Chồng già còn hay dỗi vặt
16/10/2012 (594 lượt xem)
Chồng Thùy hơn vợ 2 con giáp nhưng tính y như trẻ con. Lúc chồng sơ ý làm rơi bình sữa của con, Thùy hơi cau có: “Anh phải để ý chứ”. Kết quả, chồng Thùy dỗi, mặt mũi xầm xì như đeo đá.
Chồng Thùy hơn vợ 2 con giáp nhưng tính y như trẻ con. Lúc chồng sơ ý làm rơi bình sữa của con, Thùy hơi cau có: “Anh phải để ý chứ”. Kết quả, chồng Thùy dỗi, mặt mũi xầm xì như đeo đá.
Thùy càng gặng hỏi, anh càng làm thinh. Tưởng chồng có chuyện gì, cô càng nhiệt tình hỏi tiếp. Anh nhất định im như thóc. Thùy nổi nóng, nói mát: “Đầu đầy tóc bạc còn hờn với dỗi”. Chồng Thùy tức, vùng vằng dắt xe bỏ ra ngoài. “Lúc đầu không biết chồng dỗi, mình cứ hỏi mãi, ông ấy chẳng trả lời. Bực phát điên. Sau này, cứ phớt lờ đi thôi thì mọi chuyện lại ổn” - Thùy chia sẻ.
Thắm (quận 3, TPHCM) lấy chồng hơn 12 tuổi. Bạn bè Thắm ai cũng nghĩ, cô sẽ được chồng yêu chiều, nhường nhịn hết mực. “Nhưng thực ra, chồng mình chỉ là một em bé đội lốt ông già” - Thắm hài hước.
Thắm còn gắn cho chồng nickname “Chồng già ưa nước đường”. Tức là anh chồng luôn muốn vợ phải dịu dàng, vui vẻ khi ở nhà. Vợ nhăn nhó - chồng dỗi ngay. Vợ đến năn nỉ chồng nhưng thiếu một nụ cười, chồng càng dỗi.
Hôm bị đau bụng vì “ngày đèn đỏ”, Thắm hơi gắt gỏng với chồng. Hậu quả là anh xã xị mặt, cong môi rồi ngồi im như tượng. Biết hơi quá nên Thắm chủ động làm lành. Nhưng cũng vì năn nỉ, xin lỗi chồng trong khi bộ mặt của cô vẫn nhăn lên vì đau bụng nên cô bị chồng… dỗi tiếp.
Đã thế, chồng Thắm luôn buộc vợ phải tôn trọng ý kiến của anh dù điều đó có “sai lè”. Gần 12h đêm, anh chẳng ngại ngần đánh thức con dậy để hôn con. Lúc sau, dỗ mãi mà con không ngủ lại được, cô nổi cáu thì chồng dỗi, bảo bị vợ cấm chơi với con. Phân tích thế nào chồng cũng dỗi nên nhiều lúc, Thắm ức chế không chịu nổi và cũng không muốn chủ động hàn gắn. Cuộc chiến “thi gan” với chồng có khi kéo dài gần tuần lễ.
Tính dỗi của chồng Liên (Tây Hồ, Hà Nội) theo kiểu “bố chăm con”. Được lấy chồng hơn hẳn 20 tuổi, là giảng viên trường đại học lớn nhưng Liên chẳng thấy sướng. Cô mệt vì được chồng yêu như yêu con nên mỗi lần phản kháng là bị chồng dỗi. Buổi sáng trước khi đi làm, chồng Liên chuẩn bị cho vợ một cái khẩu trang, bảo đeo vào cho đỡ bụi. Cô chỉ nói: “Sáng sớm không có bụi, đeo vào nóng lắm” thế mà chồng cũng “xì mặt”.
Kệ chồng dỗi, Liên vẫn đi làm như bình thường. Thế nhưng khi đến công ty, cô nhận được một tràng tin nhắn dài của chồng, hờn trách, nào là “anh làm thế vì lo cho sức khỏe của em”, rồi còn: “em mà ốm thì sao”… Bực mình vì bị “yêu quá”, Liên nhắn tin lại bảo chồng sẽ tự biết phải làm gì cho tốt. Cuối cùng, chồng cô nhắn tin lại cụt ngủn: “Yên tâm. Không nhắc nữa. Đừng lo”.
“Đã thế chiều về vợ hỏi gì cũng không thèm nói. Hỏi “ăn gì, em nấu” thì xị mặt kêu “không cần em quan tâm”. Toàn những chuyện cỏn con mà phát mệt” – Liên tâm sự.
Ứng phó đa dạng khi chồng dỗi
Tính dỗi vặt ở đàn ông có thể do nguyên nhân “gia truyền”. Tức là từ nhỏ đối phương đã dùng chiêu “xị mặt” để có thứ mình muốn. Lớn lên, thậm chí già đi, bản chất này của anh ấy vẫn không thay đổi. Cũng có thể lý do bắt nguồn từ vợ, được vợ yêu chiều nên chồng càng được nước “lên mặt” và cơn dỗi có cơ hội phát sinh.
Ngoài ra, dỗi còn do tính nết từng cá nhân. Có anh chồng vui vẻ, “chín bỏ làm mười” thì cũng có anh chồng hơi giàu nữ tính, thích sử dụng chiêu dỗi vặt.
Để thích nghi, người vợ nên tìm cách ứng phó linh hoạt. Nếu thấy chồng dỗi nhẹ, vợ nên “đội mũ phớt”. Có thể cười nói, hỏi han chồng như bình thường. Khi cơn dỗi không được vợ nhòm ngó tới, chồng sẽ tự hết dỗi. Nếu qua giai đoạn phớt lờ mà chồng còn dỗi, vợ có thể tìm cách nịnh chồng cho êm cửa êm nhà. Nguyên nhân của cơn dỗi vặt có khi bé bằng con kiến nhưng nếu vợ cố kéo căng ra thì mâu thuẫn sẽ biến thành con voi. Thỉnh thoảng cũng nên tìm cách dỗi lại, để chồng thấy vợ là người bình thường, cũng biết dỗi. Nhiều anh thấy vợ dỗi quá sẽ tự xuống nước trước.
Với chồng già còn mắc “bệnh dỗi”, người vợ nên tránh chê bai, nói móc. Bởi vì phần lớn đàn ông khi dỗi thường không tự nhận mình đang dỗi (bảo “Anh đang dỗi” lại sợ vợ chê là đàn bà). Chuyện nhỏ thì lờ đi nhưng chuyện lớn thì nên hỏi xem chồng đang giận gì (tránh dùng từ dỗi). Cũng nên tránh dỗi ngược vì như thế, nhà cửa sẽ thành chốn “đồng không mông quạnh”. Nếu mắc “bệnh dỗi” thì nhiều anh còn mắc thêm “bệnh lỳ”, “thà chết chứ không bao giờ nhún nhường với vợ trước”. Lúc đó, chồng dỗi – vợ dỗi, người vợ càng ấm ức lâu thì càng dễ chán chồng.