Thực phẩm đông lạnh và sức khỏe của bé
14/11/2012 (1080 lượt xem)
Bạn boăn khoăn không biết thực phẩm đông lạnh có tốt cho trẻ em hay không? Đó là câu hỏi chung của rất nhiều ông bố bà mẹ. Và hôm nay Shop Trẻ Thơ xin chia sẻ cùng các mẹ một số kiến thức nhé!
Việc đông lạnh là để bảo quản, khác với cách trữ thực phẩm trước đây là người ta dùng nhiệt độ cao thì bây giờ thực phẩm lại được để ở nhiệt độ rất thấp. Loại thực phẩm này là giải pháp tuyệt vời cho các bà nội trợ có quỹ thời gian eo hẹp.
Bạn có thể cho trẻ ăn thực phẩm đông lạnh vì:
Thực phẩm đông lạnh vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, lượng vitamin trong nấm, ớt ngọt, đậu, ngô và cà rốt còn nhiều hơn so với khi chúng còn tươi. Rau tươi qua quá trình vận chuyển sẽ mất đi chất dinh dưỡng.
Ngược lại, rau đông lạnh được xử lý chỉ vài giờ sau khi chúng được thu hoạch (thường khoảng thời gian này là 4 tiếng). Vitamin C là một chất cơ bản trong rau quả, nhưng nó rất dễ bị phân hủy dưới nhiệt độ, nước và ánh sáng. Tuy nhiên khi rau quả được bảo quản lạnh thì lượng chất này không hề mất đi.
Hầu hết rau quả, nếu được đông lạnh sớm sau thu hoạch, sẽ bảo quản được toàn bộ vitamin và khoáng chất, còn tốt hơn đồ “tươi” bán trong siêu thị. Chẳng hạn, khoảng 77% vitamin C trong đỗ quả mất đi sau 7 ngày dự trữ. Cùng trong khoảng thời gian đó, đậu Hà Lan đông lạnh nấu chín chứa hàm lượng tiền tố vitamin A cao hơn so với đậu tươi nấu chín.
Thực phẩm đông lạnh thường được bảo quản ở nhiệt độ âm 18 độ C. Ở nhiệt độ này, các loại vitamin, lipit và protein vẫn được giữ nguyên giá trị của nó. Đối với thịt đông lạnh, chất lượng tỷ lệ nghịch với phần trăm nước không đóng băng. Lượng nước không đóng băng càng nhỏ, chất lượng thịt càng cao. Ở nhiệt độ âm 18 độ C còn khoảng 10% nước trong thịt chưa đóng băng.
Rau và một số loại hoa quả phải được xử lý để đảm bảo chất lượng khi đông lạnh. Bao bì dùng cho sản phẩm đông lạnh phải hoàn toàn kín, bền chắc để đảm bảo lipit không bị ôxy hoá. Những sản phẩm nhạy cảm với ánh sáng phải được bảo quản trong túi màu đục. Nếu bao bì đảm bảo, các điều kiện vệ sinh và quy trình chế biến tốt thì giá trị dinh dưỡng hoàn toàn đảm bảo.
Thực phẩm đông lạnh – cơ hội cho bé khám phá
- Khi cho trẻ ăn thực phẩm đông lạnh, bạn có thể cho trẻ thưởng thức đa dạng các loại thực phẩm: Các loại thịt cá phi lê, cắt khúc, các loại mực, tôm đã được làm sạch, lột vỏ hoặc thái nhỏ, các loại thịt lợn, gà, các món ăn chế biến sẵn quen thuộc, thậm chí công phu, lạ miệng mà bạn ít có thời gian chế biến.
- Bên cạnh đó, trẻ cũng có cơ hội thưởng thức những thực phẩm tươi không có ở trong nước: Thịt cừu, thịt bò Mỹ , cá hồi, cá ngừ đại dương, cá basa ...
Thực phẩm đông lạnh tiện ích cho trẻ khi
- Khi bận rộn, bạn hoàn toàn có thể mua rau, quả, thịt, cá, chia nhỏ theo suất rồi để đông lạnh hoặc mua đồ đông lạnh sẵn ở siêu thị để cho trẻ ăn, sẽ tiết kiệm thời gian chế biến.
- Thực phẩm tươi thường có mùi vị thơm ngon hơn nhưng thực phẩm đông lạnh, đặc biệt là trái cây và rau quả đông lạnh thì tiện lợi hơn, rẻ hơn. Thêm vào đó, với thực phẩm đông lạnh, bạn có thể ăn được thực phẩm trái mùa.
