Ly kỳ chuyện em bé được sinh ra 2 lần - khó tin nhưng có thật!
21/10/2016 (842 lượt xem)
Ở tuần 23 thai kỳ, LynLee Hope đã trải qua ca phẫu thuật kinh hoàng bên ngoài tử cung, sau đó bé lại được trả lại trong bụng mẹ để tiếp tục lớn lên chờ đủ ngày tháng chào đời.
Thai kỳ đầy thử thách
Vào tuần thai thứ 16, bà mẹ người Mỹ Margaret Boemer có cuộc hen gặp khám thai và siêu âm định kỳ với bác sĩ sản khoa khi cô mang bầu đứa con thứ 3. Cuộc gặp gỡ với con yêu ngay sau đó đã khiến cô “tái mặt” khi các bác sĩ cho biết họ nhìn thấy cái gì đó bất thường ở thai nhi.
“Thông qua máy quét siêu âm thai, các bác sĩ nói với chúng tôi rằng đã có điều gì đó bất thường xảy ra với em bé và đó là một khối u quái ác có tên sacrococcygeal teratoma – một loại khối u rất hiếm gặp – hình thành từ trước khi em bé ra đời.”, bà mẹ ở Texas chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với bệnh viện nhi Texas. Cô cũng cho biết cô và gia đình vô cùng sốc và sợ hãi vì lo lắng sẽ không thể giữ được con.
Vào tuần 16 thai kỳ, thai nhi được phát hiện có mang trong người một khối u hiếm gặp.
Sacrococcygeal teratoma là một khối u hiếm gặp xuất hiện trước khi em bé chào đời và phát triển từ xương cụt của em bé. “Mặc dù đây là khối u phổ biến ở trẻ sơ sinh nhưng nó thuộc trường hợp hiếm gặp khi chỉ 35.000-40.000 ca sinh mới có một. Và loại khối u này thường phổ biến ở bé gái nhiều hơn bé trai.”, tiến sĩ Darrell Cass, giám đốc trung tâm thai nhi ở Texas cho biết.
Trước khi nhận được hung tin này, bà mẹ Margaret Boemer đã từng phải đối mặt với nỗi đau ở đầu thai kỳ khi mất đi một đứa con. Cô đã mang thai đôi nhưng một em bé đã không thể tiếp tục cuộc sống và tự đào thải trước quý 2 thai kỳ. Đến tuần thứ 16, cô lại phải đối mặt với dị tật bẩm sinh hiếm gặp ở thai nhi.
Theo tiến sĩ Cass, trong một số trường hợp, thai nhi vẫn có thể tiếp tục cuộc sống cùng với khối u cho đến khi chào đời và sẽ được phẫu thuật loại bỏ khối u sau đó. Tuy nhiên tình huống xấu có thể xảy ra khi khối u phát triển ngày càng lớn và sẽ hút dinh dưỡng cũng như máu của thai nhi, gây ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa thai nhi và khối u và nếu thai nhi không thể chiến thắng thì sẽ phải nhường sự sống cho khối u kia.
Bà mẹ này đã chọn cách phẫu thuật thai nhi, sau đó lại đưa bé vào bụng mẹ.
Các bác sĩ cũng đưa ra những giải pháp cho chị Margaret Boemer, có thể là chấm dứt thai kỳ để loại bỏ tất cả các nguy cơ, ngay cả việc ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ, hoặc là sẽ tiếp tục để thai nhi trong bụng chiến đấu cùng với khối u và phương án cuối cùng là đưa thai nhi ra khỏi cơ thể mẹ để làm phẫu thuật loại bỏ khối u sau đó lại đặt vào tử cung chờ đủ ngày tháng chào đời.
Dù phương án thứ 3 có vẻ khả quan nhưng cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ thai nhi không thể tiếp tục cuộc sống khi được đặt vào bụng mẹ. Nhưng đến tuần 23 thai kỳ, việc khối u phát triển quá nhanh đã ảnh hưởng đến nhịp tim thai nhi và không còn cách nào khác, cặp đôi đã quyết định sẽ phẫu thuật cho em bé. “Chúng tôi chọn cách này vì đây là hy vọng cuối cùng giữ được sự sống cho em bé.”, bà mẹ 3 con nói.
Hình ảnh trong ca phẫu thuật loại bỏ khối u khi thai nhi 23 tuần.
Phép lạ
Khi thai nhi được 23 tuần 5 ngày, ca phẫu thuật khẩn cấp đã diễn ra và ở thời điểm đó, khối u đã lớn bằng, thậm chí còn nhỉnh hơn so với thai nhi. Tiến sĩ Cass và tiến sĩ Oluyinka Olutoye cùng ekip đã làm việc trong suốt 5 giờ liền cho ca phẫu thuật khó khăn này.
“Phẫu thuật mở ổ bụng khá nhanh nhưng khó khăn nhất là mở tử cung khi vẫn phải giữ lượng nước ối trong tử cung và phải đưa được em bé ra ngoài để phẫu thuật, lại còn chú ý đến sức khỏe người mẹ. Vì khối u quá lớn nên chúng tôi không thể phẫu thuật ngay trong tử cung.”, tiến sĩ Cass nói.
Trong khi ca phẫu thuật diễn ra, sự sống của bé LynLee như ngàn cân treo sợi tóc nhưng nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các bác sĩ tim mạch nên đã giữ được sự sống cho bé và các bác sĩ phẫu thuật có thể tiếp tục công việc của mình.
Sau khi loại bỏ phần lớn các khối u, các bác sĩ lại đặt LynLee vào lại tử cung mẹ và tiếp tục quá trình đóng tử cung, ổ bụng. “Thật là một phép lạ khi bác sĩ có thể mở và đóng tử cung lại như bình thường.”, chị Margaret Boemer nói.
Suốt thời gian còn lại của thai kỳ, chị Margaret Boemer phài nằm trên giường để dưỡng thai. Dù khá đau đớn sau ca phẫu thuật nhưng may mắn chị có thể giữ thêm bé LynLee ở trong bụng đến 36 tuần và sau đó em bé đã chào đời bằng phương pháp sinh mổ với cân nặng 2,5kg.
Ở tuần 36, thai nhi chính thức chào đời.
Bà mẹ hạnh phúc bên đứa con thứ 3.
Ngay sau sinh, em bé đã được các bác sĩ đưa đi kiểm tra sức khỏe tổng thế và được chăm sóc tích cực tại phòng đặc biệt. Vì ca phẫu thuật trước chưa thể loại bỏ được hoàn toàn khối u nên sau sinh 8 ngày, bé LynLee lại được đưa vào phòng phẫu thuật. Dù vậy em bé đã phục hồi khá nhanh và được về bên bố mẹ.
Hình ảnh gia đình của mẹ Margaret Boemer.
Hiện tại bé LynLee phát triển như những em bé bình thường.
Hiện tại, LynLee đã phát triển khỏe mạnh như những em bé bình thường nhưng với bố mẹ và các y bác sĩ, sự sống của cô bé đúng là một phép màu, đó là “trái ngọt” mà chị Margaret Boemer đã nhận được sau bao tháng ngày đau đớn.
Theo Khám phá