Chuyện kiêng cữ sau sinh- Tây và Ta khác gì nhau
08/07/2013 (485 lượt xem)
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sản phụ nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất và cần tuân thủ ăn chín uống sôi. Sản phụ cũng nên vận động nhẹ nhàng để thông huyết sau sinh và không nên kiêng khem thái quá.
Hồi mang bầu, dù đã đọc rất nhiều tài liệu tham khảo và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước về chuyện kiêng cữ sau sinh, thế nhưng mình vẫn không ‘thắng’ được chính mẹ đẻ. Những kiến thức mình đã học được và sẽ định bụng thực hiện để ‘tân tiến’ hơn các cụ ngày xưa đều bị mẹ gạt phắt đi.
Có lần, mẹ về quê mấy ngày, mình được dịp thực hiện thực đơn ăn uống theo đúng những gì đã ‘đúc kết’ thì ôi thôi: mẹ đau bụng, con đi ngoài mấy ngày mới khỏi. Từ đó mình khiếp vía và đành tâm phục phẩu khục thừa nhận “kiêng như các cụ là chuẩn”.
Thế nhưng thấy bạn bè cùng lứa ở nước ngoài ngày ngày kể chuyện kiêng cữ sau sinh chẳng hề nghiêm trọng như bên mình, mình thấy bất ngờ quá. Công nhận là họ ‘giỏi thật’. Trong khi mình phải kiêng đến hàng 10 ngày sau sinh mới tắm rửa thì ở bên đó người ta cho sản phụ tắm ngay sau sinh 1 ngày - đúng là bái phục. Tìm hiểu ra mình mới biết, ở trời Tây người ta không kiêng khem sau sinh nở quá nhiều như bên mình đâu các mẹ nhé.
Chuyện kiêng cữ sau sinh ở Việt Nam khác nhiều với bên nước ngoài. (ảnh minh họa)
|
Về dinh dưỡng
Vì mình phải sinh mổ nên việc kiêng khem sau sinh chắc khắt khe hơn các mẹ sinh thường. Trong 2 ngày đầu mình chỉ được ăn cháo loãng và uống sữa. Đến khi trung tiện được mình mới được mẹ cho phép ăn cháo thịt và các loại thực phẩm khác. Nói là các loại thực phẩm khác thế thôi nhưng đó chỉ là cơm trắng, rau ngót luộc và trứng gà luộc.
Suốt 3 tháng đầu sau sinh, mẹ chỉ cho mình ăn thịt bò, thịt lạc lợn, gà và rau ngót. Được cái mẹ mình cũng thuộc tuýp người nấu nướng được nên bà đổi món cho mình hàng ngày. Có lẽ vì vậy mà mình không đến nỗi quá chán với các món đó. Thế nhưng cái gì ăn mãi cũng chán. Đến tầm tháng thứ 2 thai kỳ, các cơn thèm ăn của mình bắt đầu “hoành hành”. Mình nhớ là lúc đó, cứ nhìn thấy gì là mình thèm cái đó, đến nỗi nhìn thấy quả xoài, hay gói cà phê mình đều thèm thuồng muốn ăn ngay. Thế nhưng, mẹ đã giám sát tuyệt đối vì vậy bà không cho mình ăn thêm bất cứ thứ gì ngoài cơm, rau, thịt nạc và trứng.
Phải công nhận là nhờ áp dụng chế độ ăn này mà hệ tiêu hóa của mình và con rất tốt nhé. Mình thì không nói làm gì nhưng với bé thì trong cả mấy tháng đầu chẳng bị đi ngoài bao giờ. Duy chỉ có một lần, bà ngoại về quê có việc. Thế là vợ chồng mình được dịp ăn uống 'xả phanh'. Vì chiều vợ nên cứ thấy mình bảo thèm ăn gì là anh xã lại mua luôn. Mặc dù mình đã ý thức rất rõ là không ăn quá bừa bãi. Thế nhưng không hiểu sau chỉ ngay hôm sau mình đã bị đau quặn bụng còn con thì đi ngoài đến mấy ngày mới khỏi. Từ đó mình ‘cạch’ không dám ăn uống bừa bãi nữa.
Dù vậy, mình thấy chế độ ăn của mình vẫn còn thoải mái đấy. Theo quan niệm của các cụ ngày xưa, bà đẻ chỉ được ăn cá bống kho khô và rau ngót luộc thôi. Mình đây còn được ăn nhiều loại rau, ăn thịt các loại và cả hoa quả nữa.
