Món ăn bổ khí
08/10/2012 (648 lượt xem)
Y học cổ truyền cho rằng khí có tác dụng rất lớn đối với hoạt động của con người. Sự sống của con người là sự tụ hội của khí. Khí tụ thì sống, khí tán thì chết (tán tắc vi tử). Chân khí duy trì sự sống. Khí có mặt khắp nơi để thúc đẩy mọi hoạt động của cơ thể. Trong cuộc sống, những tác động tâm lý (thất tình), những yếu tố thiên nhiên (lục dâm) và bản thân hoạt động sống của mỗi người đều có thể làm khí bị rối loạn và sinh bệnh.
Con người nhận được khí từ thức ăn. Thức ăn vào vị, tiêu hoá xong các chất tinh vi truyền lên phế. Tất cả 5 tạng 6 phủ đều nhận được khí này. Phần thanh của nó là dinh, phần trọc của nó là vệ, dinh tuần hoàn ở trong mạch để nuôi dưỡng cơ thể, vệ tuần hoàn ở ngoài mạch để bảo vệ cơ thể.
Hai phần âm dương tác động lẫn nhau, đưa đến kết quả là dương sinh ra khí, âm chuyển thành hình. Khi hình thành thai nhi đồng thời xuất hiện nguyên khí (đều do cha mẹ truyền cho con). Nguyên khí do dương hoá ra là động lực của sự sống, thúc đẩy quá trình phát triển và duy trì hoạt động các tạng phủ của con người. Các tạng phủ mà tốt thì thần khí sẽ vượng.
Cơ thể người ta khi khí bị hư suy nghĩa là chân khí không đủ, có biểu hiện làm việc nặng sẽ thở dốc, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, ngại nói, sắc mặt trắng bệch, ăn uống kém, rêu lưỡi trắng, xung quanh lưỡi có dấu răng, mạch hư nhược vô lực. Có thể dùng những phương pháp ăn uống như dưới đây để bổ chân khí:
- Dừa 1 trái, bỏ vỏ, chỉ lấy ruột trắng, cắt nhỏ ăn ngày vài miếng. Vị ngọt, tính bình, có tác dụng ích khí trừ phong. Ăn nhiều không đói, làm tốt da mặt. Cùi dừa chứa hàm lượng dầu 60-65%; giàu axit béo và axit no, chút ít oleic axit. Cùi dừa còn chứa chất đạm, đường, rất tốt cho làn da. Nhưng cần chú ý, đối với người già, bệnh nhân mỡ máu cao, người dư cân không nên ăn.
- Hoàng kỳ 50g, gạo tẻ 100g, đường 1 ít, bột trần bì 1g. Hoàng kỳ sắc lấy nước, thêm gạo và đường một lượng bằng nhau nấu chung, khi sắp chín thêm bột trần bì quậy đều, nấu cho sôi lại là được. Chia ăn hai lần trong ngày, bổ ích nguyên khí, kiện tỳ dưỡng vị, lợi thấp tiêu sưng.
- Khiếm thực, hoài sơn, phục linh, hạt sen, ý dĩ, đậu ván, đảng sâm, bạch truật mỗi thứ 6g, gạo 100g, đường vừa đủ. Sắc chung 8 vị thuốc đầu khoảng 40 phút, vớt bỏ xác đảng sâm, bạch truật cho thêm gạo, nấu cháo thật nhừ, khi ăn cho thêm đường. Có tác dụng kiện tỳ ích khí, ôn dương lợi thủy.
- Sữa đậu nành 200g, gạo tẻ 60g, đường trắng vừa đủ. Sữa đậu nành thêm nước nấu cháo với gạo hoặc gạo tẻ nấu cháo, sắp chín thêm sữa đậu nành, nấu cho chín hẳn, thêm đường. Ăn ngày 2 lần. Có tác dụng bổ khí.
- Đại mạch 100g, thảo quả 6g, thịt dê 50g. Thịt rửa sạch thái nhỏ. Đại mạch nấu cháo, sắp chín cho thịt, thảo quả, rượu trắng, muối gia vị, quấy đều, vặn nhỏ lửa nấu cho tới chín. Chia ăn 2 lần trong ngày.
- Hoài sơn, bạch truật mỗi thứ 30g, nhân sâm 3g, bột mì 500g. Hoài sơn, bạch truật, nhân sâm tán bột, thêm bột mì, nước trộn đều, cán mỏng nấu ăn. Có tác dụng bổ khí kiện tỳ. Trị tỳ vị yếu, biếng ăn, mệt mỏi, đi tiêu phân lỏng.