Nên hay không nên cho mắm, muối vào cháo khi cho trẻ ăn dặm?
24/04/2017 (2007 lượt xem)
Hẳn nhiều mẹ bắt đầu cho con ăn dặm sẽ thường hỏi có nên hay không nên cho gia vị vào nồi nấu cháo của trẻ khi ăn dặm? Thông thường theo phương pháp nấu bột cháo cổ truyền thì chắc chắn mọi người sẽ cho thêm muối, mắm để cảm thấy vị mặn.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều chuyên gia đã khuyên không nên cho muối, mắm cháo cho trẻ dưới 1 tuổi. Vậy nếu không cho thêm muối/mắm thì bé ăn có thấy nhạt mồm và chán ăn hay không? Nếu không bổ sung muối, mắm vào cháo, bột thì bé có thiếu chất không? Cùng tham khảo ý kiến chuyên gia nhé
Thực tế cho thấy nhiều mẹ chế biến và nêm nếm muối/mắm theo khẩu vị, thói quen của người lớn với suy nghĩ mình cảm thấy ngon thì con ăn sẽ ổn. Tuy nhiên, điều này vô tình đã gây nhiều điều không tốt vì đã tạo dựng thói quen ăn mặn và tiềm ẩn những nguy cơ không tốt cho sức khỏe của trẻ sau này.
Theo y học, nồng độ của các chất hóa học trong cơ thể con người sẽ được giữ ở mức tương đối cân bằng thông qua các hoạt động của hệ thần kinh, hệ nội tiết, hệ tiết niệu và hệ tiêu hóa của cơ thể. Muối cũng là một nguyên tố hóa học như vậy trong cơ thể trẻ. Nếu trẻ bị thiếu muối, cơ thể sẽ tự thích ứng thông qua cách giảm đào thải Natri (là một thành phần cơ bản của muối) qua nước tiểu và mồ hôi. Chức năng thận của trẻ dưới 1 tuổi còn rất non nớt, nếu bạn cung cấp quá nhiều muối, mắm cho trẻ thì có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở thận, hơn nữa, nếu ăn nhiều muối trong giai đoạn ăn dặm sẽ gây tổn thương não bộ ở trẻ em. Như vậy là lợi bất cập hại.
Trở lại vấn đề có nên thêm muối/mắm vào nồi nấu cháo cho trẻ ăn dặm hay không? Nếu bạn thêm muối/mắm sớm thì vô tình bạn tập cho bé thói quen ăn nhiều muối khi trẻ lớn hơn. Và hậu quả là bé sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, tim mạch trong tương lai.
Vì thế, vào giai đoạn dưới 12 tháng tuổi, nhu cầu về muối/mắm ở trẻ sẽ được cung cấp thông qua các loại thực phẩm tự nhiên (ngũ cốc, hoa quả, thịt, cá, trứng, rau tươi…), chúng hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu muối của cơ thể trẻ và bạn không cần nêm thêm nữa.
Dù bạn nếm thấy nhạt nhưng thực tế là trẻ chưa trải qua và cảm nhận rõ vị nhạt hay mặn của thực phẩm giống người lớn, do vậy, hãy để trẻ khám phá những hương vị của các loại thực phẩm một cách tự nhiên nhất mà vẫn đảm bảo đủ cung cấp muối cho cơ thể nhé.
Bạn cũng cân nhắc khi cho trẻ ăn các loại thực phẩm đông lạnh (phô mai, nước sốt, thịt nguội…) vì đa phần đều bổ sung muối và có thể không phù hợp với trẻ dưới 1 tuổi.
Hy vọng bố mẹ đã giải tỏa được vấn để không nên nêm nếm muối/mắm vào thức ăn cho trẻ dưới 1 tuổi rồi nhé. Chỉ cần bạn tuân thủ những nguyên tắc này thì đã giúp bé tránh được thói quen ăn mặn đồng nghĩa với việc phòng ngừa được các bệnh về tim mạch trong tương lai.