Chọn đồ chơi cho bé sao cho hợp lý
04/01/2013 (377 lượt xem)
Thận trọng khi mua đồ chơi cho trẻ Không phải cứ đồ chơi đắt tiền là tốt. Trẻ nhỏ thường thích đồ chơi đơn giản, màu sắc sặc sỡ. Đôi khi bạn có thể tận dụng các đồ linh tinh trong gia đình cho trẻ chơi mà trẻ vẫn rất hài lòng. Bạn có thể chọn một số thứ trẻ thích, sau đó cất bớt đi, kể cả đồ chơi đã dùng rồi. Một thời gian sau đem ra cho trẻ chơi. Trẻ của bạn luôn thấy như mới và háo hức với đồ chơi của mình. Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và kiểm tra tính năng của đồ chơi, loại ngay những món đồ chơi mà bạn không biết nó hoạt động như thế nào. Chỉ khi cảm nhận chắc chắn từng món đồ bạn lựa chọn là phù hợp với lứa tuổi và khả năng của cháu, bạn hãy quyết định mua.
Cần thận trọng với các loại đồ chơi sau:
Đồ chơi dạng dây treo: Một số loại dây ở đồ chơi khiến cho trẻ khi nghịch có thể thít tay, chân hay thậm chí cả cổ, nếu nó đủ độ dài. Chỉ cũi và xe đẩy cần có dây treo bởi trẻ nhỏ đang ẵm ngửa hay mới tập đi nhất thiết phải có dây treo, dây buộc an toàn cho trẻ.
Đồ chơi nhỏ hay các bộ phận nhỏ của đồ chơi: Những đồ chơi nhỏ hay các bộ phận nhỏ của đồ chơi làm cho trẻ có thể cho vào miệng khi chơi. Điều đó rất nguy hiểm, có thể gây nghẹn, tắc cổ hay ngạt thở. Trẻ cũng có thể nhét các đồ chơi đó vào tai hoặc mũi. Vì thế, không nên cho trẻ dưới 3 tuổi chơi những hạt bi ve, hạt xúc sắc, quả bóng nhỏ hay các bộ phận của đồ chơi. Thậm chí các con thú nhồi bông hay những đồ chơi bằng sắt cũng rất nguy hiểm nếu kích thước quá nhỏ, các bộ phận có thể tháo lắp được. Đối với thú có lông thì phải đảm bảo lông thú không rụng bay vào mắt mũi trẻ và các nguyên liệu nhồi bên trong đồ chơi không bị thoát ra ngoài.
Bóng: Bóng cũng là món đồ chơi đòi hỏi sự chú ý quan tâm của bạn khi trẻ chơi. Không bao giờ cho phép trẻ nhét bóng đã thổi vào mồm. Bóng bị xịt hay nổ có thể bất ngờ làm trẻ bị nghẹt thở.
Đồ chơi dễ vỡ: Không nên cho trẻ em chơi những đồ chơi dễ vỡ khi kéo, giật, hay đập. Hãy chọn đồ chơi làm bằng chất liệu tốt, bền, mềm mại, không góc cạnh. Không nên để trong tầm tay trẻ nhỏ dưới 8 tuổi những món đồ chơi làm bằng thủy tinh làm trẻ chú ý.
Đồ lưỡi sắc, mũi nhọn: Không nên mua cho trẻ những đồ chơi có góc cạnh, sắc hay có mũi nhọn. Các mũi tên, ngọn phi tiêu cho trẻ lớn tuổi cũng cần được bịt cao su ở đầu hoặc bọc các đầu bảo vệ khác. Người lớn nên kiểm soát khi trẻ chơi không để trẻ nhét những đồ chơi đó vào trong người khi chạy nhảy.
Tiếng ồn: Một số đồ chơi như súng, ôtô gây tiếng ồn lớn có thể gây tổn thương đến thính giác của trẻ khiến cho trẻ hoảng sợ. Khi chọn mua đồ chơi, hãy xem mức độ âm thanh của đồ chơi đó có lớn quá đối với trẻ không.
Đồ chơi độc hại: hơi như pháo, hoa, phẩm mầu, hồ dán, keo và một số đồ gỗ hóa chất có thể gây độc hại cho trẻ.
Vật bay: Đồ chơi dùng để phi, bay hoặc bắn vào trong không khí có thể đâm vào đầu hoặc mắt trẻ. Trẻ trên 8 tuổi có thể chơi các loại đồ chơi này nhưng nên chơi ở ngoài trời nơi rộng rãi và nên có người lớn ở bên.
Đồ điện tử: Đồ chơi điện tử thường sử dụng nguồn điện đặc biệt nên phải cẩn thận. Khi trẻ chơi, nhất thiết phải có người lớn chơi cùng. Trẻ có thể bị điện giật hoặc bỏng khi chơi do không để ý đến nguồn điện hoặc ổ điện không an toàn. Trẻ dưới 8 tuổi không nên chơi các loại đồ chơi này.
Sử dụng đồ chơi cũ: Khi tận dụng lại các đồ chơi cũ, bạn hãy kiểm tra xem đồ chơi đó còn hoạt động tốt không và an toàn không. Có một số đồ chơi được các hãng tung ra sau đó được cảnh báo về tốc độ nguy hiểm của sản phẩm.