" Lẩm cẩm" chuyện kiêng cử sau sinh
06/12/2012 (474 lượt xem)
Vừa sinh xong thì phải kiêng tắm, kiêng đánh răng, không được xem tivi, dùng máy tính… Tóm lại, rất nhiều thứ kiêng kị được “mách nước” cho sản phụ sau sinh. Nhưng rất nhiều điều trong đó lại là phản khoa học. Hậu quả là các bà mẹ và những đứa trẻ phải gánh chịu.
Nhiều bà mẹ khi con được 6-7 tháng vẫn chưa hết trầm cảm bởi phải trải qua những ngày lo âu, không chịu chia sẻ, tự cô lập mình.
Trẻ bị vàng da vì ở trong phòng tối
Những ngày đầu tháng 8 trời nắng oi ả, vậy mà mẹ con chị Hoàng Thị Hoa (khu tập thể Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) đang trong thời gian ở cữ vẫn ở trong một căn phòng tối om, không điều hòa, không quạt, không một tiếng động…
Bạn bè và người thân đến thăm đều tá hỏa và thắc mắc: Tại sao lại “nguyên thủy” thế này, thì chị Hoa chỉ xua xua tay ra hiệu đừng nói to, rồi mới thì thầm: “Phải kiêng”. Rồi chị cho biết, mẹ chồng, mẹ đẻ và một số người bảo chị phải làm như thế để bảo vệ sức khỏe cho 2 mẹ con.
Căn phòng tập thể được sửa sang, lát sàn gỗ, cửa kính sáng choang rất hiện đại, thế nhưng “cửa đóng then cài”, lại còn được che thêm mảnh vải tối màu để ánh sáng không lọt vào. Bé con nhà chị Hoa mới 3 tuần tuổi thì lớp nhớp mồ hôi vì được bọc kỹ trong mũ vải, bao tay, bao chân.
Vừa ra đời, ở viện về nhà được vài ngày bé đã phải vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị vì bị viêm da. Dù bác sĩ cho rằng không nên kiêng quá, bé bị viêm da có thể do nóng quá, mồ hôi ra nhiều, nhưng chị Hoa và bà của bé vẫn kiên quyết kiêng, bởi theo họ “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”…
Theo BS Nguyễn Thanh Mai (nguyên Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương), việc kiêng kị có từ thời xa xưa, nhưng có nhiều cái không có cơ sở khoa học và một số cái không còn phù hợp với điều kiện hiện tại. Không ít trường hợp, trẻ vàng da là do các bà mẹ quá kiêng cữ.
Việc để mẹ và bé trong phòng tối là không tốt, bởi trong 10 ngày đầu, bé dễ bị vàng da sau đẻ. Để ánh sáng trời vào phòng sẽ tốt cho bé, bà mẹ cũng có điều kiện theo dõi màu da của con mình để phát hiện những bất thường nếu có. Nếu trẻ sơ sinh bị vàng da mà không biết, không được điều trị kịp thời, bé có thể bị nhiễm độc thần kinh, rất nguy hiểm.
Không cần kiêng cữ nếu ăn uống đủ chất
Phụ nữ sau đẻ nên ăn uống đủ chất. Chỉ cần kiêng các chất kích thích vì có ảnh hưởng đến mùi vị của sữa như: Tỏi, hạt tiêu, rượu… Một số thực phẩm đặc biệt như mướp đắng nên ăn ít hoặc không ăn vì khi ăn vào, sữa tiết ra có mùi, có thể trẻ sẽ bỏ bú.
Cũng theo BS Mai, nhiệt độ trong phòng của 2 mẹ con lý tưởng là từ 26-28 độ C. Nếu trời nóng hoặc lạnh quá, có thể bật điều hòa để đưa về nhiệt độ trên. Nếu không có điều hòa, gia đình có thể bật quạt, miễn sao có gió, có không khí để phòng thoáng mát. Thực tế, ở khoa sơ sinh các bệnh viện, kể cả những cháu bé thiếu tháng vẫn được dùng điều hòa.
Thậm chí, khi trời nóng bức, bác sĩ còn phải đặt đá tảng ở gầm giường để hơi mát bốc lên. Cần lưu ý là khả năng điều nhiệt ở trẻ sơ sinh chưa tốt, nên người lớn phải chú ý giữ môi trường nhiệt độ vừa phải cho bé. Nếu để bé nóng, bé sẽ sốt.
Nếu bé bị sốt mà không được chú ý tắm rửa, bé càng sốt cao, vã mồ hôi, mất nước và điện giải, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Việc trẻ sơ sinh viêm da cũng là do quá nóng, mồ hôi không được làm sạch, vi khuẩn xâm nhập tấn công làn da non nớt của bé. Rôm sảy cũng là hiện tượng của nóng bức, tắc nghẽn tuyến mồ hôi.
Thực tế, khi sinh nở, sản phụ thường mất một lượng máu khá lớn. Vì thế, sau sinh họ thường bị choáng, chóng mặt… Trước đây, kinh tế khó khăn, các cụ ăn uống không đủ chất nên sau đẻ hay bị đau lưng, còng lưng, da gai (thực tế đó là biểu hiện thiếu máu), một số bị ê răng, quáng gà… Nhưng ngày nay, sản phụ được ăn uống đầy đủ, được bổ sung viên sắt, được chăm sóc từ trước sinh cho đến sau đẻ, vì thế không nên kiêng kị thái quá mà ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý.
Chuyên gia tâm lý Liên Phương (Trung tâm tư vấn Linh Tâm) cho biết thêm, một trong những nhu cầu của con người là giao tiếp với thế giới xung quanh. Nếu tự cô lập mình với mọi người, không biết cuộc sống đang diễn ra thế nào, ngồi trong phòng có ánh sáng tối, hoặc cả ngày chỉ ngồi ôm con… có thể khiến bà mẹ bị trầm cảm.
Nhiều bà mẹ khi con được 6-7 tháng vẫn chưa hết trầm cảm bởi phải trải qua những ngày lo âu, không chịu chia sẻ, tự cô lập mình. Bởi vậy, hãy tự lượng sức bản thân và tham khảo ý kiến bác sĩ, nếu không có vấn đề gì đặc biệt thì bà mẹ vẫn nên đọc sách, xem tivi trong một khoảng thời gian nào đó. Khi có thắc mắc, lo lắng nên sử dụng điện thoại để trò chuyện, tâm sự với người thân…