Tâm sự ngày nhà giáo

, 19/11/2012 (612 lượt xem)

Từ xưa đến nay dân tộc ta luôn có truyền thống tôn sư trọng đạo, nhân dân ta rất tôn trọng người thầy, mối quan hệ thầy trò trong toàn xã hội luôn được đề cao qua mọi thời kỳ.

Tâm sự ngày nhà giáo

“Bồng bồng mẹ bế con sang

Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo

Muốn sang thì bắc cầu Kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Chị Hồng một giáo viên tiểu học tại Hải Phòng tâm sự :“Ngay từ thưở còn là cô học trò tôi đã mơ ước sau này được trở thành cô giáo đứng trên bục giảng. Với tôi cũng như mọi người nghề giáo là một nghề cao quý, tới nay ước mơ đó của tôi đã được thực hiện. Khi còn là sinh viên sư phạm tôi luôn phấn đấu với bầu nhiệt huyết của mình, để sau này khi trở thành người giáo viên phải xứng đáng với sự tin yêu của toàn xã hội.

Tôi vinh dự được làm việc trong ngành giáo dục, và trực tiếp đứng trên bục giảng truyền đạt những kiến thức cho những học trò thân yêu. Muốn trở thành một nhà giáo chân chính, người thầy phải lao động thật nghiêm túc, không ngừng học tập nâng cao trình độ của mình và phải luôn luôn tu dưỡng đạo đức mới xứng đáng với vinh danh nhà giáo. Nhà giáo là một nghề cao quý trong những nghề cao quý”.

Nghề giáo là một nghề vinh quang, xong người thầy cũng hết sức vất vả, nhọc nhằn thức khuya dậy sớm. Thầy cô cũng có gia đình, cũng có bao lo toàn cho cuộc sống gia đình mình, nhưng các thầy cô vẫn biết vượt qua được khó khăn đó để đến với những học sinh thân yêu.

Chị Việt Hà tâm sự khi được hỏi về cuộc sống hiện nay :

“ Nhiều phụ huynh cho rằng cuộc sống của giáo viên hiện nay đã được cải thiện khá nhiều, giáo viên ai cũng có thu nhập cao. Trong thực tế không phải giáo viên nào cũng có được cuộc sống như vậy. Tôi đã có thâm niên trong nghề giáo chục năm nay, nhưng đến nay tôi vẫn chỉ là một giáo viên hợp đồng tại một trường tiểu học thuộc một phường tại Hải Phòng.Truyền thống của gia đình tôi là nhà giáo, ngay từ nhỏ tôi cũng mơ ước trở thành giáo viên, đã có lúc tôi rất thất vọng và bi quan về sự nghiệp của tôi nếu như vẫn theo đuổi nghề này. Ngay từ khi tốt nghiệp ra trường đi xin việc thật vất vả, tiền chi phí đi xin việc thì mất mà vẫn không có trong danh sách biên chế, đến nay tôi vẫn chỉ là một giáo viên hợp đồng với đồng lương được trả thì ai cũng biết được như thế nào với cuộc sống hiện nay. Nhưng vì hoài bão trở thành một giáo viên,vì truyền thống của gia đình, dù khó khăn đến mấy tôi cũng cố gắng sống tốt và vượt qua khó khăn. Vì tôi nghĩ mình còn trẻ, vẫn còn nhiều đam mê, vẫn có những niềm vui vì những học sinh của tôi đã đem lại một kết quả rất tốt, xem ra công sức của mình bỏ ra được đền đáp xứng đáng ”.

Mỗi khi đông về trời se lạnh, chị Hà lại nhớ lại năm nào khi mẹ còn là giáo viên, mỗi khi gần đến ngày 20/11 mẹ rất vui và hạnh phúc. Bởi đến ngày này, đã từ lâu ngày 20/11 như là dịp để các học trò nhớ đến công ơn của những người thầy, người cô. Đến ngày này, các trò đến thăm cô với cả tấm lòng, cô trò ríu rít bên nhau như trong một gia đình.

“Tôn sư trọng đạo” luôn là một truyền thống quý báu của dân tộc. Một trong những biểu hiện có văn nhất của truyền thống đó là việc tặng hoa, tặng quà thầy cô nhân dịp ngày 20/11.

