Rèn lại nếp ngủ sớm cho trẻ lớn đã quen thức muộn
05/03/2021 (11433 lượt xem)
Bé nhà bạn bao nhiêu tuổi? Con đi ngủ tối lúc mấy giờ? Và thức dậy vào sáng hôm sau lúc mấy giờ? Có khi nào bạn gặp khó khăn trong việc giục giã con đi ngủ mỗi đêm? Hay cảm thấy вất lực mỗi sáng phải gọi con thức giấc?
Buổi sáng bạn thong dong hay quàng chân lên cổ chạy mà vẫn muộn? Đã bao giờ bạn dành được 15 phút mỗi sáng chơi với con trước khi bạn đi làm và con đi học?
Hãy thật nghiêm túc trả lời câu những câu hỏi trên của tôi. Tôi cũng sẽ làm việc đó y như bạn nhưng ở cuối bài viết này. Còn trước nhất, tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện.
Khi con trai tôi được tầm 8 tháng, người sếp trực tiếp của chồng tôi từ мỹ qua Việt Naм làm việc và đến nhà tôi ăn tối. Ông rất muốn được gặp mặt Tee nhưng chẳng bao giờ có cơ hội vì khi ông và chồng tôi trở về từ nhà máy cũng là lúc tôi đã cho Tee ngủ xong. Hồi đó, Tee vẫn thường lên giường đi ngủ khoảng tầm 6 rưỡi tối.
Người sếp của chồng tôi không hề tỏ ra khó chịu, ngược lại ông vô cùng vui vẻ và ủng hộ việc vợ chồng tôi cho con đi ngủ sớm. Ông kể ở Mỹ, trẻ em dưới 12 tuổi đều đi ngủ từ tầm 8 giờ – 8 rưỡi tối. Nhiều gia đình sau khi con ngủ xong, bố mẹ mới ăn tối hoặc làm việc riêng của mình.
Lợi ích của việc cho trẻ đi ngủ sớm rất nhiều như:
– PHÁT TRIỂN TRÍ NÃO. Các nhà khoa học cho rằng “bộ não buổi sáng” (thuật ngữ chỉ việc để trẻ được dậy sớm và não hoạt động bắt đầu từ sáng sớm) rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.
– TĂNG SỨC ĐỀ KHÁNG. Trẻ con ngủ sớm dậy sớm luôn cảm thấy khỏe khoắn, vui tươi, tràn đầy năng lượng. Cũng nhờ đó mà con có sức đề kháng tốt hơn, ít ốm đau hơn.
– TRÁNH BÉO PHÌ, TRẦM CẢM VÀ CÁC BỆNH VỀ NÃO BỘ khi trưởng thành. Khi ngủ sớm, cơ thể trẻ sản sinh ra chất serotonin, một chất giúp con luôn tích cực. Khoa học đã nghiên cứu, những em bé ngủ muộn có nhiều khả năng bị các chứng bệnh khi trưởng thành, trong đó có chứng bệnh mất trí Alzheimer.
– CAO HƠN do tiếp nhận nhiều hooc môn tăng trưởng. Hooc môn tăng trưởng chiều cao của cơ thể người được kích thích trong giai đoạn 21 giờ tối – 1 giờ đêm. Trong đó, khoảng thời gian 22 giờ – 22 giờ 30 là tuyến yên tiết hoocmon đỉnh điểm. Tuy nhiên, chúng chỉ làm việc khi và chỉ khi bé đã ngủ say. Vì lẽ đó, trẻ em nên lên giường trước 8 rưỡi tối để kịp chìm vào giấc ngủ say kịp cho hoocmon tăng trưởng làm việc.
– Cuối cùng, là bố mẹ hoàn toàn có THỜI GIAN CHO RIÊNG MÌNH. Không ít bố mẹ than phiền từ lúc có con chẳng còn thời gian dành cho riêng mình. Bởi lẽ bố mẹ không biết tận dụng khoảng thời gian quý báu nếu cho con ngủ sớm. Đây là lúc bố mẹ nghỉ ngơi, dành thời gian cho công việc yêu thích của mình. Kịp sạc đầy pin năng lượng để chuẩn bị cho một ngày mới.
