Nơm nớp canh chừng mẹ chồng
18/04/2013 (408 lượt xem)
Có một điều ở mẹ chồng mà Quy rất ngán, đó là bà quá ư mê tín
Nơm nớp canh chừng mẹ chồng
Mẹ chồng chị Quy cũng giống như đa số các bà mẹ chồng Việt khác: thương con thương cháu, thỉnh thoảng cũng săm soi, bắt ne bắt nét con dâu một chút nhưng nói chung là ở mức độ chịu đựng được. Chị Quy đảm đang, có thói quen chiều lòng mọi người nên hai người phụ nữ chung sống hòa thuận, quý mến nhau. Duy có một điều ở mẹ chồng mà Quy rất ngán, đó là bà quá ư mê tín, đến mức có thể nói là "bệnh".
Từ hồi có con dâu để phó thác hết việc nhà, bà vô cùng sung sướng vì được thỏa mãn tâm nguyện dành hết thời gian cho việc thờ cúng. Riêng việc mua lễ, soạn mấy cái bàn thờ trong nhà để thắp hương ngày vài ba bận đã chiếm rất nhiều thời gian của bà, chưa kể chuyện đi lễ lạt, khấn vái, xem bói... các nơi. Nếu chỉ là chuyện riêng của bà thì chẳng nói làm gì, đằng này đam mê đó ảnh hưởng đến tất cả mọi người trong gia đình.
"Chỉ riêng việc ăn lộc thắp hương là đủ phát ốm lên rồi. Hễ thấy ai về đến nhà là bà đặt ngay trước mặt một đống hoa quả, bánh trái, bắt ăn đi kẻo lộc mà để thừa là có tội. Đến bữa cơm, bà cũng chia cho mọi người bánh mỳ thắp hương, không ăn thì bà giận mà ăn thì còn bụng dạ đâu cho những món khác. Nhưng nói kiểu gì thì hôm sau bà vẫn lại mua đủ các thứ ấy để cúng, và lại bắt ăn. Cả bố chồng lẫn chồng tôi nhiều lần cáu um lên, nhưng rồi vẫn phải ăn khi thấy bà lủi thủi quay đi chùi nước mắt, miệng lẩm bẩm là tôi cũng chỉ vì cái nhà này mà thôi", Quy kể.
Nhưng điều làm Quy không chấp nhận được là thói mê tín của bà ảnh hưởng đến con chị. Thằng bé sinh non, suy dinh dưỡng trong bụng mẹ nên biếng ăn, còi cọc, ốm đau luôn. Các bác sĩ cũng chỉ biết khuyên Quy là phải kiên trì, vì thể chất của bé không được như các bé khác. Thế nhưng mẹ chồng thì cho rằng cháu ốm là do bố mẹ nó chưa đủ thành kính với các đấng bề trên. Thuyết phục các con "thành tín' hơn không được, mẹ chồng Quy quyết định tự mình phải ra tay.
Nhiều hôm đi làm về, không thấy con đâu, chị Quy gọi điện cho mẹ chồng và hết hồn khi bà nói đang đưa cháu đến nhà thầy bà nào đó để làm lễ cho nó khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. " Có lần bà đưa nó đi đến nhà thầy gì ở tận Phú Thọ, giữa trời rét căm căm. Về nhà, nó bị cảm lạnh, ốm luôn cả chục ngày. Mình xót con nhưng chẳng dám làm dữ với mẹ chồng. Chồng mình thì điên lên, mắng bà một trận, bà khóc lóc, khiến anh ấy lại phải xin lỗi", Quy kể.
Không được đưa cháu đến nhà thầy nữa, bà đành xoay cách khác. Mỗi lần thấy cháu ốm dăm ngày chưa khỏi, mẹ chồng Quy một mình bắt xe đến nhà một thầy mà bà tín nhiệm, nhờ thầy làm lễ từ xa rồi xin bùa cho cháu. Mang bùa về, bà đốt lên hòa với nước, cho cháu uống. Lần đầu bắt gặp mẹ chồng cho thằng bé hơn 9 tháng tuổi uống thứ nước gì đó, chị hỏi thì bà bảo thuốc. Thấy thái độ khả nghi, Quy chạy lại nhìn vào chén, lập tức hiểu ngay vấn đề.
