Làm gì khi trẻ mọc răng?!
10/12/2014 (1136 lượt xem)
Khi mọc răng trẻ thường sốt, khó chịu và cảm thấy đau nhức lợi, do đó việc ăn uống và sinh hoạt của bé bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu. Điều này khiến không ít ông bố bà mẹ bối rối, vậy phải làm cách nào để cho bé cảm thấy dễ chịu hơn đây?
1. Dấu hiệu khi bé mọc răng
Trẻ từ 6 tháng tuổi đã bắt đầu mọc răng sữa. Chiếc đầu tiên là răng cửa giữa, hàm dưới. Thời kỳ mọc răng sữa của bé bắt đầu trong khoảng từ 5 tháng đến 8 tháng tuổi. Không có mốc chuẩn cụ thể nào qui định cho thời gian mọc răng sữa của trẻ, một số trẻ mọc sớm lúc 3 – 4 tháng tuổi; có trẻ mọc răng lúc 6 – 7 tháng tuổi và một số trẻ có thể muộn hơn. Mẹ có thể nhận biết những dấu hiệu mọc răng sau của bé nhé!
Chảy dãi: Quá trình mọc răng sẽ kích thích nước dãi trong khoang miệng chảy ra nhiều hơn. Tuy nhiên, chảy dãi là hiện tượng phổ biến với các bé 10 tuần đến khoảng 4 tháng tuổi. Cho nên, bạn có thể nhầm lẫn dấu hiệu chảy dãi bình thường, không phải do sắp mọc răng.
Cằm và quanh miệng nổi ban: Do nước dãi chảy nhiều ra khỏi khoangmiệng nên nó có thể khiến bé bị nổi ban ở vùng da khô như cằm hoặc quanh miệng (thậm chí là dưới cổ) - đây là những vùng da tiếp xúc với nước bọt.
Thích cắn: Áp lực khi một mầm răng chuẩn bị chồi lên khỏi lợi khiến bé vô cùng bứt rứt. Khi đó, bé sẽ tìm cách giảm thiểu sự khó chịu thông qua việc cắn. Một ngón tay sạch, mảnh khăn sạch được nhúng nước mát, đồ ăn mát… rất thích hợp để bé gặm.
Bị đau: Khi lợi bị sưng, bé sẽ quấy khóc vì đau. Chiếc răng đầu tiên mọc lên thường khiến bé bị đau nhất. Thời gian mọc những chiếc răng sau sẽ dễ chịu hơn do bé đã làm quen với cảm giác bị đau khi mọc răng.
Dễ cáu kỉnh: Cơn đau răng và đau lợi là nguyên nhân làm bé mệt mỏi, quấy khóc. Một số bé quấy trong vài giờ đồng hồ nhưng cũng có bé quấy vài ngày, thậm chí vài tuần.
Từ chối bú: Cơn đau trong miệng làm bé phải đề phòng với những thứ được mẹ đưa vào miệng, cho dù đó là “ti mẹ” hay bình sữa .
Bị tiêu chảy: Dấu hiệu này chưa được các chuyên gia khẳng định là đúng nhưng nhiều người mẹ nhận thấy, trong giai đoạn mọc răng, bé đi tiêu nhiều hơn bình thường. Mọc răng không phải yếu tố khiến bé mắc tiêu chảy; do đó, nếu bé bị tiêu chảy nặng, cha mẹ nên nhanh chóng đưa bé đi khám.
Bị sốt: Tương tự dấu hiệu tiêu chảy, mọc răng không phải nguyên nhân gây sốt cao ở bé. Các chuyên gia lý giải, thời điểm xuất hiện chiếc răng đầu tiên cũng là thời điểm hệ miễn dịch ở bé thay đổi (bước vào tuổi ăn dặm hoặc chuyển từ bú mẹ hoàn toàn sang bú bình và ăn dặm). Do đó, những tác nhân gây sốt bên ngoài dễ xâm nhập vào cơ thể bé. Ngoài ra, dấu hiệu lợi bị tấy đỏ cũng có thể khiến bé bị sốt nhẹ. Nếu bé sốt cao, kéo dài, cha mẹ nên đưa bé đi khám.
2. Nên làm gì nếu trẻ lười ăn khi mọc răng
Các bậc cha mẹ cần chú ý đến việc giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ, lúc trẻ lười ăn khi mọc răng thì điều này lại càng cần được chú ý đặc biệt để ngăn những vi khuẩn “tấn công” trẻ qua miệng. Cách vệ sinh răng miệng cho trẻ như sau:
- Lau sạch nước dãi quanh miệng trẻ bằng khăn mềm. Cách vệ sinh này sẽ tránh được những nốt ban nhỏ quanh miệng làm trẻ khó chịu.
- Theo dõi những thay đổi trong khoang miệng của trẻ. Việc thường xuyên vệ sinh, làm sạch lợi bằng khăn mềm và nước sạch sẽ giúp trẻ tránh những vấn đề về răng miệng sau này.
- Nếu trẻ dùng núm vú cao su, bạn cần đảm bảo việc vô trùng và vệ sinh sạch sẽ nhất là trong giai đoạn đặc biệt nhạy cảm này.
- Hãy lựa chọn cho trẻ loại đồ chơi bằng chất liệu mềm, có hình tròn. Những đồ chơi vuông thành sắc cạnh rất nguy hiểm vì dễ làm tổn thương lợi và ảnh hưởng không tốt đến quá trình mọc răng của trẻ. Tốt nhất bạn hãy thay thế đồ chơi hàng ngày của bé bằng những miếng lê, táo hay cà rốt nhỏ
- Cho trẻ ăn các thức ăn mềm. Thức ăn quá nóng hay quá lạnh đều không có lợi cho sự phát triển của răng trẻ. Ngoài ra cũng cần bổ sung thêm cho trẻ hàm lượng canxi trong thành phần các bữa ăn hàng ngày.
Lúc này, bé bắt đầu lười ăn và trở nên khá cáu gắt, để giải quyết vấn đề này, bố mẹ hãy thử thay đổi chế độ ăn của trẻ trong những ngày trẻ mọc răng xem sao. Chúng ta có thể thay những món ăn hàng ngày bằng sữa bột hoặc cháo loãng. Những thức ăn mềm, được nấu nhuyễn sẽ hạn chế việc sử dụng răng của trẻ, tránh những tổn thương và đau đớn khi nhai và tránh việc bé bị nôn trớ. Bên cạnh đó những món ăn mềm lại lạ miệng có thể sẽ giúp trẻ cảm thấy ngon miệng hơn rất nhiều.
Bất cứ trẻ nhỏ nào cũng phải trải qua giai đoạn mọc răng nên việc nắm vững những kiến thức này sẽ giúp bậc cha mẹ không còn phải lo lắng cũng như giúp trẻ không còn biếng ăn, không còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ!