MỪNG CHÁU ĐẦY THÁNG
26/09/2011 (598 lượt xem)
Ngày xưa, các cụ đã dạy ta nhiều điều trước khi ta lập gia đình và sanh con đẻ cái, có lẽ là để ngừa trước những điều bất hạnh có thể xảy ra cho ta trong tương lai. Và nếu ba nhớ không lầm, thì trong ngày đầy tháng đứa con đầu lòng của ta, cũng chính là chị cả của các con đó, từ miệng ông cụ đã nghiêm khắc dặn dò, nhắc nhở ba bằng một câu danh ngôn mà ông cụ nhớ đời, lúc nào ông cũng nghĩ suy và cố gắng thật hành nó ngay trong cuộc sống này để tự tạo dựng cho mình một nhân cách tốt, để xây dựng một gia đình hạnh phúc, và nhứt là để làm gương mà dạy dỗ cho những thế hệ tương lai của gia tộc.
Các con thương mến.
Thấm thoát ngày nào mới sanh các con đó, thế mà nay các con, đứa nào cũng đều có gia đình, đứa nào cũng đều đã có con cái, ba má đã được làm ông bà nội, ông bà ngoại rồi. Mau thật !
Nhân ngày vợ chồng thằng Tư-Hùng mừng đầy tháng đứa con trai đầu lòng, cũng là ngày vui của cả gia đình mình, ba đây không thể không có một món quà dành cho vợ chồng nó và đứa cháu nội mới sanh. Lại nữa, như ba đã nói, đây là ngày vui của cả gia đình mình, nên ba có ý đem món quà này tặng chung cho tất cả các đứa con yêu quí của mình, vì nó có cùng một công năng, tác dụng và lợi ích đối với những người vừa được làm cha làm mẹ như các con.
Đương nhiên là các con đã biết trước món quà mà ba dành tặng cho các con, chắc hẵn không phải là ngọc ngà châu báu, không phải vàng bạc lụa là, cũng không phải nhà cữa, đất đai, xe cộ, không một món gì được gọi là có "giá-trị" thực dụng cả, vì những món đó ba đây không có. Quà tặng mà ba dành cho các con nơi đây là tình phụ tử thiêng liêng ẩn chứa trong những lời khuyên nhủ, dạy bảo tha thiết, chân tình, phát xuất tự trái tim của người cha, người ông hết lòng thương yêu và lo lắng cho tương lai những đứa con, bầy cháu của mình.
Các con thương mến.
Chạnh nghĩ lại đoạn đường mà ba má đã đi qua, gần suốt bốn mươi năm sanh con, nuôi dưỡng và dạy dỗ, giờ đây ba má cảm thấy đã phần nào an tâm, nếu không muốn nói là nhẹ nhõm cả người, vì bổn phận làm con của ba má đối với ông bà nội, cũng như trách nhiệm làm cha mẹ đối với đàn con của mình, ba má đã hoàn thành, khi cả bốn đứa các con đều nên lông nên cánh, có thể tự lo liệu được cho cuộc đời mình. Những bậc làm cha làm mẹ như ba má đây, nếu biết tự nhìn xuống mà suy, thì cũng đã có thể hài lòng với những đứa con được tạm gọi là nên người của mình.
Niềm ưu tư của ông nội các con lo lắng và kỳ vọng vào những đứa cháu của mình lúc người còn sanh tiền, luôn luôn là hình ảnh sinh động, in dấu ngày càng đậm trong tâm khảm của ba, làm cho ba lúc nào cũng khắc khoải âu lo, sợ sệt, không biết là mình có đủ sức làm tròn được ước vọng duy nhất ấy của người cha già thân yêu, là mình có nuôi nấng và dạy dỗ được các con nên người tử tế hay không. Nhờ lúc nào cũng nghĩ tới ước vọng tha thiết của ông nội các con, và có lẽ cũng nhờ sự phù hộ của các cụ nữa, mà ba má đã nuôi nấng và dạy dỗ được các con nên người. Chắc hẵn giờ này, nếu cụ có linh thiêng, cảm ứng được mọi việc của trần thế, thì niềm ưu tư lo lắng ấy của cụ có lẽ cũng đã vơi đi ít nhiều, và cụ có thể tạm bằng lòng với những gì mà các con và các cháu nội của mình đã làm đuợc, cũng như an tâm mà mỉm cười nơi cảnh giới bên kia, vô ưu, diệu lạc. Và chính bản thân ba má đây, kể từ giờ này có thể ra đi bất cứ lúc nào cũng được, vì ước nguyện của ông nội các con mà cũng là bổn phận và trách nhiệm nặng nề của ba má là làm sao phải nuôi dạy những đứa cháu thân thương của cụ nên người, thì ba má cũng đã làm tròn, không phụ niềm tin yêu và lòng mong mỏi tha thiết của đấng sinh thành đã đặt nặng trên đôi vai ba má suốt mấy chục năm qua.
Vui lòng Click vào đây: Quà tặng cho bé để xem thêm và Quà đầy tháng
Phải rồi các con ơi ! Ba nghĩ, nếu không nhờ âm đức của Tổ-tiên để lại cũng như được ông bà nhiều đời đoái tưởng, phù hộ thì ba má đây khó lòng có thể nuôi nấng và dạy dỗ cả bốn đứa các con sống trọn vẹn cho đến trưởng thành như ngày hôm nay. Giờ này, mỗi đứa các con đều đã lưng dài vai rộng, biết tự lo liệu được cho mình và tiểu gia đình thân yêu của mình bằng một nghề nghiệp tinh thông và lương thiện làm kế sống, tuy không sung túc dư giả nhưng cũng không thiếu thốn gì cho lắm, khiến ba má quá hài lòng rồi. Ba tự nghĩ mình có thể an tâm giã từ cõi tạm này trong thanh thản nhẹ nhàng mà không còn phải bận bịu, áy náy, hay âu lo cho các con nữa.
Tuy ba nói như thế, nhưng số mệnh của mỗi con người, cũng là nghiệp thức trả vay trong nhơn quả, chưa hẵn đã an bài như ý mình mong ước. Vì hễ ngày nào còn làm người trong cõi này mà chưa sạch nợ trăm phần, khiến có thể tự sáng suốt và an nhiên thõng tay bước vào thật tại tuyệt đối trước mắt, tức vào chốn không cõi đi về, thì nợ thế gian vẫn còn phải trả. Chỗ phải trả ấy chính là trách nhiệm và bổn phận làm người đúng nghĩa của nó, nghĩa là sáng suốt để biết sống hợp với đạo trời, chan hòa yêu thương và bình đẳng đối với tất thảy tương tác hữu tình trong cái "cõi tạm" mà mình đang nương mượn làm bàn đạp để mai kia lần về chốn cũ vô biên, tức cõi không chỗ đi về, chơn thường tịch tịnh.
Tuy các con không làm quan làm tướng gì, nhưng ba cũng rất tự hào và an tâm. về những đứa con dân dã bình thường của mình, bỡi cái vốn quí cơ bản của đạo làm người mà theo ngày tháng, các con đã âm ỉ tích góp được từ sự giáo dục tinh tế của ông nội các con, khiến ba vô cùng vui sướng. Nếu các con lại cũng biết phát huy cái vốn sở hữu đạo đức cơ bản đó để làm tấm gương tốt hầu dạy dỗ lại con cái của mình, thì đối với ba đây cũng như với ông bà mình đã khuất, thì có niềm mong ước nào, hạnh phúc nào có thể sánh bằng !
Cho nên, cũng giống như ông nội các con đối với các con khi người còn sống, lúc nào cụ cũng mong mỏi sao cho đàn cháu thân yêu của mình nên người, có ích cho tự thân, gia đình và nhân quần xã hội, không làm điều gì tổn hại đến thanh danh của giòng họ, thì giờ đây, ba cũng không khỏi giật mình âu lo cho gánh nặng đặt lên vai của các con trong việc dạy dỗ những đứa cháu nội, cháu ngoại của ba mà các con đã sinh ra.
Đành rằng việc con cháu có nên người hay không cũng còn tuỳ ở phước phần và cộng nghiệp của mỗi nhà, cũng như của từng biệt nghiệp dữ lành, tốt xấu nơi mỗi cá thể chúng sanh. Tuy nhiên, các con hãy bình tâm mà nghĩ xem, phước phần là gì nếu đó không phải là sự lo lắng chu toàn của ông bà nội đã dành cho các con, từ việc chăm chút miệt mài dạy dỗ đạo lý làm người cho các con từng ly từng tí một, cho đến việc để lại âm đức cho con cháu khi hạt gạo cắn làm ba đem ra chia sớt cho người cùng khổ, khó khăn mà các Người đã làm trong suốt cuộc đời của mình ? Những người thân thuộc, quen biết với gia đình mình, không ai có thể phủ nhận những việc làm nhân từ, đạo đức của ông bà nội các con.
Cho nên, như ba đã nói, cứ nhìn xuống mà suy, thì những gì mà các con có được ngày hôm nay, tuy chỉ làm người dân dã bình thường như muôn vạn người bình thường khác trên đời này, nhưng dưới mắt ba, ba biết như thật rằng, đó là âm đức, là mảnh đất mầu mỡ mà ông bà các con đã vun xới nhiều đời để dành sẵn cho những hạt giống lành, là thiện nghiệp mà các con đã từng gieo, để đến hôm nay gặp duyên thì nẩy mầm, tăng trưởng, kết trái, đơm bông.
Cho nên, các con hãy luôn nhớ lấy những điều này mà tự răn mình : Phải hết lòng nghĩ đến công đức Tổ-tiên, Ông-Bà, cha mẹ. Phải biết rằng ngày nay ta có đủ cơm ăn áo mặc, được no ấm bằng người, được học hành thông tuệ, ấy là nhờ âm đức của ông bà gầy dựng nhiều đời, mà chớ nên cậy rằng đó là do tài năng mình có được. Bỡi cớ sao ? Bỡi tài năng của một chúng sanh là gì, nếu đó chẳng phải là những nhân tốt mà ông bà Tổ tiên và tự thân mình nhiều đời gieo trồng, tích góp trong quá khứ, để đến hôm nay chúng ta gặt hái được quả lành, thì nên gọi đó là gì ? Cho nên, các con phải biết bắt chước những gương sáng của lòng nhân từ, sự hiếu học và tính khiêm cung của tiền nhân, phải biết nghĩ suy và hành xử hợp đạo lý trong mọi việc lớn nhỏ để mà làm gương, để mà dạy dỗ lại cho đám hậu sinh, để chúng được nên người, khiến khỏi phụ lòng trông cậy và mong mỏi của Tổ-tiên.
Hết lo cho đàn con rồi lại lo cho bầy cháu. Làm kiếp nhơn sanh là như thế đấy, suốt đời bận bịu, âu lo. Nhiều lúc ba cũng ưu tư, lo lắng không biết những đứa cháu của mình trong tương lai sẽ được các con dạy dỗ ra sao đây để chúng thành người đúng nghĩa, để không phụ lòng trông cậy của ông cha ta? Ba âu lo thật sự đấy, các con à !
Các con thương mến !
