Tiền bạc và con trẻ
10/10/2012 (520 lượt xem)
Con ngày càng lớn, kèm theo đó là bao nỗi băn khoăn của bố mẹ về phương pháp dạy dỗ sao cho hợp lý. Giúp trẻ tiếp cận với vấn đề vật chất là điều không đơn giản, bởi lẽ chỉ một chút lệch lạc về nhận thức cũng có thể khiến trẻ gây ra những hành động sai lầm.
1. Càng giúp trẻ nhận thức sớm về tiền bạc càng tốt
Xét về một khía cạnh nào đó, khi nhận thức sớm về vấn đề tiền bạc vật chất, trẻ sẽ biết kiểm soát tiền và có trách nhiệm với đồng tiền hơn.
Trước khi biết làm phép cộng, trừ, nhân, chia, trẻ đã biết thế nào là tiền. Một đứa bé 4 tuổi cũng có thể nhận thức được cha mẹ chúng đi làm mỗi ngày để kiếm tiền, mới có thể mua được những vật dụng và đồ chơi cho nó.
Không nên để trẻ nhận thức muộn, vì khi chúng lớn hơn sẽ không nghe lời khuyên của người lớn như lúc nhỏ nữa. Ngoài ra, đến lúc lớn, chúng đã biết tiêu tiền nhiều hơn là tích trữ ngay sau khi nhận thức về đồng tiền.
2. Khi trẻ con nhận thức được tiền bạc, theo bản năng chúng biết giữ tiền
Được thưởng hoặc được người lớn cho tiền, trẻ cũng muốn tiêu xài: mua đồ chơi, kẹo bánh. Mặt khác, trẻ còn bắt đầu biết tích trữ, dành dụm.
3. Thưởng là một phương pháp dạy hiệu quả
Khi con bạn còn bé, chỉ cần thưởng cho con một khoản tiền nho nhỏ khi được điểm 10 hoặc đạt thành tích gì đấy, cũng khiến cháu nhận thức được giá trị của đồng tiền và biết quý trọng hơn: Tiền không phải tự nhiên có, phải nỗ lực cố gắng mới được.
4. Trẻ ở tuổi trưởng thành và học phổ thông có trách nhiệm với đồng tiền hơn
Đây là giai đoạn hoàn thiện nhận thức của trẻ. Đừng vì sợ con tiêu tiền bừa bãi mà hạn chế không cho con tiếp xúc với đồng tiền. Dạy dỗ trẻ nhận thức về đồng tiền, ngân hàng, thẻ tín dụng… sẽ giúp cho trẻ tự tin hơn, hiểu biết hơn khi tự lập. Tất nhiên là chú trọng vấn đề nhận thức chứ không phải là cho con nhiều tiền để chúng đua đòi.
5. Trường học cũng nên dạy trẻ về giá trị đồng tiền
Trường học phổ thông có thể áp dụng chương trình học về thị trường, đầu tư, có ứng dụng thực tế để tăng thêm nhận thức cho trẻ.