Tôi dám cá chắc phần đông bố mẹ đều biết được những lợi ích từ việc cho con đi ngủ sớm, nhưng không phải ai cũng chịu thực hiện.
Gần đây nhiều bạn gửi cho tôi bài viết từ một bác sĩ khẳng định đi ngủ mấy giờ không quan trọng, quan trọng là có ngủ đủ số giờ và chất lượng ngủ có đảm bảo hay không. Thực ra bài được viết bởi một chuyên gia và có dẫn chứng khoa học nên chắc là không sai.
Tuy nhiên, tôi tự hỏi:
1. Như thế nào là “chất lượng ngủ”? Việc ngủ 7-8 giờ để vào giấc ngủ sâu, kịp để cơ thể phóng thích ra các hoocmon tăng trưởng liệu có gọi là “chất lượng ngủ” được đảm bảo không? Nếu như vậy, ngủ từ 10-11 giờ, không được tiếp nhận hoocmon thì chắc chắn đồng nghĩa với việc không đảm bảo chất lượng ngủ.
2. Nếu ngủ đủ số giờ nhưng đi ngủ muộn? Liệu có ai dám khẳng định bé 11 giờ mới đi ngủ và kể cả là ngủ liền một mạch đến 9 giờ sáng hôm sau để đủ cơ số giờ là tốt hơn một bé ngủ từ 8 giờ và thức dậy lúc 6 giờ sáng? KHÔNG NGỦ LÚC 7 GIỜ KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI VIỆC NÊN NGỦ SAU 9-10 GIỜ TỐI.
3. Bao nhiêu bố mẹ tạo cho bé thói quen ngủ muộn từ lúc sơ sinh có thể đảm bảo bé biết tự ngủ, bé tự chuyển giấc, bé ngủ xuyên đêm, sáng thức dậy với nụ cười trên môi và sẵn sàng tự chơi cả nửa tiếng đồng hồ (dù mới chỉ 2-3 tháng tuổi) để bố mẹ được ngủ nướng thêm chút? Hay là mẹ đang vô cùng mệt mỏi vì cả đêm cứ lục đục vài lần? Vì suốt 2-3 năm nay không một đêm được ngủ trọn vẹn?
KHÔNG PHẢI BÉ NGỦ SAU 7 GIỜ LÀ NGU ĐẦN MÀ LÀ NẾU BÉ ĐƯỢC NGỦ SỚM VÀ NGỦ ĐỦ THÌ CHẮC CHẮN SẼ ĐƯỢC PHÁT TRIỂN TRÍ NÃO VÀ THỂ CHẤT HƠN RẤT RẤT NHIỀU LẦN (ngay kể cả so với sự thông minh và hoạt bát của bé bây giờ).
Dĩ nhiên, như tôi đã nói trong bài viết trước, bố mẹ chỉ cho con ngủ sớm được khi và chỉ khi hiểu được tầm quan trọng cũng như thực sự mong muốn. Còn nếu ai đó nói: “Tôi đã hài lòng với sự thông minh của bé nhà tôi lắm rồi!”. Ok, không ai hiểu con và muốn làm điều tốt cho con hơn bố mẹ. Hãy cứ cho bé ngủ theo giờ mà bạn nghĩ là đúng.
Còn như đã hứa, trong bài viết này, tôi sẽ mách cho các mẹ cách để đẩy tăng giấc ngủ của con sớm hơn. Mọi phương pháp luyện ngủ cho bé đều được rèn nhanh nhất và giá trị nhất ngay từ những ngày đầu tiên lọt lòng. Tuy nhiên, nếu bé nhà bạn đã lớn hơn chút, đang giữ thói quen đi ngủ muộn và bạn thực lòng muốn cải thiện điều đó, hãy thử làm theo những bước sau đây:
BƯỚC 1: TỰ HỎI BẢN THÂN “BẠN CÓ THỰC SỰ MUỐN CON ĐI NGỦ SỚM?”
