Chuẩn đúng bệnh khi trẻ thở khò khè
12/01/2013 (486 lượt xem)
Hiện tượng thở khò khè ở trẻ dưới 5 tuổi dễ chẩn đoán nhầm với một số bệnh khác cũng gây khò khè như: viêm tiểu phế quản, viêm mũi, tim bẩm sinh...
Cậu con trai 2,5 tuổi ho nhiều, thi thoảng lên cơn thở khò khè, chị Thu (Hà Nội) đưa đi khám, bác sĩ chẩn đoán bé bị hen. Khám không biết bao nhiêu nơi, đổi không biết bao nhiêu loại thuốc, thậm chí cả kháng sinh thế hệ mới, uống thuốc dự phòng cơn hen, tình hình sức khỏe bé vẫn không cải thiện.
Hầu như tuần nào chị cũng phải đưa con đi khám, lần thì hen phế quản cấp, rồi hen phế quản mãn tính, lần nào kèm sốt thì lại thành hen phế quản bội nhiễm. Cứ như thế, trong suốt 3 năm chị đưa con đi chữa hen mà không khỏi. Mới đây bé khám ở Bệnh viện Bạch Mai thì bác sĩ lại khẳng định 100% bé không bị hen.
"Bác sĩ thậm chí còn không kê kháng sinh, chỉ cho thuốc hạ sốt, thuốc ho và xịt mũi. Lúc đầu mình không tin, nhưng sau 3 tháng áp dụng cách chữa này mình thấy con đỡ hẳn", chị Thu nói.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) về nguyên tắc nếu chữa đúng bệnh thì uống thuốc hen phải đỡ, còn bệnh không thuyên giảm thì không phải hen. Những trường hợp trẻ bị chẩn đoán quá mức thành hen như con chị Thu không phải là hiếm gặp.
Chẩn đoán hen ở trẻ, đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi rất khó, không chỉ với bác sĩ trong nước mà cả ở nước ngoài. Lý do là việc xác định bệnh chủ yếu dựa vào lâm sàng, kỹ năng thăm khám của bác sĩ. Một xét nghiệm cực kỳ quan trọng là đo chức năng hô hấp thì ở trẻ nhỏ lại không làm được. Các xét nghiệm chỉ làm nhiệm vụ loại trừ bệnh khác chứ không gọi tên được bệnh hen. Vì thế, chất lượng chẩn đoán hen phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ, phó giáo sư Dũng cho biết.
Hen phế quản là bệnh mãn tính của đường hô hấp gây ra hiện tượng tăng phản ứng phế quản. Nó thường có các đợt khò khè, thở ngắn hơi, nặng ngực và ho tái phát đặc biệt về đêm và sáng.
Thực tế, trong những năm gần đây số trẻ mắc hen tăng lên rõ do môi trường sống, không khí thay đổi, đô thị hóa nhanh, nhà máy, xí nghiệp mọc lên, ô nhiễm khói, bụi... Thêm vào đó, ngày nay trẻ chủ yếu sống trong các tòa nhà cao tầng, trong những căn hộ khép kín, ít tiếp xúc với thiên nhiên nên tỷ lệ trẻ bị hen cũng tăng lên. Việc thay đổi lối sống, ăn nhiều thức ăn nhanh cũng khiến tỷ lệ dị ứng tăng lên, mà hen là một loại bệnh dị ứng.
Vì thế, nhiều bà mẹ tự tìm hiểu kiến thức về bệnh hen và cứ thấy tiếng thở ở trẻ lạ là cho rằng con thở khò khè. Tuy nhiên, nhiều người thực sự không biết thế nào thì được gọi là thở khò khè. "Định nghĩa khò khè hết sức đơn giản, đây là tiếng thở phát ra ở thì thở của trẻ, nhưng việc phát hiện rất khó. Bác sĩ phải trực tiếp khám, nghe tiếng thở mới xác định được đó có đúng là trẻ bị khò khè hay không", phó giáo sư Dũng nói.
Cũng theo ông, một trẻ được chẩn đoán là hen thì bắt buộc phải có dấu hiệu khò khè. Phần lớn khò khè ở trẻ dưới 3 tuổi mà không có các biểu hiện dị ứng đi kèm thường do nhiễm virus. Trẻ khò khè sau 4 tuổi có nguyên nhân từ hen nhiều hơn.
Bên cạnh đó, cần phân biệt một số bệnh khác không phải hen nhưng cũng biểu hiện như thế. Một số bệnh cũng gây khò khè là: viêm tiểu phế quản, hóc dị vật, lao, tim bẩm sinh, bệnh bẩm sinh ở đường hô hấp... Đặc biệt, gần đây phải kể đến hội chứng trào ngược, một bệnh tiêu hóa biểu hiện nôn, trớ nhưng có triệu chứng giống hen, nên rất dễ chẩn đoán nhầm.
Bên cạnh đó, một loạt các bệnh đường hô hấp trên như: viêm mũi, viêm dị ứng cũng phát ra tiếng thở gần giống như tiếng thờ khò khè, cũng khó thở về đêm khiến bác sĩ dễ nhầm.
"Có bé khò khè, ho do thuốc lá, thường gặp ở những gia đình có bố, ông hút thuốc lá, gia đình có bếp than, khói. Trẻ ho suốt, thỉnh thoảng lại khò khè, nhiều ông bố không hút thuốc ở nhà nhưng ngủ cạnh trẻ, thở hơi ra cũng vẫn làm trẻ ho và khò khè, nhiều khi nhầm là hen", phó giáo sư Dũng nói.
Có nhiều yếu tố dễ dẫn đến chẩn đoán nhầm hen. Vì thế, thế giới khuyến cáo để chẩn đoán hen ở trẻ dưới 5 tuổi thường phải là các bác sĩ nhi đã có ít nhất chuyên khoa nhi chung. Với trẻ dưới 2 tuổi lại càng khó hơn nữa, nên phải là bác sĩ chuyên khoa nhi về hô hấp mới đặt vấn đề chẩn đoán hen. Không khuyến cáo những bác sĩ chuyên về hen ở người lớn lại chẩn đoán cho trẻ nhỏ.
Nếu nghĩ đến hen ở trẻ dưới 5 tuổi, việc điều trị sớm sẽ làm cho bệnh nhẹ hơn và chức năng phổi tốt hơn. Do đó cần phải chẩn đoán hen sớm để điều trị tích cực và lâu dài.