Nhớ trung thu thời "tự chế"

Shop Trẻ Thơ , 19/09/2012 (634 lượt xem)

Trung thu nay hào nhoáng, ê hề nhưng nhiều người vẫn không khỏi chạnh lòng, tiếc nuối cái phong vị của trung thu xưa.

Nhớ trung thu thời "tự chế"

Trẻ con tham gia phá cỗ trăng rằm cùng với bạn bè (Ảnh: Internet)

Mỗi mùa trăng tháng Tám, nhiều người đã qua cái tuổi háo hức phá cỗ trông trăng lại nao lòng nhớ về những cái tết Trung thu truyền thống.

Khắp phố phường Hà Nội những ngày này đâu đâu cũng thấy rực rỡ đèn lồng chạy pin, bánh nướng bánh dẻo lai căng từ hình thức đến mùi vị... Không còn dễ tìm thấy bóng dáng những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, tiến sĩ giấy... như những mùa trung thu xưa cũ.  Dư vị của ngày tết trăng tròn vì thế lại mang dư vị tiếc nuối.

Nhớ về tết trung thu xưa, cụ Mai Hòa (Tổ 34, tập thể Học viện Quốc Phòng, Nghĩa Đô, Cầu giấy) chia sẻ: “Đêm trung thu, đám trẻ tập trung ở nhà văn hóa bày cỗ trông trăng, ăn bánh nướng, bánh dẻo, chơi những trò chơi dân gian truyền thống. Đợi lúc trăng lên cao, trẻ em ca hát, hát, phá cỗ rồi múa lân, rước đèn trung thu khắp các ngả đường”.

Cụ kể, cỗ mừng Trung Thu chỉ có vài thứ quả hái ở vườn nhà, quả hồng, quả bưởi, trái na. Mỗi đứa trẻ được người lớn phát vài ba chiếc kẹo, sang lắm thì vài đứa chung nhau một cái bánh dẻo, bánh nướng. Chỉ một cái lồng đèn ông sao, bên trong thắp một ngọn nến hồng, bấy nhiêu đó đủ để những đứa trẻ vui chơi suốt đêm. Ngày vui Trung Thu dành cho con trẻ trong vắt như vầng trăng rằm giữa mùa thu.

Trung thu xưa, đồ chơi hầu hết được làm bằng những vật dụng đơn giản, dễ kiếm chứ không màu mè, sang trọng và hào nhoáng như bây giờ. "Ngày xưa, trước Tết trung thu cả tháng là bọn trẻ chúng mình đã háo hức lắm rồi. Nào là nhặt hạt bưởi về phơi khô, xâu thành chuỗi để dành đốt, nào là rủ nhau tập văn nghệ, có đứa còn kỳ cạch làm đèn lồng, đèn kéo quân, đứa không làm được thì gắn nến vào đế chai vỡ làm đèn, thả nến vào hộp xà phòng...", bạn Nhật Anh, 27 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội phấn chấn khi kể lại kỷ niệm tuổi thơ của mình.

Hay với Tuấn, sinh viên đại học Giao thông vận tải năm cuối bộc bạch: “Ôi, bao giờ mới đến Rằm tháng Tám, để cho chúng tôi được "chơi con giống", chơi rước đèn, làm đèn, và làm những con thỏ xinh xinh bằng vỏ trứng, cho chúng tôi đi xem đồ chơi ở các phố Hàng Gai, Hàng Thiếc, đi xem làm sư tử ở phố Hàng Mành, đi xem làm những ông tiến sĩ giấy ở phố Hàng Mã, làm bánh dẻo ở phố Hàng Đường, hay phố Nhà Hoả, và nhất là để được múa sư tử, và đi xem những đám rước sư tử "của người lớn".

Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng Trung Thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng Trung Thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để cha mẹ tùy theo khả năng kinh tế gia đình thể hiện tình thương yêu con cái một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khăng khít thêm.

Nỗi niềm trung thu nay...

Chiếc đèn ông sao méo làm từ củi tre, hay đơn giản là chùm hạt bưởi phơi khô đốt sáng… chỉ còn là ký ức của rất nhiều người. Ngày nay, cuộc sống hiện đại và đầy đủ nên cái tết rằm tháng Tám cũng có phần khác trước rất nhiều.

