Giáo dục giới tính ở Việt Nam
12/12/2012 (958 lượt xem)
Chỉ có khoảng 33% trường THPT trên cả nước hiện có đưa giáo dục giới tính vào giảng dạy cho học sinh. Con số đáng giật mình này vừa được đưa ra ở hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu về giới và sức khỏe sinh sản cho thanh niên, học sinh, sinh viên.
Ít nhất, nó lý giải phần nào một thực trạng buồn, Việt Nam nằm trong các nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới - theo Tổng cục Dân số, Bộ Y tế. Nữ giới vị thành niên chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai ở Việt Nam.
Giáo dục giới tính có gì bí hiểm mà chỉ có khoảng 33% trường THPT trên cả nước đưa vào giảng dạy cho học sinh? Nhìn trong khu vực, các chương trình giáo dục giới tính ở châu Á đang ở những mức độ phát triển rất khác nhau. Tại Việt Nam, nếu chưa đưa vào dạy đại trà giáo dục giới tính, chỉ có thể vì những nhà quản lý chưa thấy hết hiểm họa khôn lường của việc mù thông tin lĩnh vực này. Nếu trường học không dạy học sinh về cách duy trì nòi giống, bao gồm cả thực hành tình dục an toàn để chống lại việc mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục như cách người lớn chúng ta đang làm, thì chúng sẽ học ở đâu và từ ai?
Theo báo cáo điều tra, tuổi quan hệ tình dục lần đầu ở vị thành niên Việt Nam đã giảm và số thanh niên cho biết có quan hệ tình dục tiền hôn nhân đã tăng lên so với cuộc điều tra 5 năm trước đó. Gần một nửa số bạn trẻ vị thành niên tham gia nghiên cứu cho biết từng yêu và có quan hệ tình dục. 7,6% các em chưa yêu nhưng cũng có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, kiến thức của vị thành niên về phòng tránh thai, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác vẫn vậy, không tiến bộ. Nghĩa là kiến thức còn hạn chế, không có sự cải thiện đáng kể giữa hai cuộc điều tra. Chỉ có 13-17% thanh niên có câu trả lời đúng về thời điểm dễ thụ thai trong một chu kỳ kinh nguyệt, khoảng 1/4 số thanh niên được hỏi không chắc chắn về các biện pháp phòng chống lây nhiễm HIV khác nhau. Một nghiên cứu cho thấy chỉ có 20,7% thanh niên sử dụng bao cao su trong lần quan hệ tình dục đầu tiên.
Tâm lý né tránh cung cấp thông tin cụ thể từ người lớn khiến học trò vị thành niên mò mẫm trong hoang mang và càng dễ bị dẫn dụ. Phó viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng, bác sĩ Nguyễn Thu Giang nhìn nhận, chính những gia đình mô phạm, những con em được tiếng là "ngoan hiền” lại dễ va vấp nhất khi gặp các tình huống như bị lạm dụng tình dục, có quan hệ tình dục không an toàn...
Các nhà quản lý giáo dục không thể dừng lại với những phát biểu quá chung chung mỗi dịp hội thảo về vấn đề này, rặt kêu gọi và… kỳ vọng!