Cứ nghĩ con hành động như thế là hư, hóa ra đó là biểu hiện của trí thông minh
03/01/2017 (8579 lượt xem)
Bố mẹ thường nhầm tưởng một số hành vi của trẻ là hư, không được dạy dỗ cẩn thận. Nhưng sự thật không phải như vậy đâu!
Thói quen ngậm tay
Trước mười tháng tuổi, trẻ thường có thói quen ngậm tay. Bố mẹ hay cho rằng mút tay là không hợp vệ sinh và là biểu hiện của sự bất an. Nhưng thực ra trước mười tháng tuổi, trẻ ngậm tay là điều chúng ta không cần lo lắng.
Trong các cơ quan cảm giác của trẻ, môi và lưỡi phát triển sớm nhất nên trẻ sẽ cảm nhận những thứ xung quanh bằng miệng. Vì chưa có khả năng tự vơ đồ vào miệng nên con bạn dễ coi bàn tay làm đối tượng để khám phá mọi thứ.
Ngoài ra, ngậm tay còn khiến trẻ bớt lo lắng mỗi khi mẹ không có ở bên hoặc chưa kịp cho trẻ bú. Chính vì vậy, mút tay là cơ hội học hỏi quan trọng của trẻ, kích thích sự phát triển não bộ và ổn định cảm xúc.
Sợ người lạ
Bắt đầu từ tháng thứ sáu, trẻ đã có thể phân biệt được mặt của bố mẹ và người thân. Trẻ rất sợ người lạ, nhất là mắt của người lạ, chính vì vậy khi người lạ nhìn, trẻ sẽ sợ hãi và gào khóc. Đây là quá trình đứa trẻ nào cũng trải qua.
Qua 2-3 tháng trẻ sẽ hết tình trạng đó, nên bố mẹ cũng không cần lo lắng sau này con sẽ nhút nhát, sợ giao tiếp. Ngược lại, đó là biểu hiện bình thường của sự phát triển, đồng thời, bé càng nhận biết rõ người lạ và người thân, bé càng sớm phát huy được khả năng quan sát của mình.
Xé giấy, vứt đồ
Đây không hoàn toàn là hành vi xấu mà là động lực thúc đẩy sự phát triển của não bộ. Qua một tuổi, trẻ bắt đầu học bò, học đi và vô cùng tò mò muốn khám phá thế giới xung quanh. Những hành động như xé, vứt là cách mà trẻ khám phá các sự vật xung quanh mình, nhận biết được hình dạng, khoảng cách…
Do đó, bạn không nên cấm đoán những hành động đó mà nên mà biến hành động ấy thành cách thức giúp trẻ phát triển trí thông minh. Ví dụ như sợ trẻ xé sách vở thì đưa cho trẻ những giấy tờ không dùng nữa, trẻ rất thích nghe tiếng xé giấy; sợ trẻ vẽ bừa lên tường thì đưa cho trẻ nhiều giấy để trẻ vẽ; khi ăn cơm trẻ có sở thích ném bát nên có thể đưa cho trẻ cầm bát nhựa, không gây nguy hiểm cho trẻ…
Tự nói một mình
Trẻ nói một mình không phải là điều gì buồn cười, mà chính là biểu hiện của việc trẻ bắt đầu có khả năng tư duy. Đến 1 tuổi rưỡi, trẻ rất hay nói một mình. Đó chính là lúc trẻ đang suy nghĩ về phương pháp giải quyết vấn đề, đưa ra yêu cầu của bản thân, bắt đầu biết hạn chế hành động của bản thân...
Chính vì vậy, khi trẻ đang tự nói một mình, bố mẹ không nên xen vào, làm ảnh hưởng đến dòng suy nghĩ của trẻ, mà hãy lắng nghe để từ đó nhận ra tư duy cũng như sự phát triển trí não của trẻ.
Nói dối
Nói dối đôi khi cũng là biểu hiện của sự thông minh. Bắt đầu khoảng 2 tuổi, trẻ đã biết nói dối, có nghĩa là trẻ đã biết dựa theo tâm lý của người khác để phán đoán tình hình, bởi cơ sở để có thể lừa dối người khác chính là hiểu được tâm lý người khác. Một đứa trẻ biết nói dối phải là một đứa trẻ nhanh nhạy, có khả năng phán đoán và có sức sáng tạo nhất định.
Theo một góc độ nào đó thì, trước độ tuổi đi học, đứa trẻ càng biết nói dối thì càng thông minh. Chính vì vậy khi trẻ nói dối, chúng ta không nên nói trẻ hư, mà hãy dùng những cách thức đúng đắn nhất để uốn nắn trẻ, giữ được tính tự tôn và sáng tạo của trẻ.
Theo Eva