Chị Hà vui vẻ kể : “ Những cô bé, cậu bé học trò của tôi rất đáng yêu, đúng là các bé còn rất trong trắng như những tờ giấy trắng vậy. Tôi mong sao người lớn đừng làm ố bẩn những trang giấy trắng này. Đến ngày 20/11 các bé cùng nhau đến nhà cô, trên tay là những bông hoa nhỏ tươi thắm, và một điều đặc biệt nhất đó là món quà tự tay các em làm ra, một chiếc bưu thiếp được vẽ rất khéo, trên đó là bức tranh cô giáo đứng trên bục giảng.
Chị Hà thoáng buồn khi nói đến chuyện của một đồng nghiệp, cũng nhân dịp ngày 20/11 có một phụ huynh đưa con đến thăm cô giáo, chỉ với vài câu xã giao, ngay trước mặt trẻ, phụ huynh rút phong bì và nói chúc mừng cô nhân ngày nhà giáo ! Cô thật thất vọng và buồn vì giờ đây văn hoá tặng quà đã mất đi, chính phụ huynh đã không tôn trọng chính mình, họ làm mất đi giá trị tinh thần của ngày 20/11 mà các thầy cô hằng mong chờ”.

Trong một số cuộc trao đổi của các phụ huynh về việc tặng quà nhân dịp ngày 20/11 luôn là chủ đề chính. Có nhiều ý kiến, nhiều mức tình cảm khác nhau về chủ đề này.

Chị Thuý một phụ huynh học sinh xúc động nhớ lại :” Kỷ niệm ngày nhà giáo là một truyền thống đẹp của Việt Nam. Bao nhiêu năm qua tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác buổi sáng tôi dậy thật sớm và cùng bạn bè hồi hộp mang hoa đến tặng các thầy cô nhân dịp 20/11. Chứ ngày nay tôi chỉ thấy chủ yếu là các phụ huynh đến nhà thầy cô thôi. Nhưng phải nói thật rằng, xu hướng hiện nay thì càng ngày học sinh lớn càng có it cảm nhận về ngày đó. Chính các trò nhỏ tuổi lại có ý thức hơn về ngày này. Như cháu bé nhà tôi đó, vào sáng ngày 20/11 dậy rất sớm và giục bố mẹ mua hoa hoặc quà để đến tặng cô giáo, các bé lại thích dùng chính món tiền dành dụm được của mình để mua hoa và quà tăng cô. Những món quà đó thì không nhiều, không có giá trị nhưng về tình cảm và lòng kính trọng với thầy cô thì rất lớn.

Có một chị bạn của tôi kể chuyện tặng quà 20/11 : Tặng quà cho thầy cô nhân dịp này cũng là chuyện bình thường, đó chỉ là chút quà tỏ lòng thành với những người đã dậy dỗ con em mình. Nhưng nói thật, đến thăm thầy cô mà lại cầm cái phong bì đưa cho thầy cô thấy ngượng ngượng thế nào đó, nhất là mình hành động ngay trước mắt con mình, chúng sẽ nghĩ gì ! Với lại với thầy cô không phải bất kỳ quà gì cũng nhận tuỳ tiện, vì vậy tôi đành phải kẹp phong bì vào với quà chứ không đưa trực tiếp”.

Tôi nghĩ rằng nghề giáo là một nghề cao quý, đa số các giáo viên của chúng ta đều giữ được phẩm chất cao quý đó, song vẫn còn có những trường hợp cá biệt như “con sâu làm giầu nồi canh” coi ngày lễ cao quý này là cơ hội để mình “thu hoạch”. Nhưng chính một số bậc phụ huynh đã gián tiếp tiếp tay cho những hành động trái với lương tâm của nhà giáo, làm “hư” đi phẩm chất tốt đẹp của người thầy trong một số giáo viên.

Chính chúng ta, những bậc phụ huynh trước tiên hãy tự tôn trọng chính mình, tôn trọng con trẻ, như vậy mới có lòng kính trọng với thầy cô. Con trẻ chính là người tiếp thu nhanh nhất, nếu chúng ta nêu gương và hướng dẫn con tốt, trẻ sẽ ý thức được về các cử chỉ, hành động thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với các thầy cô. Nếu không chính bản thân chúng ta sẽ nhận được những món quà giống nhử là nghĩa vụ từ các con nhân dịp ngày lễ tết. Lúc đó ta mới hiểu được tâm trạng của các thầy cô khi nhận được quà chúc mừng nhân ngày nhà giáo mà lại thiếu trân trọng.

Lê Gia Phong

Bình luận đánh giá: Tâm sự ngày nhà giáo
Bình luận đánh giá sản phẩm
THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
bình luận
Xem bình luận có đánh giá
THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
Về Shop Trẻ Thơ
ShopTreTho.com.vn kinh doanh theo mô hình website trực tuyến kết hợp với hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ tại các thành phố lớn trên toàn quốc. Với phương châm "phục phụ khách hàng bằng cả trái tim" Shop Trẻ Thơ luôn lấy khách hàng làm trung tâm cho mọi hoạt động để tạo ra nhiều giá trị cộng đồng
Hơn 15.000 sản phẩm
500 thương hiệu nổi tiếng
Hỗ trợ 24/7 miễn phí cuộc gọi
Miễn phí vận chuyển
Giao hàng tận nhà