Chỉ khi bạn thực sự mong muốn cải thiện giờ ngủ của con, hãy đọc các bước tiếp theo. Còn nếu bạn vẫn có chút vấn vương muốn con tham gia những cuộc chơi 10-11 giờ đêm, nếu bạn vẫn nghĩ ngủ muộn không hề нại sức khỏe và trí não của con, nếu bạn vẫn cho rằng lớn rồi tự khắc đổi thì tôi khuyên chân thành bạn hãy dừng lại. Chúng ta sẽ gặp nhau trong một chuyên đề khác, không phải giấc ngủ của con.
Chỉ khi bạn đủ quyết tâm, kiên nhẫn và lòng tin, bạn mới thành công!
BƯỚC 2: NÓI CHUYỆN VỚI NGƯỜI THÂN.
Là chồng, là ông bà, là những người sống chung mái nhà với bạn. Bạn cần nhận được sự ủng hộ từ phía họ, đặc biệt là chồng. Nếu bạn không đủ kiên định, bất cứ lời khiển trách cho con đi ngủ sớm nào từ phía gia đình cũng rất dễ khiến bạn lung lay.
Có người tỏ ý dè bỉu: “Thế con đi ngủ sớm tức là cả nhà phải tắt điện, tắt ti vi chắc?”. Ơ hơ, chính là thế đó. Bạn sao có thể bắt con chăm đọc sách khi chính bạn luôn dán mắt vào điện thoại? Nên dĩ nhiên cũng chẳng thể bắt con đi ngủ khi bố mẹ vẫn đang gác chân xem vô tuyến? Bạn là tấm gương cho bé. Đèn có thể vẫn sáng nhưng chỉ lờ mờ, ti vi có thể vẫn bật nhưng khi con đã ngủ say.
LƯU Ý:
– Đây là giờ tắt đèn. Các thao tác chuẩn bị cho đi ngủ như lau mặt nước ấm, thay quần áo ngủ, kể chuyện, đánh răng… cần được làm dần trước đó 30 phút.
– Không ngay lập tức bắt bé ngủ như giờ mẹ yêu cầu. Ví như con đang ngủ 11 giờ, mẹ bắt con lên giường lúc 8 rưỡi. Dĩ nhiên bé sẽ không hợp tác hoặc nếu có ngủ được đêm sẽ thức.
– Mẹ có thể thay đổi thời gian tùy theo sự hợp tác của mỗi bé. Có bé có thể tăng 5 phút/ ngày nhưng cũng có bé 5 phút/3-4 ngày. Nếu bé đã ngủ quen giờ đó 1-2 ngày, bạn hãy tiếp tục đẩy tăng giờ. Nếu bé vẫn trằn trọc và khó ngủ, mẹ giữ nguyên giờ đó cho tới khi nào con quen giấc.
– Đảm bảo thực hiện nghiêm các nguyên tắc trước giờ đi ngủ: không xem thiết bị điện tử, không ngủ giấc ngày sau 4 giờ chiều, có các thao tác báo hiệu giấc đêm…
– Trung bình bạn sẽ mất 3-4 tuần để đưa con về giờ bạn mong muốn. Tuy nhiên, cũng có những bạn lớn cần hơn 6-8 tuần mới quen. Điều này phụ thuộc và sự kiên nhẫn của mẹ và cả lứa tuổi của bé (càng bé càng dễ).
Rất nhiều mẹ đã thử và thành công. Tôi không quên được một bà mẹ nói với tôi đã mất gần 4 tháng để rèn cho đứa con 5 tuổi đi ngủ từ 11 rưỡi đêm về 9 giờ tối. Bạn cũng sẽ thành công nếu bạn thực sự muốn!
HÃY CHO CON QUYỀN ĐI NGỦ SỚM (tốt nhất là trước 8 rưỡi tối) ĐỂ KỊP TRAO CHO BÉ NHỮNG ĐIỀU TỐT ĐẸP NHẤT MÀ SẼ CHẲNG BAO GIỜ CON CÓ ĐƯỢC LẦN THỨ HAI TRONG ĐỜI.
Nguồn: Mẹ Tee