Công cuộc săn “Rồng” và những cảnh trớ trêu
09/04/2012 (1527 lượt xem)
Năm Nhâm Thìn 2012 được người ta quan niệm là năm Rồng vàng, rất tốt cho việc sinh con, nhất là con trai.
Theo quan niệm, con Rồng thường tượng trưng cho sự may mắn và tinh thông nhất trong 12 con giáp. Rồng không chỉ là biểu tượng của danh dự, quyền lực và sự lỗi lạc, nó còn mang hàm nghĩa đây là… con trời. Và thế là công cuộc săn “Rồng” lại được người ra lao vào “chinh chiến”. Mà đã sinh vào năm rồng thì kiểu gì cũng phải sinh quý tử. Không ít những ông bố bà mẹ đã rơi vào cảnh trớ trêu, dở khóc dở cười…
Đã sinh con là phải… năm đẹp
Với quan niệm sinh con thì phải chọn năm đẹp, Dê vàng, Heo vàng, Mèo quý, Rồng vàng; rồi phải sinh được con trai đã khiến không ít cha mẹ nát óc tìm trăm phương ngàn kế để “sinh con theo ý muốn”. Hậu quả trước mắt là bệnh viện, trường học quá tải; còn về lâu dài, chính con cháu chúng ta sẽ phải chịu hậu quả của sức ép dân số, đặc biệt là tình trạng mất cân bằng giới tính… Lúc đó, xã hội sẽ phải chịu gánh nặng rất lớn về sự khủng hoảng trên thị trường hôn nhân. Mà Trung Quốc là bài học nhãn tiền. Còn nhớ, cứ đến thời điểm những năm được cho là đẹp như Quý Mùi, Đinh Hợi, Tân Mão… là các bệnh viện phụ sản vốn đã quá tải lại càng thêm chật chội vì số trẻ mới sinh tăng đột biến. Và 5 năm sau đó thì đến lượt các trường tiểu học quá tải đầu vào lớp 1, rồi các trường trung học quá tải niên học của các học sinh lứa tuổi này.
Xây dựng gia đình được hơn 1 năm, nhưng vợ chồng chị Hương vẫn đang có kế hoạch để học thêm cao học. Đùng đùng thế nào mẹ chồng chị đi xem bói, thầy phán rằng anh chị phải sinh con năm Nhâm Thìn thì mới hợp tuổi cha mẹ, và phải sinh vào đúng tháng 2-3 âm lịch thì mới bắt được Rồng vàng. Thế là cụ cứ nhất quyết “học hành là chuyện dài, không học năm nay thì năm sau học, chứ bao nhiêu năm mới có một năm đẹp, cứ phải sinh đẻ cái đã”. Thuyết phục cụ không được, cuối cùng chị đành phải hoãn kế hoạch học hành lại để… “săn Rồng”.
Trước áp lực của mẹ chồng, nhất định phải săn được quý tử vì các cụ đã nói “Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài”, thế là chị lại phải mày mò các biện pháp để sinh con trai. Nào là tìm đến bác sĩ để được tư vấn xem chồng phải ăn gì, vợ phải ăn gì; Nào thì phải tìm hiểu xem con X nó ưa cái gì, con Y ưa cái gì; Rồi phải tạo môi trường thuận lợi…Rồi thì hai vợ chồng phải “giao ban” vào đúng ngày ấy ngày ấy của tháng… Khổ cho vợ chồng chị đang là công chức Nhà nước, thế nhưng việc “giao ban” của vợ chồng chị lại phải theo chỉ định của bác sĩ. Có hôm đang giờ, làm việc cả vợ cả chồng phải bỏ về nhà để hành sự… Khổ cho ông chồng chị, mỗi lần bỏ việc cứ càu nhàu. Đã thế mỗi bữa ăn cơm, chồng chị đều phải rưới thêm thìa nước mắm hoặc rắc thêm ít bột canh cho mặn chát, vì người ta bảo ăn mặn thì mới có con trai. Kết quả là bây giờ chị Hương đã có bầu được 5 tháng, kiểu gì con chị cũng sinh vào năm Nhâm Thìn. Chỉ còn mỗi việc xác định xem có phải là quý tử hay không. Chị vào bệnh viện phụ sản siêu âm, bác sĩ không nói giới tính, chị ra mấy phòng khám bên ngoài siêu âm. Chả cần hỏi, bác sĩ cũng bảo: “Con rồng này giống mẹ rồi”.
