Độc chiêu dụ con ngủ trưa
13/05/2013 (472 lượt xem)
Cho con ngủ trưa hóa ra cũng nhọc nhằn chẳng kém gì lên rừng đốn củi. Chính vì vậy, nhiều mẹ đã phải nghĩ ra độc chiêu dụ con ngủ trưa.
Bé “lắm chiêu” trốn giờ ngủ trưa
Nhiều mẹ khổ vì cho con ăn, chăm con ốm, chị Giang lại gặp một tình huống oái oăm đó là cho con ngủ trưa. Bé Bum của chị ăn ngoan, mạnh khỏe, chỉ khó mỗi cái ngủ trưa. Cứ mỗi khi đến giờ “hoàng đạo”, bé lại nghĩ ra đủ chiêu để lừa mẹ.
Bé vốn mắc bệnh táo bón. Mỗi khi ngồi bô, bé phải vật vã tới hơn 1 tiếng đồng hồ mới “hoàn thành nhiệm vụ”. Dù mới 3,5 tuổi, bé đã biết biến “nhược điểm” thành ưu điểm. Thỉnh thoảng, đến giờ ngủ trưa, bé lại đòi ngồi bô. Mặt bé cũng căng thẳng y hệt như nhiều lần bị táo bón.
Những lúc như thế, chị thương con lắm. Thay vì mắng mỏ, dụ dỗ con đi ngủ, chị cố gắng “xi”, nắn bóp hậu môn để con đi ngoài dễ hơn. Cứ như thế, bé vật vã với chị cho đến hết giờ ngủ trưa thì bé… hết táo bón và vui vẻ cười nói.
Sau vài lần bị lừa, chị cũng phát hiện ra “độc chiêu” của con gái. Tìm ra độc chiêu rồi nhưng chị dù đau đầu vẫn chưa thể tìm ra cách nào “phản đòn”.
Cu Bin cũng là đứa trẻ không thích ngủ trưa. Ngày còn bé xíu, do chưa nghĩ ra độc chiêu lừa bố mẹ nên cu cậu đành nhắm mắt ngủ lấy lệ. Nhưng tới khi lên 3 tuổi, cu cậu đã tinh ranh hơn. Bình thường, bà cho cu cậu ăn lúc 11h, sau đó 1 tiếng, chị Thoa, mẹ cậu đi làm về, ăn vội bát cơm rồi đưa cậu đi ngủ.
Tới lúc lên giường, cậu mới kêu đói inh ỏi. Cậu khóc ngằn ngặt đòi ăn. Chị pha sữa thì cậu chạy quanh nhà, thỉnh thoảng mới há mồm nuốt một miếng. Tới khi cậu ăn xong cốc sữa cũng lúc chị phải đi làm, cậu phải đi học.
Thời gian đầu, chị thầm trách bà nội mải xem phim, không ép cu Bin ăn đủ suất, để cậu phải đói. Nhưng sau nhiều lần quan sát, chị mới phát hiện ra đó là chiêu trò của cậu nhóc. Chị vừa… vui vì con thông minh, nhanh nhẹn, vừa bực vì con lười ngủ trưa, khiến cả hai mẹ con mệt mỏi.
Mẹ dùng “độc chiêu” trị bé
Bị bé Bum lừa, chị Giang đau đầu lắm. Với chị, giấc ngủ trưa của con cực kỳ quan trọng. Chị không muốn bé suốt ngày giả vờ táo bón để lừa chị nữa. Sau nhiều lần “hội ý” với chồng, chị cũng đã tìm ra độc chiêu phản đòn cô con gái lắm chiêu.
Bình thường, bé muốn đi ngoài, chị cho bé đi bình thường. Nhưng mỗi lần bé dở chứng, trốn ngủ trưa, chị gọi điện cho chồng, giả vờ mời bác sĩ đến nhà tiêm. Bé rất sợ tiêm nên thấy mẹ nhắc có bác sĩ đến nhà, bé quýnh quáng trèo lên giường trốn. Bé rối rít: “Bum hết táo bón rồi, Bum ngủ đây”.
Dường như chưa yên tâm với chiêu bác sĩ, chị còn đề nghị ông bà cứ để bát đũa ở đó, đến chiều mới rửa. Chị nghĩ tiếng lạch cạch dọn dẹp, rửa bát đũa của ông bé có thể khiến bé mải chơi hơn. Chị cũng muốn ông bà nghỉ ngơi để giữ sức khỏe.
Bên cạnh đó, khi hai mẹ con nằm cạnh nhau, chị thường đọc truyện cổ tích cho bé nghe. Giọng kể đều đều của chị khiến bé từ từ nhắm mắt chỉ trong khoảng 10 phút. Và thật may mắn, chiêu tưởng chừng đơn giản của chị lại giúp bé dần dần thích ngủ trưa. Thay vì chống đối, bé tự nguyện trèo lên giường sau khi ăn.
Trị bệnh lười ngủ trưa của con, chị Thoa cũng quyết xây dựng môi trường thật yên tĩnh. Chị thuyết phục bố mẹ chồng “hy sinh” những bộ phim hay. Chị khẳng định, ông bà xem phim, cu Bin cũng bị cuốn theo những hình ảnh sống động trên màn hình mà không buồn ngủ trưa.
Thêm vào đó, sau khi tìm hiểu, chị phát hiện cu Bin ngủ muộn hơn những đứa trẻ khác nên chị thay thời khóa biểu cho con. Ngoài ra, chị cố gắng nghiên cứu thật kĩ sở thích của con và chị biết được cu Bin thích các con thú ngộ nghĩnh. Thế là chị mua rất nhiều khỉ bông, gấu bông, chó bông. Cứ đến giờ ngủ trưa, chị lôi các con thú nằm khắp giường. Chị ngồi hát ru và nói rằng các bạn thú ngủ rồi, cu Bin cứ thế nhắm mắt ngủ theo.
Chị Thoa chia sẻ muốn con có giấc ngủ trưa ngon giấc, các mẹ cũng nên dành nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu sở thích, nỗi sợ của bé. Từ đó sẽ tìm ra cách giúp bé tự nguyện ngủ mà không cần quát tháo, mắng mỏ.