Những nguyên tắc trong tháng cuối thai kỳ mẹ bầu cần biết để 'vượt cạn' suôn sẻ
22/02/2017 (9261 lượt xem)
Các bà bầu cần phải chú ý những điều này để đảm bảo sinh nở không phải lo tai biến.
1. Tránh nằm nhiều
Cơ thể nặng nề cùng những tác dụng phụ cuối thai kỳ làm phần lớn mẹ bầu sắp sinh cảm thấy lười, chỉ muốn nằm dài nghỉ ngơi. Ngược với suy nghĩ của các mẹ, chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu nên thường xuyên vận động nhẹ nhàng, đặc biệt là trong giai đoạn gần cuối thai kỳ. Điều này sẽ giúp hành trình vượt cạn dễ dàng hơn. Đi bộ là lựa chọn hoàn hảo nhất cho mẹ trong giai đoạn này.
2. Mẹ bớt lo, sinh con mới dễ
Không ít thì nhiều, hẳn mẹ bầu sắp sinh đều có cảm giác lo lắng, sợ hãi chuyện sinh con và những cơn đau đẻ. Thực tế, sợ hãi này chẳng giúp bạn vượt qua quá trình sinh con dễ dàng hơn. Ngược lại, sợ hãi còn làm cho quá trình này thêm “hãi hùng”, bởi khi mẹ bầu sợ hãi, quá trình co thắt tử cung sẽ bị ức chế, dẫn đến quá trình chuyển dạ kéo dài hơn, thậm chí có thể gây khó sinh.
Mẹ bớt lo, sinh con mới dễ
Qua lời đồn thổi của mọi người, đau đẻ trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều chị em phụ nữ. Thậm chí, đây là một trong số những lý do khiến nhiều bạn sợ mang thai. Thực tế, việc sinh con không “kinh khủng” như bạn tưởng tượng. Một số các biện pháp y tế đã được áp dụng giúp quá trình vượt cạn diễn ra nhẹ nhàng hơn.
3. Hạn chế chán nản, mệt mỏi
Giống lo lắng, chán nản mệt mỏi cũng không phải cảm giác tốt cho mẹ bầu và thai nhi lúc này. Thậm chí, tâm trạng không vui của mẹ còn có thể ảnh hưởng đến quá trình bé cưng chào đời nữa đấy. Tốt nhất, mẹ bầu sắp sinh nên cố gắng giữ một tâm trạng thoải mái, vui tươi trước “giờ G” để hành trình vượt cạn được an toàn, khỏe mạnh.
4. Tránh tự kích thích núm vú
Để chuẩn bị cho quá trình chào đời của bé, gần những tháng cuối thai kỳ, “núi đôi” của bạn sẽ căng phồng, sẵn sàng để tiết sữa cho bé bú. Bạn có thể massage nhẹ nhàng bầu ngực để dễ chịu hơn. Tuy nhiên, tránh không nên kích thích núm vú, bởi hành động này có thể giải phóng hormone oxytocin, loại hormone chịu trách nhiệm làm co bóp tử cung.
5. Vệ sinh “cô bé” không đúng cách
Bình thường, việc thụt rửa âm đạo sâu đã không được các chuyên gia khuyến khích. Với tình trạng hiện tại, “cô bé” đang trong tình trạng sung huyết, việc thụt rửa càng nên tránh. Mẹ bầu chỉ nên vệ sinh vùng kín bằng nước sạch, hoặc dung dịch vệ sinh. Vệ sinh từ trước ra sau, tránh để vi khuẩn từ hậu môn di chuyển lên phía trước và tấn công “cô bé”.
6. “Yêu” đúng cách trong tam cá nguyệt thứ 3
Những tháng cuối cùng của thai kỳ, nhất là giai đoạn cận kề ngày dự sinh, mẹ bầu sẽ trở nên nhạy cảm hơn hẳn. Tử cung thỉnh thoảng sẽ xuất hiện những cơn co thắt kéo dài sau khi quan hệ. Tuy quan hệ tình dục không thể làm cổ tử cung mở ra để chuyển dạ, nhưng bà bầu cũng nên nhắc nhở anh xã, không nên “tấn công” quá sâu, tránh làm đau mẹ bầu.
7. Cẩn thận chuyện ăn uống
Trong giai đoạn cuối thai kỳ, thai nhi đã thành hình và ổn định nên nhiều mẹ có xu hướng dễ dãi hơn với chuyện ăn uống của mình. Tuy nhiên, có dễ bao nhiêu, bầu cũng không nên ăn thực phẩm sống, hoặc chưa chín kỹ đâu nhé! Thực phẩm tươi sống rất dễ bị nhiễm khuẩn, chứa ký sinh trùng toxoplasmosis hoặc khuẩn E. Coli, hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.
8. Tránh đi du lịch xa
Từ tuần thai 37, bé cưng có thể sẽ chào đời bất cứ lúc nào. Vì vậy, để tránh tình huống không mong đợi, chẳng hạn như bé cưng chào đời ngay trên xe, mẹ bầu nên hạn chế đi du lịch đến những nơi xa. Hơn nữa, việc di chuyển, đi lại vào lúc này có thể làm mẹ mệt mỏi, ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
9. “Nằm lòng” những dấu hiệu sắp sinh
Chỉ có khoảng 5% trẻ sơ sinh chào đời đúng ngày dự sinh. Chính vì vậy, việc nhận biết được các dấu hiệu sắp sinh sẽ giúp mẹ bầu chuẩn bị tốt hơn. Nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu sau, ngày mẹ và bé chính thức “chào hỏi” nhau sẽ không còn xa nữa.
– Bụng bầu tụt xuống: Dấu hiệu này thường xuất hiện trước ngày sinh một vài tuần.
– Cổ tử cung mở: Tùy theo sức khỏe từng mẹ, độ mở của cổ tử cung cũng sẽ khác nhau.
– Chuột rút và đau lưng nhiều hơn: Lúc này, các cơ khớp vùng xương chậu và tử cung bị kéo căng ra để chuẩn bị cho sự chào đời của bé “vô tình” làm tình trạng chuột rút và đau lưng nghiêm trọng hơn.
– Tăng dịch tiết âm đạo: Trước ngày sinh 1 tuần, mẹ bầu sẽ thấy dịch âm đạo có màu đỏ hồng. Nếu dịch tuân thành dòng, bầu nên đến bệnh viện ngay.
– Các cơn co thắt xuất hiện ngày càng nhiều, với một tần suất nhất định. Ngay khi các cơn co thắt xuất hiện liên tục cứ mỗi 5 phút/lần, mẹ bầu nên nhanh chóng đến bệnh viện ngay
Theo Emdep