Tết trung thu

Trò chơi dân gian truyền thống như múa lân ngày càng vắng bóng trong đêm rằm trung thu nay (Ảnh: Infonet)

“Ngày xưa khi điều kiện kinh tế còn khó khăn, đèn nhựa chạy bằng pin là một thứ xa xỉ, trước tết trung thu cả tháng là bọn trẻ trong xóm mình chạy đi nhặt những hạt bưởi xâu thành chuỗi dài để đốt đêm Trung thu. Bây giờ, đèn lồng Trung Quốc chạy pin màu mè sặc sỡ, nhạc í éo tràn ngập thị trường. Bọn trẻ cũng không chờ đón, náo nức như xưa.Với nhiều người, Trung Thu không mấy gì đặc biệt, chỉ giống như một ngày cuối tuần", đó là cảm nhận giữa trung thu xưa và nay của bạn Hoài Nam, sinh viên năm cuối Học Viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.

Chiếc đèn ông sao xanh đỏ dần vắng bóng trong đêm Rằm Tháng Tám, thay vào đó là những đồ chơi hiện đại và đắt tiền hơn. Người mua ít dần, người bán cầm chừng. Trẻ em bây giờ cũng trở nên khá “hờ hững” với những chiếc đèn cù, đèn kéo quân vào mỗi dịp Tết Trung thu về.

“Trung thu xưa, mãi đến đêm rằm mới được nhâm nhi chiếc bánh nướng, lúc đó cảm thấy bánh ngon vô cùng. Nay thì bánh Trung thu tràn ngập đường phố từ 2 tháng trước. Thằng cháu mình cầm miếng bánh cứ ngắc ngư kêu ngán”, Gia Hân (Nghĩa Đô, Cầu giấy) thở dài.

Cuộc sống khá giả hơn và niềm vui Trung Thu cũng khác xưa đi. Quà bánh trung thu mỗi ngày một đắt tiền. Nếu như xưa, bánh chỉ làm quà cho con trẻ thì giờ lên đến tiền trăm, tiền triệu. Và người ta điềm nhiên biến Trung Thu thành dịp “thể hiện”, đua nhau “biếu xén” những thứ quà bánh “đẳng cấp” mà không hiểu ăn vào có thấy ngày tết này vui hơn không?

Thay vì phá cỗ đêm rằm, trẻ con bây giờ được bố mẹ bố mẹ đưa đi công viên, đến các khu vui chơi giải trí, vào nhà hàng ăn món Tây, chơi các trò chơi hiện đại có thu tiền. “Tôi đồng ý rằng hiện nay đất chật, người đông, muốn có sân chơi để các cháu chơi những trò dân gian không phải dễ nhưng các nhà văn hóa hoàn toàn có thể làm được”, bà Nga (Hà Nội)  than thở.

Đành rằng mỗi thời mỗi khác. Cuộc sống phát triển đòi hỏi những thay đổi nhất định về nhiều mặt, trong đó có văn hóa truyền thống. Nhưng cứ nhớ về Trung thu xưa, nhìn Trung thu nay lại có phần gì đó tiếc nuối, xót xa cho bao nhiêu trẻ em Việt Nam khác. Trong tâm thức của nhiều người, chẳng thể nào quên mâm cỗ Trung thu xưa.

Nói về Trung thu truyền thống và Trung thu hiện đại, nhà văn Băng Sơn tâm sự: “Cuộc sống hiện đại ở thế kỷ 21, chúng ta hội nhập, tiếp thu tinh hoa của văn hoá thế giới để phát triển con người và xã hội. Thế nhưng… chúng ta lại tiếp thu quá nhiều. Những thói quen và lối sống mới ảnh hưởng rất nhiều từ văn hoá phương Tây nên dần dần chúng ta đã mất đi nhiều nét văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc. Tết Trung thu xưa và nay, thay đổi quá nhiều! Tôi thấy “tiếc”, thấy “xót xa” về điều đó!”

Theo: Báo Eva.

Bình luận đánh giá: Nhớ trung thu thời "tự chế"
Bình luận đánh giá sản phẩm
THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
bình luận
Xem bình luận có đánh giá
THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
Về Shop Trẻ Thơ
ShopTreTho.com.vn kinh doanh theo mô hình website trực tuyến kết hợp với hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ tại các thành phố lớn trên toàn quốc. Với phương châm "phục phụ khách hàng bằng cả trái tim" Shop Trẻ Thơ luôn lấy khách hàng làm trung tâm cho mọi hoạt động để tạo ra nhiều giá trị cộng đồng
Hơn 15.000 sản phẩm
500 thương hiệu nổi tiếng
Hỗ trợ 24/7 miễn phí cuộc gọi
Miễn phí vận chuyển
Giao hàng tận nhà