Dâu mới "Mẹ chồng" ác khẩu
26/04/2013 (859 lượt xem)
Trước đây, nghe Tuấn – chồng tương lai nói về mẹ, Thương (Bắc Giang) không hề lo ngại mà luôn tâm niệm: 'Chỉ cần mình biết điều, có tâm, yêu thương mẹ chồng như mẹ đẻ thì chắc chắn mâu thuẫn ngàn đời giữa mẹ chồng nàng dâu sẽ thành bong bóng xà phòng'.
Thương tự trấn an như vậy bởi từ khi cô ra mắt nhà chồng, cô nhận ra có vẻ mẹ chồng tương lai không hề ưa mình. Thương ưa nhìn, công việc ổn định, nhưng với bà Dần (mẹ chồng tương lai của Thương lúc đó) thì bà luôn nghĩ con trai bà bị lừa.
Tuấn đẹp trai, lại là con trai độc đinh của gia đình phố cổ nên với bà Dần, con bà là số 1. Con dâu phải là hoa hậu mới hợp.
Ngay sau lễ cưới, mẹ chồng chị đã dặn: “Sáng dậy sớm để dọn dẹp, đi chợ cho cả nhà”. Thương vội vội vàng vàng lên dọn dẹp phòng, thay quần áo rồi đi ngủ và không quên “dằn mặt” chồng: “No sex nhá, em phải ngủ sớm để mai lấy sức lấy lòng mẹ”.
Dâu mới, hồi hộp cả đêm Thương chẳng ngủ được, chập chờn tới 5h sáng. Vừa lò dò đi xuống tầng dưới, mẹ chồng đã xông ra nheo mắt: “Chúng tôi già cả khó ngủ, vợ chồng cô cứ lục đà lục đục cả đêm như thế thì sao mà chúng tôi ngủ được. Đàn bà phải có ý có tứ chứ? Vừa về nhà chồng đã thành nặc nô rồi”.
Nghe thế, Thương lòng quá ngại ngùng mà chỉ biết vâng vâng, dạ dạ. Thương rất biết điều, thấy mẹ chồng làm gì, cô lại sà vào làm cùng. Thế nhưng, cứ khi nào nhìn thấy Thương, bà Dần lại quở: “Sao cô béo thế, chưa đẻ mà nhìn như mẹ xề, đẻ xong thì ra giống gì?”.
Không chỉ dừng ở đó, bà lúc nào cũng chê bai nhà thông gia: “Đã là nhà quê lại tận trong ngõ ngách, trông đến là kinh. Mà bố mẹ cô ít tuổi hơn chúng tôi mà sao già đanh như các cụ ấy nhỉ”.
Dù bực mình, không hài lòng nhưng Thương vẫn cố gắng ngọt nhẹ: “Vâng, bố mẹ con ở quê lam lũ vất vả, không được sung túc như trên này nên nhìn khắc khổ hơn chăng?”.
Thương nấu ăn không đến nỗi nào. Bằng chứng là cô nấu món gì mọi người ăn hết món đó. Bố chồng, em chồng còn tấm tắc khen. Vậy mà bà Dần không món gì cô nấu là không chê. Lần nào Thương dưới bếp, mẹ chồng cũng đứng kè kè bên cạnh, chỉ trỏ, soi mói. Khi thì: “Người thế nào thái miếng thịt vậy, to thế thì ai ăn được”.
Kiểu gì bà cũng chê được từ cắt hành, nhặt rau, rửa bát. Nhưng nếu không nghe theo bà, chị Thương lại hứng một trận mắng chửi: “Cô có lớn mà chẳng có khôn, bố mẹ cô không dạy à? Việc đơn giản như thế mà cứ để tôi nói đi nói lại”.