt mũi thường xuyên, mẹ chỉ nên sử dụng trong vòng 1-3 tháng để đảm bảo vệ sinh.
Hút mũi chạy điện hoặc pin
Đây là loại dụng cụ hút mũi tiện dụng nhất, khi mẹ chỉ cần bấm nút và chờ đợi là xong. Tất nhiên, để có được điều này, mẹ cũng sẽ phải trả chi phí cao hơn nhiều lần so với các loại dụng cụ khác.
Ưu điểm: Tiện lợi, dễ vệ sinh, lực hút liên tục, có thể sử dụng nhiều lần.
Nhược điểm: Mắc tiền, không điều chỉnh được lực hút.
Lời khuyên cho mẹ: Hiện nay có rất nhiều thương hiệu khác nhau nên mẹ cần tham khảo thông tin kỹ lưỡng trước khi mua máy hút mũi. Nên mua hàng ở những địa chỉ uy tín, có bảo hành rõ ràng để tránh mua phải hàng giả, kém chất lượng.
Ngoài việc chọn dụng cụ hút mũi cho bé, mẹ nên áp dụng một số mẹo sau để vệ sinh mũi cho con hiệu quả:
- Làm sạch vảy mũi trước khi hút mũi cho bé.
- Nhỏ một vài giọt nước muối sinh lý vào mũi bé trước khi hút khoảng 5-10 phút.
- Nên sử dụng nước muối đã được làm ấm sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.
- Bên cạnh đó, mẹ cũng lưu ý, không hút mũi, rửa mũi con khi bé đang bị ngạt mũi vì chẳng những không giúp bé thông mũi mà lực hút hoặc áp lực nước muối đưa vào khoang mũi lúc này còn ảnh hưởng không tốt đến màng nhĩ của bé và có thể tràn vào ống tai gây viêm tai giữa.
Nguồn: Marrybaby