Đoạn đường mà ba đã trải qua cho đến hôm nay, từ ngày ba má thành thân, sanh con đẻ cái, từ lúc các anh chị em các con ra đời, từ lúc tất cả các con còn bú mớm, còn ẵm bồng trên tay cho đến lúc các con có chút ít trí khôn phải lo dạy dỗ, cho học hành, ba má đã trải qua những tháng năm dưới một mái ấm gia đình thật hạnh phúc, nhưng bên cạnh đó cũng lắm nỗi vất vả, gian nan, âu lo, phiền muộn. Hạnh phúc vì có được những đứa con xinh xắn, đáng yêu do chính mình sinh ra, cũng là niềm ao ước, trông chờ của ông bà nội các con, đã thành hiện thực. Gian nan vì tháng ngày nắng mưa bương chải mưu sanh, để có đủ cơm áo gạo tiền nuôi các con lớn khôn và cho ăn học. Phiền muộn khi các con ốm đau bệnh hoạn, và nỗi ưu tư, lo lắng nhất luôn đè nặng trong tâm ba là việc làm sao dạy dỗ các con nên người. Việc dạy dỗ con cái đã làm cho ba má phải hao tâm tổn trí, cũng như gặp dẫy đầy khó khăn, trăm đường cực nhọc từ khi các con vừa có chút trí khôn cho mãi đến tận bây giờ. Đến bây giờ rồi, các con đều đã có gia đình, mà đôi lúc ba cũng chưa thật sự an lòng, có khi cũng còn răn đe nặng nhẹ; thiệt là dạy con chẳng phải dễ dàng chút nào.
An tâm về các con mình rồi, nhưng lòng ba lại chạnh nghĩ đến những người bạn thân quen và chưa quen biết, những gia đình cũng có những đứa con như ba, nhưng số phần họ lại hẩm hiu, đau khổ hơn mình. Bỡi, thông thường mà nói thì sự hy sinh to lớn mà những bậc làm cha làm mẹ đã dành cho các con yêu quí của mình là không sao tả xiết, nên phận làm con phải canh cánh chữ hiếu bên lòng. Ấy thế mà trên đời này cũng vẫn có những đứa con ngỗ nghịch, bất đạo, suốt đời làm khổ cha khổ mẹ, cho tận đến khi cha mẹ phải chết tức tửi mới thôi. Thật tội nghiệp cho những đấng sinh thành phải trót sinh ra những đứa con oan nghiệt như thế? Không biết những đứa con ấy có khi nào nghĩ lại về chính thân phận làm người của mình, về sự hy sinh to lớn mà cha mẹ mình đã dành cho mình từ thuở lọt lòng cho đến hôm nay, để mà thật sự hối quá cho những việc làm lỗi đạo của mình trước kia chăng, hầu khiến cho những mái đầu bạc sắp sửa phải về cùng với ông bà, được một lần mỉm cười vui sướng và mãn nguyện về những đứa con yêu dấu mà mình đã cắt thịt sinh ra ? Nếu những người làm con lỡ lầm mà biết thật sự quay đầu trở lại, làm lại cuộc đời để cha mẹ vui lòng, thì niềm hạnh phúc đã từng bị mất đi của những người làm cha làm mẹ kia, có lẽ sẽ được nhân lên gấp bội. Cũng như những người con hư mà vừa biết hối quá, thì hạnh phúc và niềm vui sướng đến với họ, khi được ôm trọn trong vòng tay thân thương của những người đã sinh ra mình, được tha thứ vào bảo bọc, chắc hẵn phải còn to lớn hơn gấp nhiều lần.
Hỡi những người bạn trẻ thân thương tuy chưa từng quen biết ! Các bạn hãy bình tĩnh mà suy nghĩ lại đi. Tôi biết chắc rằng, những người sinh ra các bạn lúc nào cũng hết lòng hết dạ yêu thương các bạn, vì đó là cái tính trời phú mà. Cho nên, dù những đứa con của mình có hư hỏng, tội lỗi đến nhường nào thì bậc làm cha mẹ cũng sẵn sàng tha thứ hết, nếu tự chúng biết quay đầu hối quá, từ bỏ thật sự những thói hư tật xấu để làm lại cuộc đời.
Hỡi các bạn trẻ đang trên đường lầm lạc ! Những ai còn có chút lương tâm, đạo đức làm người, nỡ nào vì những đam mê ích kỷ thấp hèn, hay vì sự cố chấp quá đáng mà để cho những kẻ sinh ra mình phải ê chề thất vọng vì mình. Điều đó có khác nào các bạn đang giục giã những mái đầu đã bạc càng thêm bạc hơn, cũng như cam lòng tiễn đưa họ mau mau xuống đáy mồ trong nỗi niềm tức tửi, ân hận, xen lẫn khổ đau và tủi nhục.
Nếu lòng các bạn cứ cứng cỏi, không chịu phục thiện, không biết hối quá, không biết nghĩ tới công ơn của cha mẹ mình, thì có khác nào các bạn cam tâm tiễn đưa linh hồn của các bậc sinh thành phải đi vào những con đường khổ khó bề siêu thoát, chứ còn gì nữa ? Các bạn đành lòng để họ một lần nữa phải gánh chịu những số phận hẩm hiu cay đắng trong kiếp lai sanh hay sao ? Các bạn nhẫn tâm làm khổ đau chính những người cốt nhục cũa mình như thế, cũng như cố tình quên đi luật tắc bất biến của lẽ nhơn quả báo ứng, thiện giả thiện báo, ác giả ác báo hay sao ? Hãy nên nghĩ lại đi các bạn ạ! Gieo nhân nào thì gặt quả nấy, việc đời có khác nào như sự soi gương thấy hình đâu!
Các con thương mến.
Vì từ tâm thương khắp mọi người mà ba đã miên man lần đi khắp chốn. Nay lại trở về với các con của mình.
Tục ngữ có câu, tre già thì măng mọc. Lại cũng có câu, có sanh ắc phải có diệt. Cho nên hễ đã có thân tướng thì không ai có thể tránh khỏi luật tắc bất biến này của tạo hóa. Tuổi già đã đến với ba má rồi, nó hiện rõ ràng ngay trên mái tóc, trên thân thể già cỗi, nay ốm mai đau, mà dù các con có vì qúa yêu thương mà cố tình không dám nghĩ đến một ngày vô thường nào đó chợt đến với ba má, hay muốn vờ phủ nhận nó thì cũng không thể được nào, vì sự thật vẫn luôn là sự thật.
