Nỗi đau người mẹ bị con hắt hủi
25/09/2012 (625 lượt xem)
Lúc bà đang bóc cho thằng cháu quả trứng gà luộc thì mẹ nó đi làm về nhìn thấy. Mẹ nó lôi cổ nó vào nhà, đánh cho nó một trận ra trò...
Không biết những đứa con của bác bao giờ mới nhận ra? (ảnh minh họa)
"Sắp tới, vợ chồng cháu cho hai đứa đi du lịch một tuần, bác có muốn về quê hay đi đâu đó thì đi cho thoải mái".
Nghe tôi nói như vậy, bác giúp việc lặng lẽ quay mặt đi nơi khác rồi bác trả lời bằng cái giọng buồn buồn: Cô chú cứ đi đi, tôi ở nhà trông nhà cho, chứ như tôi bây giờ có nhà cũng như không, có quê cũng chẳng muốn về nữa...
Cả đêm tôi mất ngủ vì những lời chua xót đó. Lòng tôi gợn lên những áy náy vì đã vô tình chạm vào nỗi đau của bác.
Bác là người giúp việc của gia đình tôi hơn gần hai năm nay. Một người phụ nữ gần 60 tuổi, thật thà, chăm chỉ, biết việc và đặc biệt là rất biết cách chăm trẻ con, lại sẵn sàng ở với gia đình tôi đến khi nào tôi không có nhu cầu nữa thì thôi. Có được một người giúp việc như thế phải nói tôi rất yên tâm. Gia đình mà có được một người bà, người mẹ như thế thì còn gì bằng vậy mà bác đã bị hất ra bên lề cuộc sống. Đau lòng hơn khi người làm việc đó lại là đứa con mình rứt ruột đẻ ra. Câu chuyện buồn đó, bác không kể với tôi nhưng tôi biết qua chị bạn đồng nghiệp trong phòng là đồng hương với bác. Chính chị là người đã giới thiệu bác ấy cho tôi.
Chồng mất sớm, bác Q một mình vất vả nuôi cậu con trai khôn lớn, rồi đến tuổi trưởng thành thì lập gia đình cho con. Cuộc sống mẹ góa con côi bao nhiêu năm dường như trở nên ấm cúng hơn khi nhà có thêm con dâu và cháu nội. Bản thân bác Q trước đây là cô giáo dạy mầm non ở xã. Từ ngày về nghỉ hưu, có bao nhiêu thời gian, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu kinh nghiệm chăm sóc nuôi dạy trẻ bác dành chăm sóc thằng cháu đích tôn để bố mẹ nó rảnh tay làm ăn. Kinh tế gia đình nhờ vậy mà trở nên khấm khá. Những tưởng cuộc sống cứ thế thuận buồm xuôi gió nào ngờ mâu thuẫn nảy sinh khi con trai bàn với bác chuyện cắt một phần đất trong vườn bán để lấy tiền đầu tư làm ăn. Một người mẹ như bác dành cả cuộc đời để lo cho còn thì miếng đất nào có tiếc gì nhưng vướng nỗi trước khi chồng mất đã trăn trối với bác rằng: Đây là miếng đất của tổ tiên để lại, là nơi thờ tự nên dù trong hoàn cảnh nào bà cũng không được bán.
Bác đã nói cặn kẽ, ngọn ngành để con trai và con dâu hiểu. Bù lại có bao nhiêu tiền tiết kiệm tích cóp được bác dồn hết đưa cho con làm ăn dù số tiền đó không nhiều. Không đạt được ý định nên con trai và con dâu bác sinh sự. Đầu tiên là những lời nói bóng gió trách móc rồi đến những va chạm và rồi một ngày chúng đòi ăn riêng, ở riêng. Bác đau lòng lắm nhưng không còn cách nào khác. Ngôi nhà có ba người lớn, một đứa trẻ con được ngăn ra làm hai. Một bên là sự vui vẻ, ồn ào của tiếng ti vi, tiếng karaoke, tiếng chúc tụng của những bữa ăn uống, hội họp, tiếng cười nói của con trẻ còn bên này bác thui thủi một mình.
Bác ốm, con trai và con dâu tuyệt nhiên không dòm ngó. Không những thế, con dâu bác con tỏ ra khó chịu khi thằng cháu đích tôn mà bác ôm ấp suốt hai năm đầu đời qua lại với bà. Bác đau đớn lắm nhưng tình cảm bà cháu là thứ tình cảm mãnh liệt không gì ngăn được nên thỉnh thoảng bác vẫn lén lút sang chơi với cháu hoặc dấm dúi cho nó cái nọ cái kia. Nhưng rồi một lần, lúc bác đang bóc cho thằng cháu quả trứng gà luộc thì mẹ nó đi làm về nhìn thấy. Mẹ nó lôi cổ nó vào nhà, đánh cho nó một trận ra trò. Chịu không nổi, bác đôi co với con dâu. Từ đó, mẹ nó cấm tiệt thằng bé không được bén mảng sang bà nữa. Có hôm đi chợ mua cái bánh, quả cam... cho cháu, bác đều nhờ hàng xóm mang sang. Cháu nhìn thấy bà muốn chạy đến nhưng thấy mẹ lừ mắt nên thôi. Cách nhau có một bức tường mà như cách xa ngàn cây số. Nhiều khi muốn bế bồng, cưng nựng cháu lắm nhưng bác phải kìm nén vì không muốn vì mình mà cháu phải khổ.
Có lương hưu đủ sống nhưng bác đành khóa cửa nhà để đi giúp việc. Nhiều lần, tôi vô tình bắt gặp bác ngắm nghía tấm hình bé xíu của thằng cháu đích tôn rồi rơm rớm nước mắt. Nhiều lần nhìn thấy bác ôm hôn con tôi, chồng tôi không thích, bố mẹ chồng tôi lo sợ những điều xa xôi nhưng tôi gạt đi. Vì tối biết không giống như nhiều người khác, bác ấy đi giúp việc không phải vì tiền mà muốn có được cái cảm giác của gia đình, nhất là được gần gũi với trẻ con. Tôi vẫn để cho bác ấy gần gũi, thậm chí cả quấn quýt các con tôi vì tôi biết tình cảm đó là thật lòng và cũng để xoa dịu nỗi đau của một người mẹ, người bà khi bị tước đoạt đi những tình cảm thiêng liêng.
Tôi đã bàn với chồng để bác đi du lịch cùng gia đình chúng tôi. Nhìn khuôn mặt của bác vừa ái ngại vừa sụt sùi khóc vì cảm động, tôi thấy thương bác vô cùng.
Tôi nhớ điều thứ 6 trong 14 điều răn dạy của Phật có ghi: "Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu". Không biết những đứa con của bác bao giờ mới nhận ra???