Kinh nghiệm sắm đồ sơ sinh cho bé đầy đủ mà tiết kiệm
20/07/2016 (913 lượt xem)
Niềm vui khi chuẩn bị chào đón bé yêu sắp chào đời luôn khiến mẹ muốn dành những điều tốt nhất cho con. Những bộ quần áo nhỏ xinh, dễ thương luôn được các mẹ lựa chọn
Tuy nhiên vì quá háo hức nên mẹ thường hay mua sắm quá đà theo cảm hứng, gặp bất cứ món đồ xinh yêu nào mẹ cũng sẽ mang về cho bé, việc này sẽ gây lãng phí rất nhiều. Làm thế nào để mẹ có thể mua sắm đồ sơ sinh cho con đầy đủ mà vẫn thật tiết kiệm? Những lưu ý dưới đây sẽ phần nào giúp mẹ biết cách lựa chọn và mua sắm đồ cho bé an toàn mà không mất quá nhiều chi phí.
Mẹ nên sắm đồ sơ sinh vào lúc nào?
Thông thường các mẹ thường đi sắm đồ cho bé vào tháng thứ 8 hoặc thứ 9 của thai kỳ (vì theo nhiều quan điểm các mẹ thương kiêng không mua sắm đồ cho bé trước tháng thứ 7 của thai kỳ). Tuy nhiên vào giai đoạn này, nhiều mẹ đi lại rất khó khăn vì bụng đã nặng nề và dễ mỏi mêt. Nếu như không kiêng khem theo quan niệm, và tùy vào sức khỏe tốt thì mẹ có thể mua sắm đồ sơ sinh cho bé từ tháng thứ 4, thứ 5 trở đi. Mẹ có thể sắm liền một lúc đồ sơ sinh trọn gói hoặc có thể mua dần theo từng ngày tùy vào nhu cầu, miễn sao đảm bảo đầy đủ đồ để chuẩn bị thật tốt cho sự ra đời của bé yêu.
Cần mua những đồ dùng gì cho bé?
Bé mặc
Bé lớn rất nhanh trong những tháng đầu, vì thế mẹ không nên mua quá nhiều quần áo, và tốt nhất, mẹ nên chọn những bộ quần áo có cỡ rộng hơn một chút so với bé để bé có thể mặc được lâu hơn.
Mẹ cần chuẩn bị đầy đủ cho bé các loại quần áo sau: quần áo dài tay, bộ body (tùy vào thời gian bé sinh là mùa đông hay hè mà mẹ chọn chất liệu dày dặn hay mỏng, mát, nhưng vẫn phải đảm bảo chất liệu an toàn, co giãn tốt và thấm hút mồ hôi), áo len, áo khoác (nếu bé sinh mùa đông), chăn ủ, chăn đắp,bao chân bao tay, mũ che thóp.
Bé vệ sinh
Những vật dụng cần thiết để vệ sinh cho bé bao gồm:
-Tã bỉm:
Mẹ có thể sử dụng tã dán hoặc bỉm quần cho bé. Tuy nhiên, trong những tháng đầu mẹ nên dùng tã dán và cần thử loại tã dán nào hợp với bé, không khiến bé bị hăm hay mẩn đỏ. Cũng cần thay tã cho bé thường xuyên.
-Khăn xô:
Khăn xô có nhiều loại và kích cỡ khác nhau. Mẹ nên chọn loại khăn xô có chất liệu mềm, nếu cứng sẽ làm đau bé. Chọn các kích cỡ khác nhau dùng để lau mặt, lau miệng, làm khăn quấn cổ cho bé và khăn để quấn và lau cho bé sau khi tắm gội. Khăn xô có ưu điểm là dễ giặt, nhanh khô và giá khá rẻ nên mẹ có thể mua vài chục chiếc cho bé dùng thay đổi.
-Miếng lót chống thấm:
Miếng lót chống thấm rất hữu ích vì dùng miếng lót này sẽ tránh bị bẩn ga giường và đệm khi bé không mặc bỉm hoặc khi bỉm bị lệch và tràn ra ngoài hay khi mẹ thay tã cho bé.
-Gạc rơ lưỡi và kem đánh lưỡi:
Thời kỳ này bé chủ yếu là bú mẹ nên mẹ có thể dùng gạc mềm nhúng nước muối sinh lý để rơ lưỡi cho bé. Đối với những bé uống sữa công thức thì thường có nhiều cặn sữa dính ở lưới, nên mẹ có thể dùng kem đánh lưỡi. Lưu ý quan trọng, đối với trẻ dưới 1 tuổi, mẹ tuyệt đối không được dùng mật ong để ro lưỡi cho bé vì có thể khiến bé bị ngộ độc và rất nguy hiểm đến tính mạng.
-Ngoài ra mẹ cần mua thêm cho bé các dụng cụ cần thiết khác như nước muối sinh lý, hút mũi, bấm móng tay, băng rốn (để băng rốn lại cho bé sau khi tắm xong), bông y tế và tăm bông.
Bé ăn
Đối với bé bú mẹ hoàn toàn thì hầu như không cần thêm các đồ dùng ăn uống, tuy nhiên những bé dùng sữa công thức thì mẹ cần chuẩn bị các vật dụng sau: sữa bột, bình sữa, nước rửa bình sữa và dụng cụ cọ rửa bình sữa, cốc và thìa.
Đồ gia dụng
-Chậu tắm dành cho bé
-Mắc phơi và mắc treo quần áo cho bé
-Tủ nhựa đưng quần áo cho bé
-Làn đựng đồ cho mẹ và bé khi đi sinh.
Thu Hiền (20/07/2016)