'Mẹ ơi, con không phải thần đồng'
04/10/2012 (467 lượt xem)
Mỗi lần đi họp phụ huynh là chị Lan ở Thanh Xuân, Hà Nội lại thấy xấu hổ khi tên cậu con trai được xướng lên vì lại... đội sổ. Nào là mắng mỏ, kiểm điểm, ép học, nào là thuê gia sư riêng, nhờ cô giáo kèm mà thằng bé cũng chẳng tiến bộ là mấy.
Nếu bạn rơi vào trường hợp như của chị Lan, thì trước tiên, đừng vội trách mắng con trẻ lười biếng, dốt nát mà hãy tìm hiểu hết nguyên nhân vì sao con không thể tiến bộ bằng chúng bạn. Có thể những điều dưới đây sẽ có ích cho bạn:
Trí tuệ kém: Một số trẻ không may có nhịp độ phát triển chậm hơn bạn bè cùng lứa, từ biết đi, biết nói, cho đến biết đọc, viết. Cha mẹ không nên bực bội, thất vọng mà cần quan tâm, kèm cặp con nhiều hơn.
Hãy giúp con học bằng những hình ảnh trực quan, cụ thể và cả sự kiên trì của mình. Cũng đừng đòi hỏi trẻ phấn đấu quá sức để sau này đỗ đạt. Nếu con bạn không thể vào đại học thì không có nghĩa là nó sẽ thất nghiệp, nghèo suốt đời.
Sức khỏe không tốt: Trẻ có thể học đuối chỉ vì mắt kém (không nhìn rõ bảng), tai yếu (không nghe rõ lời giảng). Bạn cần nắm được các cố tật của con mình để giúp trẻ. Muốn con học tốt, còn phải chú ý cho trẻ ngủ đủ 8-10 tiếng mỗi ngày, ăn uống điều độ, đủ dinh dưỡng, được vui chơi, hoạt động thể thao ngoài trời không chỉ để thư giãn, mà còn giúp trẻ có đủ dưỡng khí.
Tâm lý bất thường: Do rối loạn nội tiết, có những trẻ sinh khí kém, nhu nhược, không thể nhanh nhẹn như bình thường. Để tránh tâm lý bất lực ở những trẻ này, cha mẹ không nên đặt ra những chuẩn mực quá cao hoặc thôi thúc trẻ nhiều.
Hãy để con làm việc theo nhịp độ riêng, xây dựng cho con tinh thần nhất quán, cố gắng đạt đến kết quả, không kể thời gian. Nên cho trẻ làm các bài tập có thể hoàn tất trong thời gian ngắn để trẻ phấn khởi trước kết quả đạt được. Chú ý gửi con ở lớp ít học sinh để cô giáo có thể quan tâm hơn.
Trẻ hiếu động quá cũng khó học tốt vì thiếu tập trung. Trừng phạt với trẻ như vậy không ích gì. Tính hiếu động sẽ tự mất đi khi trẻ lớn dần. Vấn đề là làm sao cho trẻ quên sự gò bó chân tay khi phải tập trung học. Do đó, không nên ép trẻ học liền hàng giờ mà nên để con giải lao và tìm cách kích thích sự tò mò và sáng tạo của chúng.
Mâu thuẫn với gia đình. Khi cảm thấy cha mẹ không yêu thương mình như mong muốn, trẻ dễ thất vọng, học sút kém. Phản ứng này đồng nghĩa với thái độ "phạt" cha mẹ của con. Chẳng hạn, khi có em bé, trẻ có cảm giác mình bị "bỏ rơi" nên cố tình muốn gây sự chú để lại được yêu chiều như trước.
Đừng trách mắng mà hãy quan tâm chăm sóc con hơn để trẻ yên tâm mình không bị "ra rìa". Bạn nên khuyến khích con giúp mẹ săn sóc em bé, khi đó trẻ cảm thấy mình đã lớn, được tin tưởng.
Kiểu so sánh "ở tuổi con chị đã biết nói tiếng Anh giỏi rồi", "Anh học toán nhanh hơn con nhiều"... cũng khiến trẻ mâu thuẫn với anh chị mình và đâm ra tự ti, không muốn học. Hãy chú ý nhấn mạnh đến những thành công, dù nhỏ, của con để động viên.
Trẻ sẽ ham học khi được tin tưởng, khích lệ và sẽ nhanh nhụt chí dẫn đến học hành sút kém nếu bị cha mẹ hoặc người lớn hạ thấp.
Sự bận rộn khiến cha mẹ không quan tâm đến điểm học tập của con trẻ như trước cũng là nguyên nhân làm trẻ không có hứng học. Mối bất hòa giữa cha mẹ hay cha mẹ ly dị cũng làm trẻ cảm thấy mất an toàn và chán học.
Không hòa hợp với nhà trường: Điều này thường gặp ở trẻ được gia đình quá nuông chiều, bảo bọc. Không quen tự lập, trẻ thường rụt rè, cả thẹn, không dám cợt đùa với chúng bạn, sợ phát biểu trước lớp... Hơn nữa, khi buộc phải bình đẳng với bạn bè, không còn là "số 1" như ở gia đình, nhiều đứa đâm ra thất vọng, không muốn học nữa.