Để bé biết cách "cám ơn" và "xin lỗi"
28/12/2012 (907 lượt xem)
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ con rất hay quan sát và bắt chước bố mẹ, những người gần gũi xung quanh mình trong cách nói năng và cư xử hàng ngày. Vì thế, các bậc cha mẹ hãy làm một tấm gương sáng cho con trẻ noi theo.
Cha mẹ phải là những tấm gương sáng của con!
Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ con rất hay quan sát và bắt chước bố mẹ, những người gần gũi xung quanh mình trong cách nói năng và cư xử hàng ngày. Vì thế, các bậc cha mẹ hãy làm một tấm gương sáng cho con trẻ noi theo.
Khi con trẻ giúp bố mẹ làm một việc tưởng chừng rất đơn giản như cất túi đi làm của mẹ lên tủ, chúng ta nên hào phóng trao cho con yêu của mình những câu từ có cánh như thế này: “Con yêu, mẹ cảm ơn con rất nhiều” hoặc: “Mẹ xin lỗi con, hôm nay mẹ có việc bận đột xuất không đưa con về thăm bà ngoại được”, nếu bạn không thực hiện được lời hứa với con.
Đừng quên rằng, “Cảm ơn” và “Xin lỗi” cũng là một cách tôn trọng con và dạy con tôn trọng cha mẹ; và qua cách được tôn trọng, con của chúng ta sẽ tự tin và trưởng thành hơn trong giao tiếp ứng xử.
Đôi khi, rèn cho con thói quen biết nói từ “Cảm ơn” và “Xin lỗi” đúng lúc, đúng chỗ còn khó hơn dạy cho con thuộc một bài thơ. Con sẽ không là đứa trẻ kém thông minh nếu con quên một câu thơ.
Nhưng mai này, liệu con có trở thành người tốt, nếu không biết nói lời “Xin lỗi”, “Cảm ơn”? Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào việc cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con trẻ noi theo mọi lúc, mọi nơi.
Nói tròn câu khi cám ơn hoặc xin lỗi
Khi thể hiện những cử chỉ hay lời nói lễ phép, các bậc cha mẹ cũng nên dạy trẻ cách nói sao cho phù hợp. Sẽ thật tiếc nếu bé muốn thể hiện lòng biết ơn với ông bà hay cô chú nhưng lại không biết cách nói lời cám ơn như thế nào cho đúng. Nhiều khi, bé chỉ biết nói như một cái máy mà không có chút danh xưng nào cả. Chẳng hạn khi nhận quà của ông bà, bạn nên dạy trẻ nói tròn câu “Con cảm ơn ông bà” thay vì vội vàng nhận quà và nói những câu ngắn cụt như “Cám ơn” không thôi. Một ý định tốt khi không biết cách thể hiện sẽ trở nên không hay. Hãy dạy bé nói tròn câu rõ chữ để thể hiện hết sự chân thành trong lời nói của bé.
Đặt tình huống đế dạy trẻ cư xử
Những tình huống như: Nếu thấy một người già muốn qua đường thì con sẽ làm gì? Nếu bạn học chung lớp bị các bạn khác bắt nạt thì con sẽ làm gì? Cần được đặt ra để trẻ trả lời theo ý chúng. Bạn hãy lắng nghe rồi phân tích đúng sai cho trẻ. Bên cạnh đó, bạn hãy nói lấy giúp mẹ hoặc cảm ơn con khi nhờ trẻ làm gì để chúng quen với những từ ngữ đó. Và bạn hãy nhớ rằng luôn làm những điều tốt để chúng bắt chước và noi theo các bạn.
Khen ngợi khi trẻ nhận lỗi hoặc biết cảm ơn đúng lúc
Hãy khen ngợi trẻ khi chúng dám nói ra sự thật về bản thân. Những câu đại loại như “Con rất dũng cảm, biết nhận lỗi như thế mới là con của ba mẹ chứ!". Đưa ra cho trẻ những ví dụ rằng kể cả người lớn đôi khi cũng mắc sai lầm và nói thật ra để mọi người cùng góp ý, sửa chữa mới đáng khen và được tha thứ. Cũng tương tự như thế, khi trẻ biết cảm ơn chân thành trước một việc làm tốt của người khác dành cho mình, cha mẹ cũng nên khen con thật khéo léo “Con của ba mẹ thật ngoan, lúc nào cũng lễ phép và đáng yêu!”. Tuy nhiên, khen ngợi cũng cần đúng mực và đúng lúc, không nên quá lạm dụng khiến trẻ trở nên “lờn” và xem những lời khen là chuyện dĩ nhiên phải có.
Dạy trẻ nói lời "cảm ơn" hoặc "xin lỗi" không phải là việc khó nhưng cần sự kiên trì nhẫn nại và tinh tế từ cha mẹ. Qua việc giáo dục trẻ những điều này, chúng ta cũng giúp trẻ gián tiếp thể hiện tình cảm đối với cha mẹ và mọi người xung quanh. Đó là điều rất cần thiết trong sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ sau này.