" Tôi giật phắt cái chén trong tay bà, kêu toáng lên. Dù sau đó bà khóc, tôi cũng mặc kệ. Tôi chiều và nhịn bà trong mọi chuyện, nhưng chuyện liên quan đến sức khỏe của con mình thì không. Tôi bảo từ giờ trở đi mẹ không được cho cháu uống bất cứ thứ thuốc hay nước phép gì. Thế nhưng tôi biết thỉnh thoảng bà vẫn rình lúc tôi không có nhà để đốt bùa cho thằng bé uống. Thế nên mỗi khi con ốm, tôi đi làm cứ nơm nớp lo", Quy tâm sự. Những ngày đó, chị toàn làm việc quấy quá để còn về nhà sớm canh chừng mẹ chồng.
Thỉnh thoảng, mẹ chồng Thanh lại yêu cầu vợ chồng cô nghỉ việc để cùng bà đi lễ, đi cúng giải hạn... (Ảnh minh họa)
Náo loạn vì mẹ chồng mê tín
Ngôi nhà của Thanh thường xuyên náo loạn vì tính mê tín của mẹ chồng cô. Cứ dăm bữa nửa tháng bà lại dẫn một ông thầy phong thủy về nhà, ngắm ngắm nghía nghía, đo đo đạc đạc, rồi thông báo với cả nhà rằng phải xoay lại bếp, hoặc xê dịch cái cổng, làm lại ban thờ...
"Nhà bé như cái mắt muỗi mà suốt ngày đập đi xây lại, cát bụi mù mịt, bẩn thỉu vô cùng. Nhưng bà đã quyết là làm, bảo nếu không thì cả nhà sẽ gặp tai họa. Không ai cản được. Tốn kém đã đành, tôi thấy cực kỳ căng thẳng, vì đi làm đã vất vả, về lại con cái, chăm sóc nhà chồng, trong khi nhà cửa chật chội, thường xuyên trong tình trạng bẩn thỉu, tạm bợ, thợ thuyền ra vào", Thanh than.
Thỉnh thoảng, mẹ chồng Thanh lại yêu cầu vợ chồng cô nghỉ việc để cùng bà đi lễ, đi cúng giải hạn... "Đấy là vì công việc, sự nghiệp của các con. Mẹ phải nói khô cả lưỡi thầy mới chịu làm cho bọn mày sớm đấy. Bao nhiêu người đang xếp hàng chờ kia kìa. Mẹ nhọc công thế, chúng mày có mỗi việc đi theo mà cũng không chịu là không được đâu", bà tuyên bố. Hai vợ chồng Thanh đều rất bận, cũng chỉ chiều ý bà được một vài lần, vì thế thỉnh thoảng nhà lại om sòm tiếng khóc lóc, mắng mỏ, tiếng cáu gắt, van lơn..., vô cùng căng thẳng.
Hễ trong nhà có người ốm, hay gặp rắc rối trong công việc, hoặc có chuyện không hay nào đó, bà lại kêu ầm lên là tại mọi người không chịu kiêng, không chịu thờ, một mình bà vá đắp cho cả nhà nhưng không xuể. Đến bố chồng Thanh nhiều khi cũng chịu không nổi, phát khùng lên: " Tôi xin bà, cho tôi yên thân".
Mẹ chồng Thanh vừa bị tiểu đường vừa cao huyết áp, mỡ máu cũng cao. Thế nhưng bà dứt khoát không chịu điều trị theo chỉ định của bác sĩ, chỉ đi cúng sao giải hạn, xin bùa và nước phép. Bánh lộc không ai ăn, bà sợ phải tội nên cố ăn hết. "Đã nhiều lần mẹ chồng tôi phải nhập viện vì đường huyết tăng vọt, bác sĩ khuyên rất nhiều, nhưng bà vẫn bỏ ngoài tai. Bà bảo chuyện cõi tâm linh, bác sĩ biết làm sao được. Bà ốm hay khỏe là do bề trên quyết định, chẳng qua bà lòng thành nhưng chồng con bà bất kính nên mới thế", Thanh nói.
Hiện Thanh mang bầu 4 tháng, mẹ chồng đã suốt ngày hối thúc cô đi làm lễ, xin ân huệ bề trên rồi. Cô rất lo rằng mai này khi đứa trẻ ra đời, chuyện nuôi con của cô sẽ bị phiền hà không ít vì sự mê tín của mẹ chồng. Cô cho biết, mình sẽ phải lôi kéo những người khác trong nhà làm đồng minh để đứa bé không bị lôi vào những cuộc cúng bái của bà.
"Thường thì phải có một kinh nghiệm xương máu, người ta mới tỉnh ngộ ra, nhưng như thế thì muộn quá. Mình hy vọng gia đình mình sẽ không gặp phải chuyện đó", cô nói.
ST: ThuyDuong