Lưu ý khi cho trẻ ăn thực phẩm đông lạnh
- Trẻ 5 tuổi mới có thể sử dụng thực phẩm đông lạnh được, như vậy không ảnh hưởng đến tiêu hoá của trẻ.
- Cho trẻ ăn thực phẩm đông lạnh đảm bảo, nguyên vẹn, biết rõ nguồn gốc, xuất xứ.
- Không cho trẻ ăn thực phẩm tái đông. Bởi khi tái đông thực phẩm, vô tình đã làm cho quá trình hư hại tăng lên gấp nhiều lần. Bất kỳ tế bào nào thoát khỏi quá trình bị phá vỡ khi thực phẩm được đông lạnh lần đầu đều đứng trước nguy cơ tiếp tục bị phá vỡ lần nữa.
- Không cho trẻ ăn thực phẩm đông lạnh bị dính vào nhau. Những thực phẩm được đóng thành viên nhỏ như tôm, cá,… khi tan đông rồi tái đông, thường bị dính lại với nhau (bình thường tôm rời từng con một). Về nguyên tắc, khi các thực phẩm đã đông lạnh rồi, sau khi xả đông thì phải chế biến và dùng ngay.
- Không nên cho trẻ ăn quá nhiều thực phẩm đông lạnh chế biến sẵn bởi chúng có hàm lượng muối cao.
- Nên xem kỹ hạn sử dụng, và khi hộp đã mở, phải đảm bảo về nhiệt độ bảo quản sản phẩm tốt, tránh tình trạng ngộ độc cho trẻ.
- Thực phẩm đông lạnh nhiều khi là đồ làm sẵn toàn bộ và thậm chí đã nêm muối, nên cần kỹ lưỡng khi lựa chọn, đồ ăn không muối, không đường, đặc biệt là hạn chế những thực phẩm chứa chất bảo quản.
- Đồng thời tôn trọng chế độ bảo quản cũng như quy trình làm lạnh, giã đông theo hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì.
Khi tự đông lạnh thực phẩm cho trẻ
- Nếu phải lựa chọn dùng rau trữ lạnh hay rau tươi thì bạn hãy nhớ: dùng rau quả theo mùa và khi không đúng mùa thì nên dùng các loại rau bảo quản lạnh còn tốt hơn là rau tươi mà để lâu bên ngoài, bị mất gần hết vitamin.
- Thời gian đông lạnh thực phẩm không quá lâu. Các chuyên gia khuyên khi bảo quản thực phẩm thì nên tuân theo các quy tắc sau: Làm lạnh nhanh, nhưng giã đông thì từ từ.
Khi giã đông
- Khi giải lạnh thực phẩm phải để thực phẩm giải đông từ từ vì thực phẩm dễ bị vỡ, các chất dinh dưỡng theo nước chảy ra ngoài làm giảm giá trị thực phẩm.
- Với các loại thịt và thịt gia cầm thì cách tốt hơn cả là nên để trong ngăn mát tủ lạnh, nếu thịt được gói trong các gói kín thì bạn nên để thịt trong tủ đến khi tan hết hoàn toàn.
- Khi giã đông thực phẩm bằng lò vi sóng thì phải làm theo chỉ dẫn nếu không sẽ rất “nguy hiểm” khi thời gian vi sóng quá lâu, thực phẩm không những giã đông mà còn bị nấu chín một cách không chủ ý.
- Để ở nhiệt độ phòng thì đá sẽ tan nhanh hơn là trong ngăn mát tủ lạnh nhưng bạn không nên mở hộp hay gói thực phẩm kín đến khi đá tan chảy hoàn toàn để tránh sự xâm nhập của các vi khuẩn độc hại. Nhìn chung, càng ít tiếp xúc với không khí bên ngoài thì chất lượng các thực phẩm càng được giữ tốt hơn.
- Tuyệt đối không ngâm nước để làm tan thực phẩm đông lạnh. Khi giã đông thực phẩm đông lạnh nên để ở nhiệt độ mát hoặc ngăn mát của tủ lạnh từ 8 – 10oC, chứ không được cho vào ngâm nước, hoặc đưa ra môi trường bên ngoài để tan chảy. Trong trường hợp bất đắc dĩ không xả kịp, bạn có thể cắt nhỏ ngay khi thực phẩm còn đông lạnh và chế biến ngay.