Không chỉ chị Hương, mà nhiều cặp vợ chồng khác cũng đã lên kế hoạch săn cu Rồng ngay từ đầu năm. Nhiều người tìm mọi cách, từ ăn uống, kiêng khem, tính ngày tính giờ, soi trứng vi tính… đến đi cầu khấn khắp nơi, xem thầy xem sách, thậm chí không ít người còn sẵn sàng phá bỏ cái thai khi trót lỡ kế hoạch hoặc biết đó là con gái. Trên thực tế, cũng có rất nhiều ông lang vườn quảng cáo thuốc mình có thể đẻ được con trai. Không ít cặp vợ chồng đã chạy đôn chạy đáo khắp ông lang này ông lang nọ. Tôi biết có cả cặp vợ chồng đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài cũng nhảy bổ về Việt Nam để gặp thầy lang mà nào có ăn thua gì. Họ chẳng cần biết đâu là căn cứ khoa học cho cái quan niệm năm nào là năm đẹp, chỉ biết là các cụ quan niệm vậy. Chung quy lại quan niệm ấy cũng xuất phát từ dân gian chứ chưa có cơ sở đánh giá nào. Ngược lại, chính việc đua nhau sinh con năm đẹp, các ông bố bà mẹ đã vô tình đặt những đứa con mình vào những hoàn cảnh khó khăn hơn khi chất lượng học hành không cao, phải cạnh tranh khốc liệt hơn. Đấy là còn chưa nói đến việc sinh con theo kiểu “chín ép” sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển bình thường của đứa trẻ và cũng nhiều ông bố bà mẹ mất tiền oan cho những ông lang vô tích sự.
Thay cả tạo hóa
“Con tôi là trai hay gái” thường là câu hỏi đầu tiên của thai phụ khi bước xuống khỏi bàn siêu âm. Và vì vậy mà dù pháp luật đã cấm các bác sĩ tiết lộ giới tính thai nhi khi siêu âm, bắt mạch nhưng dường như đây vẫn là chiêu câu khách của hầu hết các phòng khám sản tư nhân. Thai phụ và người nhà sẽ dễ dàng nhận lại câu trả lời của bác sĩ về giới tính thai nhi, hoặc một cách ví von dễ hiểu nhất như: “Giống mẹ/ bố rồi”; “Thằng bé/ Con bé này hiếu động quá”… Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội tại một số tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và duyên hải đã cho thấy có tới 2/3 số phụ nữ biết giới tính của con trước khi sinh, 98% trong số đó là qua siêu âm. Tại các đô thị lớn thì con số này có lẽ lên đến 100%.
Cùng với công nghệ chẩn đoán giới tính thai nhi thì các công nghệ lựa chọn giới tính cũng ngày càng dễ tiếp cận hơn. Đặc biệt ở nhóm người có học thức thì việc lựa chọn giới tính thai nhi càng phổ biến. Với bằng chứng từ số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 của Việt Nam, Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã cảnh báo rằng trình độ học vấn của người mẹ và điều kiện kinh tế của hộ gia đình quan hệ tương hỗ chặt chẽ với tỷ số giới tính khi sinh. Cụ thể, ở nhóm các bà mẹ có trình độ tiểu học và thấp hơn thì tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai/trẻ gái) là 107,1, ở nhóm trung học phổ thông và học nghề lên đến 111,4, ở nhóm có trình độ cao đẳng trở lên là 113,9. Mặt khác, sự mất cân bằng giới tính khi sinh cũng tùy thuộc nhiều vào vị thế kinh tế xã hội của hộ gia đình. Nhóm dân số nghèo nhất thường có tỷ số giới tính khi sinh rất gần với mức bình thường là 105, trong khi đó với nhóm dân số giàu thì con số này lên đến 112…
Không chỉ vậy, mặc dù chưa được khoa học kiểm chứng song rất nhiều hình thức hỗ trợ “có con trai” vẫn được các bà mẹ áp dụng, như nhờ thầy thuốc tư vấn, nghiên cứu tài liệu sách báo, các trang web, dược phẩm... Đây là những hành vi vi phạm nghiêm trọng Pháp lệnh Dân số, Nghị định 104/2004/NĐ-CP và Nghị định 114/2006/NĐ-CP của Chính phủ, song việc phát hiện và xử lý lại vô cùng khó khăn do thiếu chứng lý, lực lượng thanh tra, kiểm tra mỏng, quy định về quyền hạn xử phạt còn hạn chế.
