Mớm thức ăn cho trẻ: có lợi hay có hại?
08/08/2012 (420 lượt xem)
Việc mớm thức ăn cho trẻ không còn là hình ảnh quá xa lạ đối với người phương Đông, nhưng với những người phương Tây thì hành động này dễ bị cho là mất vệ sinh. Tuy vậy, theo một nghiên cứu mới được công bố thì việc mớm thức ăn cho trẻ là một phương pháp cho ăn lành mạnh.
Theo Live Science, việc người lớn, đặc biệt là người mẹ, nhai thức ăn trước khi đút cho trẻ sơ sinh sẽ giúp trẻ sơ sinh nhận được nước bọt của bà mẹ, làm tăng hệ thống miễn dịch của trẻ. Điều này chúng không thể nhận được từ nguồn thức ăn đã nghiền thành bột, được mua sẵn ở các cửa hàng. Những lợi ích của việc mớm thức ăn gần đây mới được nghiên cứu, nhưng chúng đã sớm được phát hiện cùng với những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Mớm thức ăn giúp củng cố hệ thống miễn dịch cho trẻ.
Trẻ em bắt đầu có nhu cầu với thực phẩm không sữa trong khẩu phần ăn của chúng khi 6 tháng tuổi, nhưng chúng lại chưa phát triển răng hàm để nhai thức ăn cho tới khi đủ 18-24 tháng tuổi. Theo nghiên cứu do Gretel Pelto, một nhà nhân học tại Đại học Cornell, làm trưởng nhóm, mớm thức ăn vẫn được sử dụng trong nhiều nền văn hóa hiện nay.
Thay vì cho đó là cách làm thiếu vệ sinh, Pelto và nhiều nhà khoa học khác cho rằng phương pháp này giúp xây dựng hệ thống miễn dịch mà đã được bắt đầu với quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Khi nhận thức ăn được mớm từ người mẹ, trẻ sơ sinh sẽ nhận cả những mầm bệnh có thể có trong nước bọt của mẹ, và cơ thể trẻ bắt đầu sản xuất kháng thể, hệ thống miễn dịch của chúng cũng sẽ có quá trình “tập dượt” để đối phó với những tác nhân gây bệnh tương tự mà chúng sẽ gặp sau này. Điều này cũng sẽ ngăn ngừa bệnh hen suyễn, căn bệnh rất phổ biến trong xã hội công nghiệp.
Phần lớn những người phản đối việc mớm thức ăn cho trẻ vì cho rằng trẻ có thể lây bệnh qua đường nước bọt. Ví dụ như, phụ nữ nhiễm HIV được khuyên không nên mớm thức ăn cho trẻ.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, các bệnh truyền nhiễm qua việc mớm thức ăn cho trẻ thực sự không nhiều như người ta vẫn thường mặc định, do các kháng thể tự nhiên trong nước bọt sẽ làm giảm đáng kể việc lây nhiễm này.
Nghiên cứu của Samuel Baron, thuộc Khoa Miễn dịch học của Đại học Y tại Texas, đã chứng minh rằng nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường nước bọt thực sự rất thấp, thấp hơn rất nhiều so với nguy cơ lây truyền qua đường sữa mẹ.