Thế nhưng mình đã hoàn toàn bất ngờ khi cô bạn ở Nhật sinh con cùng cữ với mình chia sẻ về chế độ ăn sau sinh. Nàng bảo ngay từ khi ở bệnh viện, các bác sĩ đã cho phép ăn uống thoải mái. Nàng có thể ăn bất cứ thứ gì mình muốn đúng như hồi bầu bí. Duy chỉ có một nguyên tắc là phải ăn chín, uống sôi. Chế độ ăn của nàng rất phong phú nhé. Bữa sáng là bánh mì, sữa, cà phê, trà. Các bữa ăn chính thì đầy đủ cá hồi, thịt gà, thịt bò, súp… Nàng cũng thoải mái ăn hoa quả hay bánh ngọt mà chẳng lo bị đau bụng (mình thì chỉ được ăn hoa quả chọn lọc như cam, bưởi thôi).
Nàng bảo nàng chẳng phải ăn đến một bữa cháo móng giò nào mà vẫn dồi dào sữa cho con tu ti. Trong khi mình thì ngày nào cũng bị ép ăn hết một nồi cháo móng giò – đến giờ nghĩ lại mình vẫn còn sợ. Không biết có phải do chế độ ăn của nàng đầy đủ nên nhiều sữa thế không. Nghe nàng kể mà mình thèm được như thế quá. Vậy nhưng có thể do ngay từ sau sinh, mình đã bị ép ăn uống hạn chế nên sau đó muốn ăn cái gì khác cũng rất dễ gây đau bụng cho 2 mẹ con.
Sinh hoạt
Không chỉ có chế độ ăn uống, các sản phụ ở nước ngoài cũng rất ‘thoáng’ trong nếp sống sinh hoạt các mẹ ạ. Ngay từ hồi chưa sinh nở, mẹ mình đã liệt kê ra hàng loạt những điều cấm kị cho bà đẻ và mình có nhiệm vụ phải thực hiện theo, “cấm chối cãi”. Sau sinh, mình phải kiêng đánh răng đến nửa tháng và chỉ được sử dụng miếng gạc tưa răng lợi như trẻ con. Đến tận 10 ngày sau mình mới được tắm sau một hồi kêu gào thảm thiết. Thế nhưng cũng chỉ được tắm thôi còn gội đầu thì phải đợi đến 5 hôm sau đó nữa. Rất may là mình sinh con vào mùa đông chứ vào mùa hè thì chắc chết luôn.
Mình còn phải kiêng động vào nước, kiêng không được sử dụng điện thoại, kiêng không đi lại nhiều, kiêng không được ngồi cho con bú vì sợ sau này sẽ đau lưng. Nói chung là mỗi khi mình định làm gì là mẹ lại cảnh báo có thể sẽ gây hậu quả xấu về sau này.
Sau sinh 10 ngày, mình nhận được điện thoại của cô bạn bên Nhật. Nàng bảo nàng mới sinh hôm qua, sức khỏe 2 mẹ con nàng rất tốt. Mình đã thật sốc khi nàng nói nàng vừa tắm rửa cho nàng và con xong. Trong khi mình vẫn còn nằm dưỡng sức kiêng cữ thì nàng đã có thể làm mọi việc. Thật bất ngờ. Không chỉ có thế, vì nàng bên đó có hai vợ chồng, không có ai giúp đỡ như mình nên nàng vẫn tự tay giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa chỉ vài tuần sau sinh.
Theo như mình tìm hiểu về chuyện kiêng cữ sau sinh thì hầu như các mẹ ở nước ngoài không phải kiêng cữ quá nhiều như bên mình. Ngoài chuyện ăn uống, sinh hoạt bình thường, các mẹ bên đó còn tập thể thao từ sớm (chỉ 2 tuần sau sinh). Có lẽ vì vậy mà các mẹ hồi phục sức khỏe sau sinh rất nhanh.
Tâm lý sau sinh
Trong khi hiện tượng trầm cảm sau sinh rất phổ biến ở Việt Nam, trong đó có cả mình thì các mẹ nước ngoài không hề bị rơi vào tình trạng đó nhé. Mình không bị trầm cảm quá nặng nhưng tâm lý bị xáo trộn nhiều. Mình đã rất căng thẳng khi ngày ngày phải đối mặt với sữa, bỉm, quần áo rồi cả việc ăn uống cũng không thoải mái nữa, mặc dù mình có chính mẹ đẻ giúp đỡ. Phải đến khi bé được 4 tháng tuổi mình mới thấy thoải mái hơn.
Vậy mà cô bạn mình bên Liên bang Nga lại khoe rằng cô cảm thấy rất thoải mái sau sinh. Cô ấy được ăn uống đầy đủ, ngủ nghỉ thoái mái, nói chung là tâm lý rất ổn định. Bạn bảo dù đôi lúc tâm lý có xáo trộn nhưng bạn luôn kiềm chế được và biết cách làm chủ các cảm xúc của mình. Cô ấy còn chia sẻ giờ có đẻ con tiếp (bé đầu mới 10 tháng) cũng không cảm thấy khó khăn hay ngại gì. Trong khi mình thì chỉ 1 tuần sau đẻ đã cảnh báo với chồng rằng, dứt điểm chỉ đẻ một đứa thôi nhé.