Phương pháp giúp trẻ tập trung hơn khi học
12/05/2012 (560 lượt xem)
Sự tập trung khi học bài đòi hỏi hội tụ nhiều yếu tố bao gồm tập trung cả mắt và trí óc. Nhưng trên thực tế quá trình hội tụ này không dễ dàng thực hiện ở rất nhiều trẻ nhỏ, do đó chúng gặp phải vấn đề khó tập trung khi học bài. Tuy nhiên các bậc phụ huynh có thể tham khảo một số điểm sau đây để giúp trẻ tập trung hơn khi học.
Nguyên nhân khiến trẻ không tập trung
Câu trả lời là đôi khi xuất phát từ những hành động của chính cha mẹ trẻ: Cha mẹ đã không yêu cầu nghiêm khắc, không rèn trẻ ngay từ thời kỳ đầu đi học. Trẻ vừa bắt đầu đi học, khi về nhà làm bài tập, cha mẹ vừa sợ trẻ đói, vừa sợ trẻ mệt, một lúc lại đưa đồ ăn, một lúc lại đưa nước uống... lâu dần trẻ sẽ hình thành thói quen không tốt như: khi làm bài tập thì ăn vặt, nói chuyện... Trẻ thậm chí mang cả những điều này đến lớp khiến thầy cô và các bạn phiền lòng.
Có một số cha mẹ lại muốn giảm gánh nặng việc học trên lớp của con, họ cho con thời gian tham gia vào các hoạt động ngoại khóa quá nhiều: học đàn, học vẽ... làm cho trẻ mệt mỏi. Về đến nhà cha mẹ lại để cho con nghỉ ngơi, hay chơi một chút để lấy lại sức. Kết quả là trẻ không còn nhiều thời gian làm bài tập, hơn nữa lại mệt mỏi, việc yêu cầu trẻ tập trung quả là rất khó đối với trẻ.
Hơn nữa, hệ cơ của trẻ đang trong giai đoạn phát triển nên trẻ vô cùng hiếu động. Trẻ không thể ngồi một chỗ mà luôn tay luôn chân, chạy nhảy, leo trèo, nô đùa và hò hét thỏa thích, hoặc ngồi táy máy, hì hục nghịch phá một trò nào đó, hay làm một việc gì đó vừa sức mình. Cũng chính vì thế mà việc yêu cầu các em phải ngồi yên một chỗ tập trung học quả là một vấn đề khó khăn.
Kèm cặp thích hợp
Thời kỳ đầu đi học, mức độ tập trung chú ý, tính kiên trì ở trẻ còn hạn chế, sự kèm cặp bên cạnh của người lớn là một sự ủng hộ hết sức có ý nghĩa đối với trẻ. Nhưng cha mẹ cần chú ý khi kèm cặp, cha mẹ cần quan tâm đến quá trình học của trẻ không nhất thiết phải quá để ý đến tình hình cụ thể của việc học. Có thể cha mẹ ngồi cạnh con nhưng để con chuyên tâm làm bài tập và cha mẹ cũng chuyên tâm làm việc của mình.
Tạo môi trường
Cần tạo cho trẻ một không gian yên tĩnh cho trẻ học bài và khi trẻ đã học bài thì cha mẹ không nên nói năng, quát mắng hay gây ra những âm thanh: đài, ti vi, tiếng ồn ào khiến cho trẻ mất tập trung.
Sắp xếp thời gian làm bài tập của trẻ linh hoạt
Cha mẹ không nên quá cứng nhắc với thời gian làm bài tập của trẻ. Chẳng hạn, nếu hôm nào đó, trên truyền hình có chương trình trẻ hứng thú, bổ ích với trẻ mà vào đúng giờ làm bài tập của trẻ thì cha mẹ hãy cho trẻ xem hoặc khuyến khích trẻ xem. Vì nếu như không cho trẻ xem mà bắt trẻ làm bài tập thì trong đầu trẻ vẫn luôn nghĩ đến chương trình kia, khó tập trung vào việc học. Tuy nhiên khi để cho trẻ xem, cha mẹ cũng cần phải làm cho trẻ hiểu rõ sự quan trọng giữa việc học và xem ti vi, phải lấy tiêu chí đầu tiên là không để ảnh hưởng đến việc học chứ không phải là nhượng bộ trẻ.
Nêu gương
Trẻ học rất nhiều từ cha mẹ, vì vậy mà từ chính hành động của mình cha mẹ cũng có thể hướng dẫn cho con khả năng tập trung khi làm một việc gì đó. Như khi làm việc tại nhà cha mẹ hãy tập trung làm cho xong việc, không nên làm nhiều việc một lúc hoặc thường xuyên bỏ dở công việc.
Ngoài ra, phần lớn trẻ nhỏ thường thích nghe kể chuyện, cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe những câu chuyện sinh động về các danh nhân, những tấm gương về khả năng tập trung và có ý chí học tập, làm việc để trẻ noi theo và học tập.
Chú ý sức khỏe của trẻ
Cha mẹ phải quan tâm đến giấc ngủ của trẻ. Khi không được ngủ đủ và nghỉ ngơi trong đêm trước đó, trẻ sẽ dễ mất tập trung. Ngoài ra cũng cần cho trẻ vận động, tập thể dục hay tham gia chơi một môn thể thao nào đó. Việc này giúp máu luân chuyển đều khắp cơ thể và các hormone phản ứng, làm gia tăng hoạt động trí não, tăng độ nhạy bén.
Ngoài thời gian học, cha mẹ nên để trẻ được vui chơi thoải mái. Không nên tranh thủ bắt trẻ học ở các thời gian trống vì như vậy càng làm cho trẻ căng thẳng, mệt mỏi, không tập trung học được mà còn ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.