Lá có héo vàng từng mùa rơi rụng xuống đất làm phân thì cái gốc cây mới được tẩm bổ đạm chất khiến cho cành nhánh mới có cơ đâm chồi nẩy lộc, kết trái sanh hoa, điểm tô cho thế gian ngày càng thêm xanh, thêm đẹp chứ sao! Đó là luật tắc bất biến của vòng trời đất, của nhơn quả sinh diệt kia mà .
Cho nên, vì nghĩ đến tương lai của những đứa cháu của mình, muốn chúng sau này có được một cuộc sống bình ổn, an lạc, hạnh phúc đúng nghĩa của nó, ba không thể không có một vài lời khuyên nhủ các con trong việc giáo dục những mầm giống tương lai của gia tộc nói riêng, cho xã hội nói chung. Ba mong ước sao những gia đình của con cháu mình trong tương lai, sẽ có được những bậc làm cha mẹ gương mẫu, những đứa con siêng năng, cần mẫn và hiếu thảo, sống tốt đời đẹp đạo, là nhân lành được gieo trong đời này để thành tựu quả thoát khổ ở vị lai, cũng như trước mắt đóng góp cho quốc gia, cho xã hội loài người những công dân tốt, những cá nhân có ích cho đời.
Với ba, những công dân được gọi là tốt không hẵn phải là những người có học vị cao, hay là quan to, chức lớn, danh vang thiên hạ, mà chỉ cần là những công dân bình thường, có nghề nghiệp lương thiện và tinh thông, hết lòng với từng chức nghiệp, chức trách của mình, được xã hội và gia đình hết lòng tin tưởng và tín nhiệm là tốt rồi. Đó là những người mà, đối với xã hội họ đã đóng góp và làm tròn trách nhiệm của một công dân bằng năng lực và đạo đức khả dĩ của mình; đối với gia đình, họ là những người chồng tốt, những người cha gương mẫu, những người vợ đảm đang, tiết hạnh, những người mẹ hiền hết dạ yêu thương và lo tròn bổn phận với con cái. Chỗ nên người mà ba luôn nhấn mạnh ở đây, chính là ý đó. Điều đó có nghĩa, theo quan điểm của riêng ba, là ba tôn vinh sự đạo đức và nhân cách làm người trước tiên, khi mà ngày nay, trước mắt mọi người, nhân bản đạo đức ngày càng suy vi, băng hoại đến đau thương !
Qua kinh nghiệm gần bốn mươi năm nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái, có sự đóng góp công sức, mồ hôi, nước mắt và trí tuệ của ông nội các con, ba muốn nhắn nhủ với các con một điều rằng, sanh con thì rất dễ, nuôi con lớn lên cũng chẳng khó, mà, đối với ba, chỉ có sự giáo dục để con cái mình trưởng thành từ thể chất đến tinh thần đúng nghĩa của một con người mới là điều khó nhứt.
Với ba, việc giáo dục con cái là một bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm thật nặng nề và bắt buộc đối với những bậc làm cha làm mẹ. Sự giáo dục đó hết sức tế nhị. Những người làm cha mẹ phải biết vận dụng cả con tim, khối óc và tình yêu thương nồng nàn của tự thân và cả gia đình để cảm hoá con cái đi theo lễ giáo gia đình nói riêng, cũng như mỹ tục nước nhà và tính nhân bản đạo-đức làm người nói chung, chứ không phải là sự ép buộc hay nặn chúng theo ý riêng của mình. Phải biết dạy dỗ con cái làm sao để tự chúng phát triển trí tuệ và thể xác một cách tự nhiên, cân đối và hoàn hảo, nhưng phải trong khuôn khổ lễ giáo tốt đẹp của người Viết-nam nói riêng,cũng như tính nhân bản và đạo đức làm người nói chung.
Các con thương mến.
Đành rằng có thể người ta cho những típ người có tư tưởng như ba là lạc hậu, là không bắt nhịp được với trào lưu hiện đại, rằng những thứ "nhơn, nghĩa, lễ, trí, tín" hay "từ bi, hỉ xả, bình đẳng, bác ái" gì gì đó đầy mình ba đều chẳng ăn ai, trong một thời đại mà đâu đâu cũng là "kinh tế thị trường", gì cũng có thể mua bán đổi chác được, rằng hễ ai khôn thì sống, ai mống thì chết, rằng mạnh được yếu thua vv… và vv…
Phải rồi các con ơi, đó là xu thế của thời siêu hiện đại, cũng là thời mà đạo đức và tính nhân bản đang trên đà suy-vi và tuột dốc một cách thảm hại, đáng báo động ở cấp nguy hiểm.. Tuy nhiên, lỡ trót sanh ra trong một thời đại như thế, thì người trí, người biết tỉnh giác, biết lo xa phải khéo biện biệt một cách sáng suốt để lựa lọc ra cái gì hay thì theo, cái gì dở, không hợp với đạo lý thì dũ bỏ, để tự tạo dựng cho mình có được một lẽ sống hợp với tính nhân bản và đạo đức làm người, thì cuộc sống ấy may ra mới có thể được bình ổn, an lạc và hạnh phúc thật sự, từ tâm hồn cho đến cả thể xác vậy.
Trong thời chiến quốc loạn lạc, đạo đức suy vi dưới làn tên mũi giáo, thế mà vẫn có những người như Mạnh-mẫu "tam quá trạch lân", ba lần đi tìm hàng xóm tốt cho con ở, để cuối cùng cũng tìm được chỗ ở gần trường học, khiến cho người con trai duy nhất của mình được nên người, trở thành bậc "Hiền" trong cõi thế . Nếu đó chẳng phải là Mạnh-mẫu đã vì tương lai con mình mà cố "tận nhơn lực" để "tri thiên mệnh", thì phải nên gọi là gì đây?
