Dạy con nhận thức đúng về giá trị đồng tiền
15/04/2013 (455 lượt xem)
Nhiều bé hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của tiền từ rất sớm. Do đó, bạn cũng không nhất thiết phải cấm đoán việc bé được nhận tiền từ người thân hoặc những lúc bé xin tiền bạn để mua một món đồ hợp lý.
Bạn nên thống nhất với bé những quy tắc cơ bản trong sử dụng tiền, bé sẽ tự ý thức được cách tiết kiệm và chi tiêu hợp lý về sau.
Lôi kéo bé vào những chiến dịch tiết kiệm của cả gia đình: Nếu bé biết tự đóng vòi nước sau khi rửa tay, tắt bóng điện khi rời khỏi phòng, bạn nên cho bé biết giá trị của những hành động này. Cuối cùng, bạn có thể nhấn mạnh với bé rằng, vì bé đã biết tiết kiệm nên bạn sẽ dành số tiền này để mua cho bé một món đồ ưa thích.
Chia sẻ với bé về tài chính: Nhiều bậc phụ huynh ngại đề cập chuyện “mẹ hết tiền” khi bé vòi vĩnh một món đồ chơi đắt giá. Bạn có thể mở ví và chỉ cho bé thấy: “Tiền này bố mẹ chỉ đủ mua thức ăn, đóng tiền học cho con, mẹ không đủ tiền để mua món đồ chơi đó nhưng nếu con muốn một thứ khác thì mẹ sẽ cân nhắc”. Bé ở tuổi mẫu giáo có thể hiểu được việc “hết tiền” có nghĩa là không đủ khả năng mua đồ. Bé lớn hơn thì càng hiểu rõ ý nghĩa của việc này và sự cảm thông với cha mẹ sẽ giúp bé điều tiết sự đòi hỏi của bản thân.
Sai lầm: Cho tiền bé không rõ lý do
Tặng cho bé một chút tiền bỏ ống tiết kiệm sẽ không gây hại nhưng nếu bé đòi thứ gì, bạn liền đặt tiền vào tay bé để đáp ứng ngay thì bé sẽ sớm bị hư. Bạn chỉ nên cho bé một chút tiền xu để bé thả ống tiết kiệm khi muốn khuyến khích hành vi tốt ở bé.
Tuyệt đối không đưa tiền và để bé tự mua đồ. Nếu bé đòi tiền, bạn nên bình tĩnh hỏi bé mục đích và thống nhất rằng bạn có khả năng đáp ứng yêu cầu của bé không.
Sai lầm: Đáp ứng mọi nhu cầu vật chất cho bé
Bé sẽ quên mất cách phải nỗ lực để đạt được kết quả. Lối sống hưởng thụ sẽ hình thành tâm lý coi thường tiền bạc và lãng phí cho bé sau này. Bạn nên học cách nói “không” nếu bé đòi mua đồ chơi mới trong khi đồ chơi cũ vẫn còn hoạt động tốt; Khi bé đòi ăn bánh ngọt nhân táo mà trong tay bé đã có bánh chocolate; Khi bé muốn một chiếc xe đạp giống một người bạn chơi của bé và không thích chiếc xe đạp cũ nữa….
ST: ThuyDuong