Mẹo giúp bé trai biết cách hòa đồng
28/12/2012 (445 lượt xem)
Hầu hết các bé trai từ 3 đến 4 tuổi đều gặp nhiều khó khăn trước khi có được khả năng giao tiếp tốt. Đó cũng là nguyên nhân khi bé cắt ngang các cuộc trò chuyện mà không để ý rằng người khác đang nói chuyện. Đừng vội lo lắng quá, hãy tham khảo một số cách dưới đây để bé hòa đồng và đáng yêu hơn nhé!
Đừng dựa vào những cái cớ
Con trai hay con gái đều có thể có những kỹ năng giao tiếp tốt qua sự ủng hộ và dẫn dắt thích hợp. Nếu như bạn chấp nhận những lý do bào chữa cho hành động của con mình, thì bạn sẽ chẳng bao giờ có được suy nghĩ rằng bé có thể cải thiện khả năng giao tiếp của mình.
Từng bước nhỏ đi đến thành công
Mặc dù bạn rất muốn bé trở thành người có khả năng giao tiếp tốt một cách nhanh nhất, nhưng đây không phải là chuyện mà bạn có thể đốc thúc được.
Thay vào đó, hãy chọn ra từng thời điểm nhỏ và cụ thể để giúp bé cải thiện từng chút một. Ví dụ như, giúp bé hạn chế việc cắt ngang người khác trong những cuộc trò chuyện.
Tránh xa những cái tên tiêu cực
Hãy cố gắng tránh mọi sự hấp tấp khi bị buộc phải tìm một lý do để giải thích cho việc bé gặp khó khăn trong giao tiếp bằng cách nói rằng: “Nó vô lễ thế đấy”.
Đó là một dạng gán nhãn hiệu trong tâm lý học làm kéo dài những hành động mà bạn muốn bé phải thay đổi. Và điều này chỉ làm cho mọi chuyện thêm rối rắm mà thôi. Thay vì như thế, hãy cho bé sự ủng hộ và dẫn dắt hợp lý để bé có thể khắc phục được điểm yếu trong giao tiếp của mình và trở nên hòa đồng hơn với mọi người.
Kích thích sự đồng cảm và nhận thức của bé
Hãy hỏi bé rằng nếu bé và các bạn đang chơi vui vẻ mà bị một bạn nào khác vào phá rối thì bé sẽ cảm thấy thế nào. Hẳn là bé chẳng thích thú gì với chuyện này. Có thể bé chẳng nghĩ ra được rằng những người khác cũng có cảm giác y như bé vậy.
Điều này giúp bé lưu ý đến cảm xúc của mình cũng như của người khác và dần dần bé biết cảm thông hơn với mọi người.
Phát hiện và ngăn chặn những “triệu chứng”
Có lẽ bé vẫn chưa nhận ra được rằng lời nói của bé ảnh hưởng đến người khác. Và nếu bé lỡ buông lời không hay thì người khác sẽ bị tổn thương. Cậu nhóc 4 tuổi của bạn chỉ đơn giản nghĩ là lời nói của mình rất buồn cười.
Bạn hãy là người lưu ý và nhắc nhở bé những khi bé làm tổn thương người khác bằng những lúc lỡ lời của mình. Nếu phát hiện và sửa chữa kịp thời, bạn sẽ giúp bé học được cách giao tiếp đúng mực từ sớm.
Phê bình cách tích cực
Tránh làm tổn thương đến lòng tự trọng của bé bằng cách dùng từ ngữ tích cực để nhắc nhở bé.
Thay vì nói bé quá vô lễ khi ngắt ngang lời người khác, hãy bảo rằng: “Con làm mẹ hơi ngạc nhiên đấy, mọi khi con vẫn rất ý tứ mà. Lần sau lưu ý một chút con nhé”.
Dạy bé cách chia sẻ
Đấy là một trong những kỹ năng cơ bản giúp bé cải thiện khả năng giao tiếp của mình. Tuy nhiên, bé sẽ không dễ dàng chia sẻ đồ vật yêu thích mà không trao đổi được gì. Bạn có thể giúp bé phát triển kỹ năng này tại nhà.
Tập cho bé chia sẻ một ít trái cây tráng miệng với bạn hoặc cùng đọc cuốn truyện mà bé yêu thích. Dần dần bé sẽ làm quen với việc chia sẻ cùng người khác và sẽ trở nên hòa đồng hơn.
Khen thưởng những thành công nhỏ của bé
Đừng chỉ chăm chú vào những hành động cần cải thiện của bé, bạn cũng nên khen thưởng và khích lệ bé mỗi khi bé làm đúng, biết chia sẻ, hòa đồng và biết giúp đỡ người khác.
Điều này giúp bé ghi nhớ những gì bé làm đúng chứ không làm bé bị nhụt chí vì những gì bé còn chưa hoàn thiện được.
Hãy dùng tấm lòng để lắng nghe
Khi bé biết lắng nghe mà không ngắt lời bạn là dấu hiệu của sự cảm thông và quan tâm. Đó là lý do vì sao bạn cần khuyên bé lắng nghe một cách kiên nhẫn khi người khác đang nói chuyện cũng như bé nên nhìn vào họ để thể hiện sự tôn trọng tối thiểu. Và bạn cũng nên nhắc bé rằng bé chỉ nên trả lời khi người đó đã dứt lời.
Người chồng thông thái
Cách hiệu quả nhất để giúp bé cải thiện hành vi của mình là hợp tác với chồng bạn để dẫn dắt bé. Hãy cùng nhau lên “chiến lược” và hỗ trợ lẫn nhau.
Đừng quên rằng người chồng yêu quý của bạn cũng từng là một cậu nhóc nghịch ngợm. Biết đâu được chàng sẽ có nhiều mẹo vặt để trị cậu quý tử của bạn.
Điều quan trọng nhất vẫn là bé cần có sự dẫn dắt và những thay đổi chậm rãi. Tính cách và hành động cũng như thói quen của bé không thể thay đổi qua đêm được. Bạn cần phải kiên nhẫn và có cách thức cụ thể để dạy cho bé hiểu.
Với những cách trên và tình thương của bạn, chắc hẳn rằng bé sẽ trở nên rất ngoan, dễ mến và hoà đồng trong tương lai không xa.
Mặc dù bạn rất muốn bé trở thành người có khả năng giao tiếp tốt một cách nhanh nhất, nhưng đây không phải là chuyện mà bạn có thể vội vàng được. Hãy chọn từng điểm nhỏ và cụ thể để giúp bé cải thiện từng chút một…