Khủng hoảng trên thị trường hôn nhân
Hiện nay, tỷ lệ giới tính khi sinh của nước ta là 111,2, một số tỉnh tỉ lệ này rất cao như Hưng Yên trên 130, Hải Dương 120, Hải Phòng 115/100, Bắc Ninh 119... Ở Hà Nội, tỷ lệ mới nhất được công bố là 116. Hậu quả tiêu cực của tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh sẽ tác động trực tiếp đến giới trẻ. Đặc biệt, khi xã hội thừa nam, mối nguy hiểm hướng về phía nữ giới lại nhiều thêm. Dù hiếm nhưng vị thế của họ không phải vì thế mà được nâng lên, trái lại, họ rất dễ trở thành đối tượng bị tranh cướp, vấn nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ sẽ gia tăng và diễn biến phức tạp hơn nữa. Hiện mức tỷ số giới tính ở nhóm tuổi trưởng thành (15-49 tuổi) đang cân bằng ở mức 100/100, nên chúng ta khó mà hình dung được đến năm 2049, tỷ số này sẽ là 113/100, dẫn tới dư thừa 12% nam giới trưởng thành. Sự dư thừa này có thể dẫn đến một cuộc “khủng hoảng trên thị trường hôn nhân”.
Năm Nhâm Thìn 2012 được người ta quan niệm là năm Rồng vàng, rất tốt cho việc sinh con, nhất là con trai. (ảnh minh họa)
Theo ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) thì tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam hiện nay tăng nhanh một phần quan trọng là do người dân sử dụng những dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh hiện đại để can thiệp và chẩn đoán. Áp lực giảm sinh của chương trình kế hoạch hóa gia đình càng khiến họ tìm đến những phương pháp này.
Tuy chưa có bằng chứng khoa học đầy đủ về tác động của công nghệ tới tỷ lệ mất cân bằng giới tính, nhưng các nghiên cứu ở nhiều nước đã cho thấy từ khi xuất hiện phương pháp siêu âm giới tính, số bé trai ra đời tăng lên rất nhiều so với bé gái. Vì vậy theo ông Trọng thì việc xử lý vi phạm liên quan đến việc mất cân bằng giới tính khi sinh là cần thiết và pháp luật của chúng ta đã nghiêm cấm tất cả các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Nhưng thực tế là việc xử lý các vi phạm này hết sức khó khăn, do vậy cái quan trọng hơn cả là phải giáo dục để mỗi người dân không thực hiện hành vi này và mỗi người thầy thuốc, mỗi một nhân viên y tế hãy nâng cao đạo đức của họ.
Chung quy lại, sự mong muốn có con trai chủ yếu do tư tưởng Nho giáo cần phải có con trai để nối dõi tông đường, phụng dưỡng cha mẹ đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người Việt Nam. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi của nước ta hiện nay chưa đảm bảo khiến người ta vẫn cảm thấy bất an khi không có con trai. “Tôi cho rằng nâng cao vị thế, vai trò của người phụ nữ là rất quan trọng, trong đó có vấn đề an sinh xã hội. Việc hỗ trợ cho cha mẹ sinh ra những trẻ em gái là cần thiết và cần được đẩy mạnh” – ông Dương Quốc Trọng kiến nghị.
Từ năm 2009, đã có các đề án thí điểm về can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên tất cả mới dừng lại ở vấn đề thay đổi nhận thức, còn việc có thay đổi hành vi hay không lại là một chuyện khác. Đã và đang có những chiến lược, những đề án về can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh được xây dựng với nhiều biện pháp tổng hòa. Và những người làm dân số hy vọng rằng khi áp dụng những biện pháp mạnh ấy sẽ khống chế được việc gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính trong vài chục năm tới.