Ba nghĩ, nếu từng mỗi cá nhân, từng mỗi gia đình, ai ai cũng biết tỉnh giác và nhận ra được bộ mặt thật độc hại của lối sống vật chất thấp hèn, hầu tự tìm cho mình và gia đình mình một nơi an trú bình thường nhưng hợp với lẽ đạo, thì dưới gầm trời này cũng còn rất nhiều điều thú vị và đáng sống lắm chứ.
Các con có thấy không, hằng ngày báo chí đã đăng tải không biết bao nhiêu là chuyện đau lòng xảy ra trên trái đất: từ chuyện lục đục trong gia đình cho đến những chuyện tranh gành hơn thua ngoài xã hội, mà nếu mỗi cá nhân ai ai cũng ý thức được một chút về giá trị nhân bản và đạo đức làm người, cũng như biết tự kềm chế bản ngã thì chắc chắn rằng những việc đau lòng ấy sẽ khó xảy ra. Nào là con cái hỗn hào, mất dạy, nổi cơn nghiện hút hít mà không có tiền, thì liền mắng nhiếc, chửi bới, hành hạ cha mẹ; nào là vợ chồng mâu thuẫn nhau, chửi bới đánh đập nhau, rồi đưa nhau ra toà, để kết cục là mỗi người đường ai nấy đi mà quên mất phía sau lưng còn có bầy con trẻ do chính họ sinh ra, khiến lũ nhỏ phải chịu cảnh tan đàn xẻ nghé, mới năm bảy tuổi đã phải trở thành những trẻ mồ côi, buị đời, lang thang đầu đường xó chợ.
Chúng ta không nên đổ thừa rằng chỉ có những người ít học, hay những gia đình nghèo khổ, kinh tế khó khăn mới xảy ra những việc đau lòng như thế mà ngay cả trong giới thượng lưu khá giả, quyền thế cao sang cũng rơi vào những cảnh ngộ đau thương tương tự.
Bỡi vì sao ? Vì nhắm mắt chạy theo vật dục đến nỗi mê mờ tự đánh mất tính nhân bản và cái vốn đạo đức khả dĩ của một con người. Có những gia đình giàu tiền giàu bạc, của ăn của để trong ngoài không hết, nhưng cái vốn quí cơ bản là đạo đức làm người không có; hoặc tuy có đó, nhưng vì chạy theo bản ngã dục vọng được định tính bằng giá trị mãnh liệt của đồng tiền, nên đạo đức mới bị băng hoại, cuốn trôi chính họ theo giòng. Có những người chủ gia đình, đam mê theo những thú vui ích kỷ, phàm tình, quên mất đàn con, bỏ mặc chúng nheo nhóc, bơ vơ lạc lõng, không người dạy dỗ, khiến chúng thiếu thốn tình yêu thương và sự bảo bọc, không có chỗ dựa tinh thần, nên buồn tình bỏ nhà đi bụi. Đến lúc vợ chồng sực tỉnh cơn mê thì tất cả đều trở thành quá khứ muộn màng, gia đình đổ vỡ, đắng cay chồng chất , ân hận đến suốt đời mà hận cũng không tan.
Lại cũng có những người nghĩ suy nông cạn, cứ tưởng rằng mình tích lũy thiệt nhiều tiền bạc, của cải để dành lại cho con cháu, thì tương lai chúng ắc sẽ có một cuộc sống sung túc, không cần làm việc mà cũng có thể phủ phê suốt đời, nên họ đã làm tất cả những gì có thể làm được, miễn là có nhiều lợi nhuận, bất chấp luật tắc trả vay nhơn quả cũng như những rào cản của giá trị đạo đức. Với những người như thế, để đạt cho bằng được những giá trị thực dụng hầu để dành cho con cháu mình, họ sẵn sàng làm tất cả những gì mà "xu thế thời đại và cơ chế thị trường" đòi hỏi, mà không cần lường trước những hậu quả hay tác dụng nghịch có thể xảy ra cho chính bản thân họ và những người mà họ yêu thương. Họ chỉ biết ngày đêm mê mẩn lăng xả vào đám bụi mù để tìm kiếm lợi lộc, những món quà kết sù"nhiều giá trị" hầu làm vốn sống cho tương lai con cháu của mình. Thiệt ra, những người ấy đâu biết rằng, nếu cứ dấn thân vào những việc làm thiếu tính nhân bản và đạo đức làm người, không sớm thì muộn, ắc họ và những người thân yêu của họ sẽ phải trả giá bằng chính cuộc đời của mình với nỗi ê chề thất vọng không lâu sau đó vì những món vật chất tầm thường ấy.
Nếu không phải thế, nếu không phải vì đồng tiền, vì lợi nhuận, vì kinh tế thị trường, vì danh vọng hão huyền, vì nhân tâm đạo đức bị phá sản thì làm sao trên báo chí từng ngày đều có những vụ án thảm khốc đau thương, khiến không biết bao nhiêu gia đình phải ly tan, đổ nát. Đau thương trong từng mỗi cá nhân, trong từng mỗi gia đình, khiến không biết bao nhiêu người phải chịu cảnh lỡ làng ngang trái như thế, hằng ngày hằng giờ xảy ra đưới bầu trời này, không sao kể xiết.
Ba má đi trước các con, cũng như ông cha ta đã đi trước ta, và đã cho ta nhiều kinh nghiệm quí báu trong cuộc sống.
