Nhận biết đồ chơi an toàn cho bé
13/09/2012 (584 lượt xem)
Nếu con bạn thường cho mọi thứ nó vớ được vào miệng thì bạn nhớ tránh xa những đồ chơi có kích thước nhỏ hoặc các bộ phận của đồ dễ long, dứt ra được. Với trẻ em, đồ chơi là một tài sản rất quý giá. Nó không chỉ giúp các bé được vui vẻ mà còn kích thích sự phát triển trí não của trẻ. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, con bạn có thể bị tổn thương từ chính những đồ chơi này. Bạn hãy tham khảo vài hướng dẫn dưới đây khi lựa chọn đồ chơi an toàn, hữu ích cho bé:
Đồ chơi phải phù hợp với mức độ phát triển của bé
Hầu hết trên các đồ chơi đều ghi nên sử dụng cho độ tuổi nào và đây là điều đầu tiên bạn cần chú ý khi lựa chọn. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải dựa vào khả năng và mức phát triển thực tế của con để mua cho bé một món đồ phù hợp với lứa tuổi. Chẳng hạn, những khẩu súng phun nước không bao giờ nên đưa cho các bé dưới 4 tuổi nhưng ngay cả khi con bạn đã 6 tuổi mà chưa điều khiển được các động tác tay thuần thục thì cũng không nên chơi các đồ này. Tương tự như vậy, nếu con bạn 3 tuổi mà vẫn đưa mọi thứ vào miệng thì hãy tiếp tục tránh xa những đồ chơi có các bộ phận hay mảnh nhỏ.
Những đồ chơi có kích thước lớn
Với các bé dưới 3 tuổi, bạn nên chọn những đồ chơi hoặc bộ phận của nó (nếu có thể tách ra) lớn hơn miệng trẻ để bé không bị hóc, nghẹn. Để xác định kiểu đồ chơi nào dễ gây nguy cơ này, bạn thử lồng nó qua lõi của cuộn giấy vệ sinh, nếu đồ vừa được bên trong thì không an toàn với bé.
Để ý đến cân nặng của đồ chơi
Con bạn có thể bị tổn thương nếu như đồ chơi đó rơi vào người không? Nếu có, hãy bỏ nó đi.
Đồ chơi phải chắc chắn, các bộ phận dính khít với nhau
Nếu mua thú nhồi bông cho con, bạn hãy kiểm tra kỹ xem phần đuôi đã được dính chắc chắn vào thân chưa, liệu lớp màu bên ngoài có bị long tróc? Ngoài ra, bạn cũng đừng chọn những con thú có đính kèm các nút, sợi chỉ, các dải ruy băng hay bất cứ thứ gì mà bé có thể giật ra và cho vào miệng.
Bé đủ sức để điều khiển được đồ chơi của mình
Ví dụ như, nhiều bậc phụ huynh tiết kiệm bằng cách mua cho con những chiếc xe đạp to quá cỡ để khỏi phải mua chiếc mới, lớn hơn vào năm sau. Điều này có thể dẫn tới việc bé bị chấn thương nặng nếu chưa đủ kỹ năng điều khiến chiếc xe đạp to hơn.
Chất lượng đồ chơi tốt
Những đồ chơi dùng lại của anh em, họ hàng hay mua ở các kho giảm giá có thể đã bị hỏng hay sờn và gây nguy hiểm cho bé. Khi chọn đồ chơi cho con, dù cũ hay mới, bạn hãy để ý từng cái nút, cục pin, dải ruy băng, mắt, các chuỗi hạt và cả những vật đính thêm bằng nhựa bởi bé có thể dễ dàng nhai hay cắn.
Đồ chơi không có những sợi dây dài hơn 30 cm.
Sợi dây dài như vậy có thể quấn quanh cổ bé và gây nghẹt. Nếu bạn cho con ở trong cũi, khi bé đã biết bò, hãy gỡ bỏ sợi dây vốn dùng để vòng qua người bé lúc nhỏ để giữ an toàn và cả những thứ di động treo xung quanh cũi.
Tránh xa các đồ chơi có đính kèm thanh nam châm nhỏ
Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trẻ em đã gọi các thanh nam châm là mối nguy hiểm tiềm tàng trong nhà. Những mảnh nam châm nhỏ nhưng có sức hút lớn thường sử dụng trong đồ chơi và có thể rơi ra, khiến bé nuốt phải. Hai hay nhiều thỏi nam châm (hay một miếng nam châm và một đồ bằng kim loại) có thể hút nhau qua thành ruột, gây xoắn và kẹp ruột, làm thủng, nhiễm trùng và xấu hơn nữa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Các nhà sản xuất khuyên không nên cho trẻ dưới 6 tuổi chơi các đồ có nam châm.