Nhờn với con 1 lần con sẽ hư
29/08/2012 (432 lượt xem)
Cha mẹ khiến con co dúm người, sợ hãi khi mắc lỗi là đã thất bại trong việc dạy con.
Cha mẹ khiến con co dúm người, sợ hãi khi mắc lỗi là đã thất bại trong việc dạy con. (Ảnh minh họa).
Có lần đưa con đi hội chợ, con đòi mua siêu nhân nhưng Diệp cương quyết không mua vì: ‘Ở nhà có nhiều rồi’. Cu Bi khóc ‘i ỉ’ suốt trên đường về tới tận nhà mà mẹ cũng không ‘động lòng’. Diệp phạt tiếp cu Bi ‘đứng xó’ vì không nghe lời mẹ và để mặc con khóc tới khản cổ, nói không ra tiếng...
"Nhờn" với con một lần rồi nó hư ngay. Làm gì có kiểu đòi gì được nấy” – Diệp chia sẻ. Theo Diệp, phải cứng rắn và nghiêm khắc với con ngay từ đầu vì “bé không vin, lớn gãy cành”. Sự “lạnh lùng” khi làm mẹ của Diệp không ít lần khiến chồng Diệp và ông bà nội cu Bi phát hoảng. Chẳng hạn, cu Bi gào khóc muốn xem phim hoạt hình là bị mẹ “phang” cái dép vào đít vì “Hết giờ xem rồi. Chỉ được xem 15 phút hoạt hình mỗi ngày”. Diệp không cho con xem quá thời gian quy định cho dù cu Bi đang háo hức vì bộ phim chưa kết thúc.
Một lần, Diệp đưa con sang ăn sinh nhật nhà bé hàng xóm. Thấy trời sấm chớp sắp mưa, Diệp nhắc con đứng lên để về nhưng cu Bi còn mải mê với mấy món đồ chơi nên không nghe lời mẹ. Thế là Diệp “bặm môi” kéo tay con xềnh xệch khiến bà hàng xóm phải kêu hoảng hốt: “Đừng kéo nữa, sái tay thằng bé mất”...
“Không phải mình không thương, không xót con nhưng cu Bi bướng lắm, không cứng rắn e là không được” – Diệp phân trần.
Đừng quá cứng với con
Nghiêm khắc khi dạy con là rất cần thiết nhưng nên nghiêm khắc vừa đủ. Các bé cần biết sợ để vâng lời cha mẹ nhưng không phải làm bé kinh hãi, buộc phải nghe mẹ một cách vô điều kiện mà không biết điều nào đúng – điều nào sai hoặc tệ hơn là trở nên chai lỳ cảm xúc...
Với các bé, chuyện “nhõng nhẽo” ăn vạ thường rất phổ biến. Nguyên nhân chưa hẳn do bé hư, cứng đầu, muốn làm phật ý cha mẹ mà vì bé cũng có cảm xúc, suy nghĩ riêng nên muốn chứng tỏ sự độc lập của mình. Ngoài ra, bé ăn vạ có thể do muốn được cha mẹ yêu thương, quan tâm hơn với bé. Bởi thế, khi nuôi dạy con, phụ huynh không nên tự đóng mình vào những khuôn mẫu cứng nhắc. Nên linh hoạt với bé, nhất là với những đòi hỏi của bé mà có thể đáp ứng được.
Chẳng hạn, nếu bé muốn mua siêu nhân thì có thể chiều con nhưng kèm điều kiện: “Từ giờ không được đòi mẹ mua siêu nhân nữa nhé. Ở nhà nhiều lắm rồi”. Hoặc có thể cho bé xem hết bộ phim hoạt hình mà bé thích nhưng thỏa thuận: “Ngày mai con chỉ được xem 10 phút thôi nhé”. Cha mẹ cũng có thể khuyến khích bé sang những hoạt động khác để kéo bé khỏi màn hình tivi thay vì “chiến đấu” để bé phải ngưng bộ phim hoạt hình đang xem dở.