Ngày xưa, các cụ đã dạy ta nhiều điều trước khi ta lập gia đình và sanh con đẻ cái, có lẽ là để ngừa trước những điều bất hạnh có thể xảy ra cho ta trong tương lai. Và nếu ba nhớ không lầm, thì trong ngày đầy tháng đứa con đầu lòng của ta, cũng chính là chị cả của các con đó, từ miệng ông cụ đã nghiêm khắc dặn dò, nhắc nhở ba bằng một câu danh ngôn mà ông cụ nhớ đời, lúc nào ông cũng nghĩ suy và cố gắng thật hành nó ngay trong cuộc sống này để tự tạo dựng cho mình một nhân cách tốt, để xây dựng một gia đình hạnh phúc, và nhứt là để làm gương mà dạy dỗ cho những thế hệ tương lai của gia tộc. Câu danh ngôn có tác dụng hai chiều, là tu thân và giáo tử. Người cha phải biết tu thân để tự thành người tốt, và đồng thời cũng làm tấm gương sáng cho các con mình noi theo. Dạy con biết lễ nghĩa, liêm sỉ, cần kiệm, khoan hoà, cương nhu, nhân hiếu cũng chính là khiến đàn con nhìn vào chính cha chúng để tìm gặp và bắt chước những tánh tốt mà cha mình tự thể hiện để ngay đó làm gương cho đàn con. Và ba đã thấy bao đời qua, từ thuở biết mặt được ông nội ta trở về sau này, các cụ đã thành công trong việc đem tình thương và đạo đức chính bản thân mình ra giáo huấn con cái trong gia đình.
Giáo huấn con cái nên người là cái vốn quí mà ông bà đã để lại, hơn hẵn tất thảy mọi thứ có thể để dành cho con cháu. Cả đời các cụ luôn sống thanh bạch, nếu không muốn nói là nghèo, nhưng không bao giờ thấy khổ. Tự xét bản thân ba đây, ba không hề nhận lãnh tài sản hay của cải, nhà cữa gì của ông nội cả, vì thật ra ông bà rút ruột tằm mà nuôi dạy ba khôn lớn cho tới bây giờ cũng đáng quí rồi, đâu còn nghĩ chi đến tài sản là cái nhà, mà đến cuối đời ông, nó đã trở thành ọp ẹp hư nát. Thế nhưng cái mà ba đã thọ lãnh từ ông cha mình, tức cái vốn quí làm người không hề hư hao mất mát, hơn rất nhiều so với nhà cữa, ruộng vườn, hay bạc vàng châu báu mà nhiều người khác đã ki cóp để lại cho con mình. Ông bà nội của các con nhân từ, suốt đời luôn làm theo tiếng gọi của con tim đạo đức, thường hay giúp người, gieo nhiều thiện nghiệp, thì làm sao giàu có được?
Các con thương mến !
Trong ngày thôi nôi chị của các con, bắt gặp ánh mắt và nụ cười rạng rỡ của ba khi có đứa con đầu lòng, cũng như trực giác thấy được những hoài vọng mà ba đặt vào nơi chị của các con, ông nội đã nhìn ba bằng đôi mắt nghiêm khắc và nói:"Những gì mà các con kỳ vọng nơi con mình ở tương lai, sẽ khó thành hiện thực nếu tự chính bản thân các con thiếu kém đạo đức. Các con phải biết rằng, các con được sinh ra trong đời này, thì đó là việc làm của đạo trời đấy. Nếu các con muốn đạo trời luôn ở với các con không mất, thì các con phải biết vun đắp cái gốc "Đức". Vì "Thường-Đạo", tạm gọi là Đạo-trời sinh ra và nuôi dưỡng vạn vật, mà cái gốc "Đức" vô hình trong chỗ u u minh minh thì lại nuôi dưỡng Đạo-trời. Muốn cùng đạo trời tương ưng, tương hợp, trường tồn, bảo bọc, không bị chia lìa hư mất, thì làm người phải biết vun trồng gốc Đức. Nói tới Đức, thì rộng khắp mênh mông, không sao nói hết, mà gồm lại thì chỉ là cách sống hợp với Đạo-trời mà thánh nhân ngày xưa đã dạy, như hiếu trung, nhơn nghĩa, bác ái, từ tâm, tín thành, lễ kính, khiêm cung, khoan hòa, chánh trực, …. vv… và vv…"
Những ngày xa xưa ấy, ba chỉ tiếp thu đại khái những gì ông nội các con đã dạy, có thể nói là vào tai này liền ra tai kia. Tuy nhiên, những điều hay, lẽ phải mà ba có được trong cuộc đời này, dùng nó ứng xử hợp với đạo lý ở đời, cho tới gần ngày xuống lỗ mà dùng cũng không hết, chính là chỗ ba đã biết nhìn vào ông cụ làm mà bắt chước. Và cũng thật may mắn cho ba, đến giờ này nhìn thấy đàn con thành người, ba nhấn mạnh là thành người, nghĩa là dù không thành danh nhưng cũng được thành nhân, là ba đã mừng lắm rồi; và trước vong linh Tổ-tiên cùng ông nội các con, ba nghĩ, các cụ chắc cũng tạm mãn nguyện về những gì mà các con đã khả dĩ làm được. Vì ba biết các cụ lúc nào cũng "Tri-Túc" mà, không đòi hỏi nhiều lắm đâu ! Con cháu thành người tử tế, lương thiện, sống tốt đạo đẹp đời là đủ lắm rồi, không còn ao ước chi hơn.
Tuy nhiên, kiếp làm người là một chuỗi âu lo không dứt. Thế nên, nhìn đứa cháu nội mới sanh, ba lại phải bắt chước ông nội của các con, dặn dò các con trở lại.Đó cũng là cái nợ đồng lần mà mỗi một đời người, những ai được làm cha mẹ ắc phải có trách nhiệm trả cho xong vậy.
Ngày xưa, mỗi khi nhìn đàn cháu của mình tung tăng chạy nhảy, vô tư đùa giỡn với nhau, Ông nội các con chạnh lòng lo cho tương lai của những đứa cháu của mình, nên thường hay nhắn nhủ ba bằng một câu danh ngôn nằm lòng: "Phẩm cách, uy tín và đạo đức của người cha cũng như đức hạnh và từ tâm của người mẹ là gia tài vô giá, không gì có thể so sánh nổi, mà các bậc sanh thành để dành lại cho con cháu của mình làm vốn sống trong tương lai".
