Nỗi lo trẻ đến tuổi mà chưa biết đi!
05/04/2013 (372 lượt xem)
Làm thế nào khi trẻ đến tuổi mà chưa biết đi? Chậm biết đi là do mẹ cứ sự con té!
Chú bé có đôi mắt tròn xoe níu chặt lấy bà mẹ, không chịu ngồi xuống ghế để bác sĩ khám bệnh. Bác sĩ trấn an bé: “Con ngoan nè để bác sĩ coi tí xíu nhe! Cháu bị làm sao vậy chị?”. Bà mẹ đáp: “Bác sĩ ơi, con tôi chậm biết đi quá chừng, cháu được 15 tháng rồi mà chưa biết đi, trong khi con người ta cùng tuổi cháu chạy có cờ!”.
Bác sĩ khám tổng quát... rồi đỡ cháu đứng xuống đất, yêu cầu người mẹ lùi ra xa, lấy tay ngoắc ngoắc cháu đến với mẹ. Đứa bé run run đứng chựng, đôi chân không dám nhấc lên, nó khóc ré kêu mẹ, hai mắt nhắm nghiền, mẹ định chạy đến bế con nhưng bác sĩ cản lại, bảo chờ chút xíu.
Bé mở mắt ra không thấy mẹ đến, nó từ từ nhấc một chân lên rồi bước tới, một bước, hai bước, bỗng cháu chạy về phía trước, loạng choạng sắp ngã, bác sĩ vội đưa tay đỡ lấy hai nách của cháu rồi giao cho mẹ. Bác sĩ nói cháu đi được bình thường, chỉ có điều hơi... nhát! Mẹ cố gắng tập cho bé đi từ từ, bé sẽ tự tin. Phương pháp tập đơn giản như sau:
Tập cho bé chủ động, không lệ thuộc vào người lớn như: hạn chế bồng bế bé, cho bé tự ngồi, tự chọn đồ chơi và chọn cách chơi của mình.
Giúp bé biết đứng, đứng càng lâu càng tốt. Khi đứng nhiều sẽ làm cho cơ, xương, khớp vùng chân, vùng chậu của bé khỏe và sớm thích nghi với việc giữ thăng bằng khi đứng. Thỉnh thoảng đỡ bé đứng lên, cho bé với lấy các đồ chơi ngang tầm nhìn của bé, khi mặc quần áo cho bé cũng đỡ cho cháu tư thế đứng xỏ chân vào quần. Khi đứng vững, cháu sẽ tập những bước đi đầu tiên.
Đứng sau lưng bé, đỡ nhẹ hai tay bé rồi từ từ thả tay ra để bé bước tới. Lấy một món đồ chơi để trước mặt bé, đỡ bé đứng lên, cầm tay bé cho bé với lấy món đồ chơi, hai chân bé sẽ bước tới, mẹ và người thân sẵn sàng động viên khen ngợi bé khi bé tự bước đến lấy được món đồ chơi đó.
Mẹ đứng đằng sau nắm lấy hai tay bé, đặt hai bàn chân của bé lên chân mẹ. Mẹ và con cùng bước tới, vừa đi vừa đùa vừa hát làm bé thích thú. Bước vài bước rồi nghỉ, lại bước tiếp làm bé háo hức muốn kéo mẹ đi cùng.
Tập cho bé trèo cầu thang, biết bò là bé ham thích... bò lên cầu thang, hãy cho bé được tự do thoải mái khám phá cầu thang, mẹ bảo đảm luôn có mặt bên cạnh để bảo vệ cho bé không…rơi xuống đất! Cầu thang là nơi dễ xảy ra tai nạn nhất cho bé, vì vậy mẹ hết sức thận trọng, không bao giờ cho bé lên cầu thang một mình dù sau này bé đã đi vững vàng.
Cho bé chơi đùa với anh chị em, nhóm trẻ cùng trang lứa để bé bắt chước và cố gắng làm theo anh chị, trong đó có việc tập đi. Sự kiên nhẫn và động viên kịp thời của mẹ sẽ giúp bé tự tin bước đi trên chính đôi chân của mình.