Đồ dùng trẻ sơ sinh của các doanh nghiệp Việt
20/03/2013 (537 lượt xem)
Đồ dùng trẻ sơ sinh hiện nay chủ yếu vẫn được cung cấp bởi các công ty, nhà sản xuất nước ngoài đưa vào thị trường Việt, thật khó để tìm mùa đồ sơ sinh made in Việt Nam.
Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn đứng ngoài cuộc chơi?
“Quá khó để mua đồ dùng trẻ sơ sinh made in Việt Nam”, hoa hậu Hương Giang nói.
Từ tin nhắn của hoa hậu Hương Giang – một đại sứ hàng Việt nhiệt tình nhất – “Quá khó để mua đồ dùng trẻ sơ sinh made in Việt Nam”, đi rảo ra thị trường mới thấy đúng là hàng Việt còn bỏ trống rất nhiều những “ngách” thị trường mà người tiêu dùng thực sự đang trông đợi. Đây cũng là một thách thức về bản lĩnh kinh doanh: phát hiện và chiếm lĩnh được cơ hội trong khi doanh nghiệp Việt cứ than, khó bán hàng…
Vừa hết năm con rồng, năm mới lại có tên “Quý”, các gia đình đều nô nức đón chào các thành viên mới. Trẻ sơ sinh tăng nhanh, tăng mạnh cộng với mức sống cũng tăng lên đã hình thành một thị trường kinh doanh vô cùng màu mỡ.
Sản phẩm nội của Tủ nhựa Duy Tân là thương hiệu hiếm hoi được các bà mẹ chọn lựa.
Hàng Việt: đáng tin nhưng không “xịn”
Phỏng vấn nhanh 40 bà mẹ trẻ thì đa phần đều lo và kiểm tra rất kỹ xuất xứ hàng hoá. “Nghe đồn tùm lum thứ liên quan tới hoá chất in vải, rồi nhựa tái chế, rồi melamine trong sữa nên phải kiếm hàng Việt cho chắc ăn”, một bà mẹ chia sẻ. Nhưng mua hàng Việt “cho yên tâm” thì cũng hơi khó.
Tạm chia đồ dùng trẻ em làm ba nhóm chính: quần áo – sản phẩm bằng vải; hoá mỹ phẩm; các loại dụng cụ: bình sữa – và đồ chơi. Hàng Việt Nam hiện nay mạnh nhất ở nhóm quần áo – sản phẩm bằng vải. Số lượng các nhà sản xuất cung cấp quần áo, khăn sữa, khăn lông, khăn tắm, yếm, tã vải, giày vải, vớ, nón cho bé sơ sinh lên đến cả trăm đơn vị. Những tên tuổi quen thuộc đang bày bán trong siêu thị là Anh Khoa, Kiến Vinh, Hiệp Huyền, Hải Oanh, Viza, Phúc Thịnh, Ngọc Nhi, Huỳnh Kim, May Phúc, Phương Quân, Tất Đạt… Ưu thế của hàng Việt ở nhóm này là đa dạng thương hiệu, giá rẻ, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu và túi tiền của số đông người tiêu dùng. Thế nhưng mua hàng cao cấp làm quà tặng, khách hàng chọn hàng Thái hay Hàn Quốc.
Ở nhóm hàng hoá mỹ phẩm, trong giỏ các loại hoá mỹ phẩm chăm sóc cá nhân của đứa trẻ từ khi mới sinh đến dưới sáu tuổi hiện nay cần ít nhất 4 – 5 loại, trung bình có 12 loại và bậc cha mẹ có thu nhập kha khá có thể sắm cho con đến hơn 20 loại. Gần như tất cả các sản phẩm đều là hàng nhập. Trên mạng hiện có khoảng 250 địa chỉ chuyên cung cấp hàng mỹ phẩm cho bé với đủ các xuất xứ hàng nhập từ Pháp, Mỹ, Đức, Nga cho đến Israel, Tây Ban Nha, Malaysia, Nhật Bản… Các siêu thị và cửa hàng bày bán khoảng 200 mặt hàng dành cho bé, nhưng hàng nội mới chỉ có vài sản phẩm như sữa tắm sảy, dầu tràm, dầu xoa chống cảm cúm (của công ty Lana, OPC, Âu Lạc…)
Các loại bình sữa, hàng ngoại nhập càng áp đảo. Đơn cử trong cả trăm loại bình sữa, núm vú, ca uống sữa ngoại nhập từ Thái Lan, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật, Philippines, Thuỵ Sĩ, Ba Lan, Đức… thì hàng nội chỉ có nhựa Duy Tân là quen thuộc. Đa số hàng ngoại có công nghệ nano kháng khuẩn, chống sặc, màu đẹp, mẫu mã lạ mắt, còn hàng nội hơi đơn điệu.
Doanh nghiệp chưa đủ quan tâm
Nhìn vào số liệu của tổng cục Thống kê, với trên 1 triệu trẻ em ra đời mỗi năm và mức chi mua sắm cũng tăng dần theo đời sống, thị trường sản phẩm cho trẻ em như một chiếc bánh đang nở nồi. Giới chuyên doanh sản phẩm cho trẻ em nhận định, tốc độ tăng trưởng của thị trường này đang ở mức 30 – 40%/năm, riêng với mặt hàng cho trẻ dưới ba tuổi thì đến 50%/năm.
Tính đến nay cả nước có khoảng 200 đơn vị sản xuất đồ chơi trẻ em các loại từ nhựa, gỗ, vải, giấy… nhưng quy mô nhỏ, đa phần là làm các dụng cụ dành cho trường học, in ấn tranh ảnh, hoặc mua nguyên liệu Trung Quốc về lắp ráp thành các món đồ chơi nhỏ. Nhà sản xuất đồ chơi có sản lượng lớn, thương hiệu uy tín trên thị trường, sản phẩm dán tem CR, có hơn mười đơn vị, như Nhựa Chợ Lớn, Gỗ Đức Thành, Nam Hoà, Alpha, Thành Lộc, ALP (An Lộc Phú), Thảo Nguyên, Quỳnh Anh, Gama… Tuy nhiên đồ chơi cho trẻ sơ sinh gần như vắng bóng hàng nội.
Một sản phẩm được quan tâm là đai địu (khi bé được chở trên xe máy) thì bà Phạm Thị Hồng Vân, chủ nhãn Sita (công ty Sinh Tài) phải than: “Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này rất lớn, miễn hàng tốt. Chúng tôi bán rất được, mức tăng trưởng mỗi năm đến 60%. Nhưng điều đau đầu nhất là hễ mặt hàng nào bán tốt, là bị làm giả, nhái nên rất khó đầu tư phát triển”.
Hiện nay dòng sản phẩm có tính năng kỹ thuật cao, kết hợp công nghệ hiện đại đang được ưa chuộng dù giá khá cao, chẳng hạn như xe nôi có thể đẩy kéo đa chiều, các loại nồi hấp tiệt trùng, máy báo tiếng khóc cho bé... chưa được doanh nghiệp Việt đầu tư sản xuất mà đang là “đất” của hàng ngoại. Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn đứng ngoài cuộc chơi?