Điều chỉnh thói quen nhai một bên hàm của bé
11/07/2013 (610 lượt xem)
Nhai một bên hàm là bé chỉ có thói quen đẩy thức ăn về bên phải hoặc bên trái của miệng để nhai. Và rất nhiều bà mẹ trong quá trình cho con ăn và tập cho bé nhai đã không chú ý đến hiện tượng này để điều chỉnh kịp thời cho bé.
Nếu như biết được những hậu quả khó lường sau, cha mẹ sẽ cẩn trọng hơn trong việc cho con tập nhai. Các bác sĩ của Babycenter đưa ra một số tác hại để cảnh báo các mẹ về sức khỏe của bé:
- Hai hàm răng luôn luôn có tính vận động đối xứng để nghiền nát thức ăn. Việc nhai giúp cho cơ hàm và răng có cơ hội được phát triển và nhai hai bên hàm giúp cho cơ hàm được phát triển một cách bình thường.
- Về cơ hàm: Nếu như bé nhà bạn có thói quen chỉ nhai một bên hàm sẽ khiến cơ quai hàm chỉ phát triển một bên mà thôi, còn cơ quai hàm của bên không được nhai sẽ co lại. Điều này khiến cho khuôn mặt của trẻ bị biến dạng. Nghiêm trọng hơn, ở một số bé còn có tình trạng biến dạng sống mũi trông rất xấu.
- Về răng: Những chiếc răng ở bên hàm được bé nhai nhiều hơn sẽ bị mài mòn nhiều hơn khiến cho men răng mau bị hỏng và dễ hình thành viêm răng, sâu răng. Những chiếc răng ở hàm còn lại do ít được vận động nên tổ chức xung quanh răng bị mỏng và yếu đi, dễ tích tụ cặn răng, cao răng gây sâu hoặc viêm răng.
- Nhai một bên hàm còn khiến cho thức ăn không được nhai kỹ, vì vậy sự trộn lẫn thức ăn với nước bọt chứa men tiêu hóa chưa nhiều thì bé đã nuốt. Điều này khiến cho thức ăn khi xuống đến dạ dày sẽ khó tiêu hóa hơn, đặc biệt là với trẻ nhỏ khi hệ tiêu hóa còn yếu. Tình trạng này diễn ra về lâu dài sẽ khiến bé hay bị đầy bụng, khó tiêu và trở nên biếng ăn, suy dinh dưỡng.
Vì vậy, không nên cho trẻ ăn chỉ nhai có một bên hàm, mà cần tập cho trẻ thói quen nhai cả hai bên hàm để phát triển cơ xương hàm đầy đủ, không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như mỹ quan sau này của trẻ.
Khi phát hiện con chỉ nhai một bên hàm, mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân xem có phải răng bé đã bị sâu hoặc có vấn đề gì đó khiến con không thể nhai được cả hai bên hay không. Nếu răng bé bị sâu hoặc có vấn đề gì khác, mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ nhau khoa để được tư vấn và điều trị tốt nhất. Nếu không, mẹ hãy kiên trì cho con tập nhai cả hai bên hàm bằng cách sau:
- Trước khi đút thức ăn vào miệng bé, mẹ hoặc người cho trẻ ăn cần làm mẫu để bé bắt chước theo. Khi nhai, đưa thức ăn sang cả hai bên hàm nhai để bé nhận thấy được việc nhai thức ăn phải nhai cả hai bên hàm. Việc này giúp bé hiểu và bắt chước hành động của người lớn.
Dạy con đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn, vì vậy cha mẹ đừng vội nản chí khi thấy con chưa thể hiểu ngay hay chưa hoàn thành các bước trong lúc tập.
Hãy rút kinh nghiệm ngay từ những bước mà bé bỏ quên để nhắc bé làm lại. Nếu thấy bé nhai một bên hàm, nên nhắc bé phải đưa sang cả hàm bên kia để nhai cho đồ ăn được nhai kỹ trước khi nuốt.
Để cho cháu tập nhai thì mẹ nên cho con tập ăn cơm hoặc nấu cháo hạt, băm thịt chứ không xay nữa, cho con ăn thêm mỳ, bún phở và nên để cho bé tự xúc ăn, ăn cùng mâm với gia đình cháu sẽ học người lớn cách nhai.