Khi mẹ bầu là cô giáo
19/11/2012 (932 lượt xem)
Có bầu, sinh con, chăm sóc con cái là thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ, họ có thể dồn hết thời gian, tâm trí, hi sinh cả sự nghiệp của mình để làm tròn thiên chức này nhưng với những người làm nghề nhà giáo thì sự nghiệp trồng người của họ cũng thiêng liêng và cao quý. Vậy làm thế nào để một cô giáo vừa làm tròn nghĩa vụ của mình với học trò vừa chăm sóc được bản thân và đứa con thân yêu của mình trong thời gian bầu bí.Shop Trẻ Thơ xin chia sẻ một số kinh nghiệm chăm sóc thai kỳ của các mẹ bầu là cô giáo.
Mẹ bầu là giáo viên thì nên biết điều tiết hài hoà thời gian đứng, ngồi
và đi lại trong lớp học của mình. (ảnh minh họa)
Chị Hồng, 28 tuổi, giáo viên của một trường Trung học cơ sở tại Hoàng Mai, Hà Nội. Chị hiện nay có một bé gái 3 tuổi, bé ngoan ngoãn, thông minh và xinh xắn. Vì biết rằng trong thời gian mang thai tinh thần của người mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng và tính cách của bé sau này nên chị luôn luôn giữ cho tinh thần mình được vui vẻ, thoải mái.
Chị kể rằng: "Khi đến lớp, mình luôn vui vẻ với học trò, không vội vã nóng giận với những lỗi mà học sinh gây ra. Mình thường chọn cách nhẹ nhàng chỉ bảo các học trò của mình, tạo bầu không khí lớp học vui nhộn, đoàn kết vì thế mà các học trò cũng rất ủng hộ tôi. Nhiều khi chính các em học sinh đã đem niềm vui tinh thần đến cho tôi, làm bớt đi những căng thẳng, mệt nhọc của thời kỳ thai nghén".
Chị Mai, 24 tuổi (giáo viên Mầm Non, tại Hải Phòng) thì vừa sinh bé trai đầu lòng được 3 tháng, chị sinh thường và ca sinh nở của chị khá thuận lợi. Bí quyết của chị khá đơn giản đó là chị biết phối hợp hài hoà giữa vận động và nghỉ ngơi.
"Hằng ngày trên lớp học tôi không đứng quá lâu cũng không ngồi quá lâu. Mẹ bầu là giáo viên thì nên biết điều tiết hài hoà thời gian đứng, ngồi và đi lại trong lớp học của mình. Có thể đứng lên để diễn tả các động tác cho các học trò của mình, lúc thì đi lại ca hát, nhảy múa với các em, khi thì ngồi kể chuyện cho học trò nghe. Với các bé mẫu giáo bạn cũng nên thay đổi tư thế thường xuyên cho các em trong các tiết học để tránh mệt mỏi cho trẻ".
Chị Hạnh, 32 tuổi giáo viên Tiểu học, tại Bình Phước cho biết: "Vì trường tôi còn thiếu giáo viên nên trong thời gian mang thai phải đi dạy rất nhiều, ít có thời gian ở nhà để chăm sóc thai kỳ. Tôi lại bị ốm nghén nên việc ăn uống là rất khó khăn, bác sỹ khuyên tôi thay vì ăn nhiều đồ ăn trong một lần ăn thì nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, cần uống sữa, uống vitamin và các khoáng chất cần thiết, vì thế tôi uống nước rất nhiều".
Mỗi khi đi dạy học chị Hạnh thường phải mang theo đồ ăn và nước uống. Nước uống thì mỗi lần lên lớp chị đều mang theo một chai nước vì việc giảng bài thường xuyên cho học sinh làm chị rất nhanh khát. Còn đồ ăn thì chị để ở phòng chờ giáo viên để sau mỗi tiết dạy chị phải tranh thủ nạp thêm năng lượng cho hai mẹ con.
Nhiều khi chính các em học sinh đã đem niềm vui tinh thần, làm bớt đi
những căng thẳng mệt nhọc của thời kỳ thai nghén. (ảnh minh họa)
Chị Hương, 35 tuổi giảng viên trường cao đẳng ở Nam Định lại có một bí quyết giúp chị khỏe mạnh trong suốt thai kỳ đó là nhờ sự chia sẻ của chồng: "Trước kia tôi rất hay thức khuya để soạn bài nhưng từ khi mang thai thì phải từ bỏ thói quen này. Thay vào đó, tôi để ông xã chia sẻ bớt công việc nhà, giúp tôi có thời gian soạn bài sớm và có thể lên giường trước 11 giờ".
Trên đây là một vài kinh nghiệm hay và thiết thực của các cô giáo trong thời gian mang thai. Nhân dịp kỷ niệm ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam, Eva rất mong các cô giáo tích cực đóng góp ý kiến của mình hay những kinh nghiệm quý báu của mình trong thời gian mang thai để các đồng nghiệp của mình có thể vừa thực hiện tốt công việc của mình, vừa chăm sóc thai kỳ khoẻ mạnh.
Quỳnh Nguyễn - Theo Eva