Ý của ông nội các con đã quá rõ ràng. Ông cụ muốn nói rằng, muốn dạy dỗ các con nên người, chính cha và mẹ chúng phải tự thể hiện một cách chân thành là làm người tốt trước đã, để làm gương cho con cái mình nói theo.Cũng như bên cạnh đó, đạo đức và phẩm hạnh của cha mẹ chính là nhân tố quyết định cuộc đời tốt đẹp của đàn con cháu, là cái vốn quí mà những con cháu của họ sẽ được thừa hưởng trong tương lai.
Lời giáo huấn vàng ngọc ấy của người xưa, nay ba trao lại cho các con, những mong sao các con theo đó mà hành xử, để tự thân và những đứa con cháu mình sau này đều là những người tốt trong gia đình, là những người có ích cho nhân quần xã hội.
Muốn được như vậy, các con trước hết phải biết tự thắng mình. Nghĩa là, có cha mẹ nào lại không muốn cho con mình tánh tình thuần hậu, nghiêm trang, ngoan ngoản, nói năng lễ phép, học hành chăm chỉ, biết kính trên nhường dưới, hiếu với cha mẹ, thảo với anh chị em, biết giúp đỡ bạn bè, không đua đòi xa hoa, không chơi bời trác táng…vv ..và vv.Có người làm cha mẹ nào mà không muốn cho con cháu mình được nên người tốt đẹp như thế.
Tuy nhiên các con phải biết, tâm hồn trẻ con như tờ giấy trắng, rất dễ bị nhiễm màu. Cho nên, khi dạy dỗ chúng, tự chính chúng ta phải là những tấm gương sáng để chúng noi theo, nghĩa là phải để tự chúng tự mài gọt lau chùi khiến chúng trở thành gương sáng như mình, chứ chẳng phải mình làm người lau chùi cho chúng. Các con phải luôn là tấm gương sáng trên mọi phương diện cho các con cháu noi theo, chứ chẳng phải bắt buộc chúng trở thành gương sáng, khi mà tự chính các con là những tấm gương đen đủi, xấu xí, hư nát, vô dụng.
Trẻ con tuổi mới lớn thường hay bắt chước. Bắt chước người lớn đủ mọi thứ. Nếu các con không tin, ba sẽ kể cho các con nghe một chuyện có thật xảy ra từ chính bản thân ba đây.
Ngày xưa, lúc ba khoảng mười tám, mười chín tuổi, một hôm vào từ-đường ăn đám giỗ. Ba thấy bác hai của ba, tức anh ruột ông nội của các con cứ thỉnh thoảng theo thói quan, lại méo miệng sang bên trái một lần. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, bác ấy vặn chúm hai môi và má sang bên trái rồi bên phải khoảng bốn năm lần. Thế là ba bắt chước ngay, một lần hai lần rồi thành quen tật hồi nào không hay. Cứ một chặp ba phải méo miệng một lần, nếu không thì thấy cái miệng, cái má nó ngứa ngáy khó chịu làm sao đó.
Một hôm, bà nội các con phát hiện ra cái tật xấu của ba, bà ôn tồn bảo :"Con cứ làm méo cái miệng, trông xấu quá". Ba nghe bà nội nói thế, nhưng cũng không quan tâm lắm, vì tự nghĩ, nếu đã xấu thì tại sao người lớn làm, lại cũng không ai biểu bác hai bỏ cái tật ấy cả.
Một hôm, sau khi tắm xong, ba vừa soi gương vừa lau mặt, chợt theo thói quen ba méo miệng một cái, đến lúc đó ba không còn tin vào con mắt mình nữa, bỡi trong gương, cái mặt cân đối, trắng trẻo, đẹp đẽ dễ thương của ba thường ngày, nay đã trở thành một cái mặt méo mó, dị kỳ hết chỗ chê. Ba bình tĩnh soi gương và thử làm lại một lần nữa. Ôi trời, lần nầy thì đã rõ. Cái tật bắt chước đã làm cho cái mặt ba trông thật khó coi, nếu không muốn nói là quá ư dị hợm.. Thế là kể từ hôm đó, ba tự lưu ý mình, mỗi khi cái miệng cảm thấy ngứa ngáy khó chịu muốn méo một cái, thì ba lại cảnh giác mà không chìu theo nó nửa. Và chỉ bốn năm hôm sau là ba đã bỏ hẵn được cái tật xấu ấy rồi.
Trẻ con mới lớn thường hay bắt chước. Đó cũng có thể gọi là một phần nào của cái tánh "tập nhiễm" theo chữ nghĩa trong nhà Phật. Cho nên, muốn con mình không hút thuốc lá hay bỏ thuốc lá mà chính tự bản thân mình trên môi lúc nào cũng có điếu thuốc phì phèo, hay ngày nào cũng hút thì làm sao dạy con bỏ thuốc được ?
Tự bản thân mình ngày nào cũng say sưa bí tỷ, đi về chân nam đá chân xiêu, áo quần nhếch nhác, thân thể hôi hám, mà dạy con mình về tác hại của rượu, bắt nó chừa rượu, bỏ rượu, hay không nên uống rượu, thì làm sao nó có thể tuân theo ý muốn của mình được.
Biết cờ bạc là xấu, không sớm thì muộn ắc cũng tán gia bại sản, ấy thế mà chính tự bản thân mình máu mê cờ bạc, thì làm sao có thể khuyên dạy con mình từ bỏ con đường đỏ đen, may rủi ?
Tự chính bản thân mình năm thê bảy thiếp, con cái nhiều giòng giống lộn xộn, bỏ bê nuôi dưỡng, thường hay đi lại với bọn gà mả mèo đồng mà lại dạy con cái phải biết sống cách đạo đức, một vợ một chồng để chí thú nuôi con, thì làm sao chúng nghe mình cho được?.
