Giúp trẻ có được khả năng giao tiếp tốt
17/05/2013 (402 lượt xem)
Con bạn dạn chỉ chơi đùa cùng các bạn đồng lứa hay có thể người lớn hơn? Con bạn e dè, ngại tiếp xúc? Đấy là những dấu hiệu dễ nhận biết từ rất sớm và hoàn toàn có thể dạy theo hướng tích cực hơn.
Sau đây là một số gợi ý giúp con bạn tự tin trong việc giao thiệp với thế giới bên ngoài.
Tham gia câu lạc bộ hay nhóm trẻ nào đấy
Tìm hiểu xem ở địa phương bạn đang sinh sống có nhà văn hóa thiếu nhi nào không, và dẫn trẻ đến gia nhập các câu lạc bộ thích hợp với lứa tuổi. Ngày nay việc mở rộng nhiều loại hình sinh hoạt cho trẻ ở nhiều cấp độ đã trở nên bình thường và dễ dàng hơn trước rất nhiều.
Tuy nhiên, vì lý do khi mang trẻ đến đây là tạo ở trẻ sự dạn dĩ nên các hình thức sinh hoạt chú trọng nhiều đến tri thức có thể bỏ qua, thay vào đó nên lựa những lớp hay câu lạc bộ cung cấp nhiều kỹ năng tương tác giữa người với người.
Bắt đầu sớm
Nên nhớ rằng việc phát triển năng lực xã hội bắt đầu từ rất sớm. Do vậy bạn nên lưu ý điều này và đừng đợi "nhớn tí đã" hãy mang bé hay nhóc đến những nơi có bạn bè cùng trang lứa càng sớm càng tốt.
Hãy để trẻ tự mình tìm ra giải pháp
Thường các bậc phụ huynh rất muốn thể hiện tình yêu con bằng cách mau chóng đón nhận và thay mặt con giải quyết các vấn đề của riêng trẻ. Đừng quên rằng trẻ cần có cơ hội để tự mình học cách giải quyết các vấn đề liên quan đến bản thân.
Phần lớn những tranh cãi hay kể cả động tay động chân trẻ đều có thể tự mình thu xếp ổn thỏa. Tất nhiên nói vậy không có nghĩa là bỏ mặc theo kiểu "trời sinh voi sẽ sinh cỏ", hãy luôn quan tâm đến những gì đang xảy ra cho chúng nhưng cần hết sức chú trọng đến việc can thiệp.
Hãy cho phép trẻ cơ hội vận dụng đầu óc suy nghĩ giải quyết rắc rối của bản thân với các bạn bè, bởi nhờ đó về sau trẻ mới sẵn sàng đương đầu cùng các phức tạp khác trong cuộc sống. Và điều này không chỉ đúng với các bé nhỡ nhỡ mà ngay cả với các bé baby.
Hãy giúp trẻ hiểu rằng có thể yêu cầu sự giúp đỡ
Luôn luôn khuyến khích tinh thần tự lực nhưng một khi nhận ra rằng sự bối rối ở trẻ đang dần lên cao vì không tìm ra được giải pháp tối ưu, bạn hãy đem đến "quyền trợ giúp hỏi người thân".
Hãy cho trẻ hiểu rằng việc nhờ một ai đó giúp sức sau khi bản thân đã nát óc mà vẫn không tìm ra được giải pháp là hoàn toàn đúng đắn và được hoan nghênh. Và sau này, khi ra đời trẻ sẽ không quá tự ti hoặc phải lên mặt đe dọa khi hỏi xin sự giúp đỡ nơi người khác.
Tìm nhiều hơn những cơ hội trò chuyện
Khi dừng để chờ tín hiệu giao thông là những cơ hội tốt để khuyến khích trẻ nhận xét và nói lên cảm tưởng về người và việc xung quanh. Những khi dừng chân ăn uống hay mua sắm cũng vậy.
Tất cả đều là những dịp tốt để bạn cho thấy sự quan tâm, gần gũi của mình với trẻ. Đồng thời, việc nêu các câu hỏi về sự việc đang diễn ra xung quanh sẽ giúp trẻ có được cho mình những nhận thức đáng kể.