Cho nên, điều ba muốn nói với các con ở đây chính là mong các con nên biết tu thân trước, tự trở thành người gương mẫu xứng đáng trước đã, để sau đó lấy cái vốn quí ấy mà dạy con, làm tấm gương sáng đạo đức cho các con cháu noi theo.
Tục ngự có câu :"ở bầu thì tròn ở ống thì dài". Lại cũng có câu : "gần mực thì đen gần đèn thì sáng". Cho nên, muốn các cháu nên người, các con phải làm gương cho chúng soi trước đã nhé.
Lạï nữa, nếu là người bình thường trong đời, thì ai cũng phải làm để tự nuôi sống chính mình và gia đình mình, chứ chẳng ai có thể không làm mà có cái ăn, cái mặc ổn định, trừ những người thừa hưởng gia tài kếch sù của ông cha thì không kể. Nhưng dẫu cho có nhiều của cải tới đâu mà cứ ngồi ăn mãi cũng có lúc non mòn núi lở. Cho nên, ai cũng phải biết học một nghề lương thiện cho thật tinh thông để làm kế sống. Mà theo ba, việc làm được gọi là lương thiện theo đúng nghĩa của nó thì khó giàu để mà có dư thừa tài sản, tiền muôn bạc nén để dành cho con cháu được.
Có nghề nghiệp và một công việc làm vừa sức mình, kiếm vừa đủ cái ăn cái mặc ổn định cho gia đình là quí rồi. Nếu có dư hãy nên biết để dành phòng khi cơ nhỡ, ốm đau hay lúc cần phải làm việc nhơn nghĩa, đồng thời nên trích ra một phần mà bố thí cho những người bất hạnh, kém phước hơn mình, như tật nguyền, già yếu, neo đơn, đau yếu bệnh hoạn không người trợ giúp, không thể hay chưa thể đi làm được. Có làm được như thế, ba tin chắc rằng đời các con và các cháu của ba sẽ không bao giờ bị đói lạnh, hay gặp chuyện không hay đâu. Đó là các con đang tạo phước đức cho chính mình. Bằng không hiểu hay không cần hiểu thế nào là lẽ nhơn quả, không lo gieo trồng thiện nghiệp, mà cứ lo toan tính tích tập tư tài cốt để dành cho con cháu mai sau, thì chưa chắc cháu con sẽ được hưởng những của ấy, mà cái gốc đức của mình cũng vì lẽ đó mà ngày càng suy vi vậy.
Nếu chẳng phải thế thì thánh nhơn ngày xưa há đã chẳng dạy : "Tích kim dĩ dị tử tôn, tử tôn vị tất năng thủ. Tích thư dĩ dị tử tôn, tử tôn vị tất năng độc. Bất như tích âm đức ư minh minh chi trung, dĩ vi tử tôn trường cửu chi kế - Để vàng lại cho con cháu, con cháu chưa chắc đã giữ được. Để sách lại cho con cháu, con cháu chưa chắc đã đọc được. Sao bằng tích chứa âm đức, tuy trong chỗ mờ mịt không ai hay biết, nhưng mà lại là cái kế lâu dài cho con cháu thừa hường vậy".
Ba nghĩ rằng, lời của người xưa dạy con, gói ghém, cô đọng trong những quyển sách hay lại dễ hiểu, hợp với phong hóa của người Việt-Nam chúng ta như Nhị-thập tứ hiếu, Aáu học Quỳnh lâm, Minh Tâm Bửu giám, hay như sách dạy con dâu của Lê-quí Đôn, hoặc Gia huấn ca của Nguyễn-Trãi vv… và vv….không sao kể xiết, trong kho tàng văn hóa nước nhà nói riêng và Á-đông nói chung. Các con có thể lấy đó mà dạy con cháu mình. Tuy nhiên, ba ân cần nhắn nhủ các con lại một lần nữa, là tự chính bản thân các con phải thể hiện như thật những gì mà người xưa đã dạy, trước khi đem những lời châu ngọc của thánh hiền dạy dỗ con cháu mình.
Những gì mà lòng người cha muốn nhắn nhủ dạy bảo các con cháu yêu thương của mình, thì không sao nói hết, dẫu sống được lâu đến lúc trời sập cũng còn muốn nói nữa là. Bỡi thương con cháu là tánh trời phú cho vật tối linh là con người vậy. Cho nên, nói ít hiểu nhiều, mong các con ghi nhớ lấy những lời này mà lo sợ răn mình để tự làm người tốt và biết cách dạy dỗ con cái làm người tốt một cách đúng nghĩa của nó.
Biết thế nào là đạo đức còn chưa đủ, mà tự mình phải biết sống trong từng chuẩn mực đạo đức thì mới được gọi là người tốt, mới có thể làm tấm gương sáng để có thể dạy dỗ con cái nên người. Bằng biết đạo đức tốt đẹp là thế, nhưng chỉ nói suông, không chịu tự thân thực hành, thì đó chỉ là nguời nói vẹt, múa mỏ khua khôi, là đạo đức ngoài cữa miệng mà thôi.
Những nguời tu hành như ba đây cũng vậy. Bất luận xuất gia hay tại gia, thông sáng lẽ Đạo cũng mới chỉ là bước đầu trên con đường cầu Phật. Biết chơn chất hành trì như pháp trong mọi thời, nghĩa là trọn sống trong thật tại mà không lìa tự tánh, cũng là không xa rời Trung-Đạo, mới được gọi là trọn "Thành", là cùng Đạo-thường thông suốt, không chỗ chia lìa. Nghĩa là sao ? Nghĩa là biết Đạo vẫn còn chưa đủ, mà phải cùng Đạo tương hòa, tương hợp, cùng Đạo không đến không đi, không lìa không mất, thì mới gọi là "một" với Đạo, mới xứng đáng được gọi là thiện tri thức vậy.