Tìm vợ cho chồng
11/10/2012 (897 lượt xem)
Việc sinh con trai, hay gái không phải do người phụ nữ quyết định...Bế tắc trong cuộc hôn nhân hiện tại, chị Hà luôn tự hỏi mình rằng có phải những hủ tục làng quê khiến cho chị phải khổ hay chính chị đang tự đày đọa mình…
Liều cả tính mạng để quyết sinh con trai
Sau 4 lần sinh nở, chị Hà chỉ có được 2 người con gái. Anh Học, chồng chị, là con trai duy nhất trong nhà, vì vậy trách nhiệm có cháu trai nối dõi rất nặng nề. Bố mẹ chồng chị cũng quan niệm rất rõ ràng về chuyện ấy.
Sau 2 lần sinh đầu đều là gái, cả gia đình nhà chồng thúc ép chị phải tiếp tục sinh bằng được một cậu con trai. Sau vài lần phải phá thai, trong lần mang thai tiếp theo, hạnh phúc vỡ òa khi kết quả siêu âm cho giới tính mà cả nhà đang ao ước.
Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, chỉ trước ngày sinh hơn 1 tuần thì thai bị hỏng. Cả nhà đều thất vọng ê chề. Và không nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau của người mẹ sau 9 tháng mang nặng đẻ đau mà không được nhìn thấy mặt con.
Thế nhưng, chưa để đau buồn lắng xuống, nhà vốn sẵn nghề Đông y, anh Học lại tiếp tục thúc ép chị Hà phải uống vài chục thang thuốc, kết hợp ăn uống tẩm bổ cho lại sức để tiếp tục sinh thêm lần thứ tư. Cũng có lẽ do sức khỏe yếu, lại chịu nhiều sức ép nên phải khó khăn lắm chị mới thụ thai thêm một lần nữa.
Và cũng chỉ kịp biết đứa bé trong bụng là một bé trai thì chị gặp tai biến vỡ tử cung, buộc phải bỏ con để cứu lấy tính mạng mẹ. May mắn được trở về từ cõi chết sau ca phẫu thuật, nhưng kể từ đó, sức khỏe của chị Hà gần như cạn kiệt và nghiêm trọng nhất là không thể sinh nở được nữa.
Đến nước này, chị đành an phận. Nhìn 2 cô con gái xinh xắn, ngoan ngoãn, đang dần khôn lớn, chị cũng thấy được an ủi phần nào. Thế nhưng, chồng chị không chấp nhận chuyện đó, dù biết vợ không thể sinh thêm.
Mỗi khi phải chịu đựng thái độ hậm hực, nét mặt cáu kỉnh, buồn rầu ở chồng khi ai đó vô tình hoặc cố ý nhắc đến “nỗi đau” chỉ sinh toàn "vịt giời” là chị lại thấy ruột gan đau như cắt. Vùng quê chị đang ở chỉ cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 60 km mà thành kiến “trọng nam khinh nữ” vẫn còn rất nặng nề.
Đời ông nội, rồi đến bố chồng chị đều làm Đông y. Đến đời chồng chị cũng vậy. Cái nghề bắt mạch, bốc thuốc gia truyền ấy đã giúp cho nhiều thế hệ trong gia đình anh Học có cuộc sống giàu có, sung túc.
Nghề truyền nghề, từ thế hệ này sang thế hệ khác, họ ngầm quy định chỉ truyền lại cho “đích tôn”. Chính bởi vậy mà không cần biết sống chết thế nào, anh Học nhất định phải có bằng được một cậu con trai.
Biết mình đã tuyệt đường, chị âm thầm “mở đường” cho chồng theo cách mà nhiều thế hệ tiền nhân đã làm là… lấy vợ khác. Chuyện nghe có vẻ khó tin, xa lạ mà lại hoàn toàn có thật và sắp xảy ra. Sau khi bàn bạc kỹ với bố mẹ chồng và được hai cụ kín đáo đồng thuận, chị tiếp tục tỉ tê với chồng.
Ban đầu anh Học kịch liệt phản đối. Thậm chí anh còn dọa chị làm như vậy là vi phạm Luật hôn nhân và gia đình, sẽ bị xử phạt… Tuy nhiên, khi nghe cả nhà động viên phân tích thiệt hơn, anh cũng có vẻ xuôi.
Ngoài mặt chị Hà tỏ ra rắn rỏi, quyết tâm nhưng trong lòng lại đau như cắt. Chị hận bản thân và chồng đã không đủ mạnh mẽ để vượt qua những thành kiến cổ hủ. Vợ chồng chị vẫn còn rất nhiều tình cảm dành cho nhau, mà chỉ có được người nối dõi, chị sắp phải sống trong cảnh “chung chồng”.
Chị cũng đã “nhắm” được cho chồng mình một mối khá ưng ý. Đó là Loan, người bạn thân của em gái chị, một cô gái quá lứa lỡ thì, dù không xinh đẹp nhưng khỏe mạnh, gia cảnh khó khăn.
Ban đầu, chị nhờ em gái giới thiệu Loan đến phụ giúp gia đình chị việc phơi thuốc, sắc thuốc đóng vào túi giao cho khách. Dần dần, khi Loan đã quen với nếp sinh hoạt trong gia đình, chị Hà đã dành nhiều thời gian tâm sự, gần gũi để tìm sự đồng cảm ở Loan.
Và khi chị nói ra lời “thỉnh cầu” của mình, Loan đã rất sốc. Cô một mực nói mình không thể làm thế, mặc dù trong thâm tâm cũng thấy không có gì chê trách người đàn ông như anh Học. Ngay ngày hôm sau, Loan đã thu dọn hành lý về quê.
Chị Hà buồn rầu xin lỗi. Chị mong Loan có thêm thời gian suy nghĩ. Qua những lần trao đổi qua điện thoại sau đó, chị thấy Loan cũng có vẻ mềm lòng.
Vào một ngày đẹp trời, chị Hà chủ động đưa chồng về quê Loan để thưa chuyện với gia đình “nhà gái”. Suốt dọc đường trên xe khách trở về, chị cố ghìm nỗi buồn, cố xua đi những suy nghĩ về tương lai của cuộc hôn nhân sắp tới.
Khi hàng xóm xung quanh biết chuyện, người thì bảo chị dại dột, người thì trách chồng chị tuyệt tình. Vậy liệu những gì chị đã làm có thật sự dại như miệng lưỡi người đời và làm sao để cứu vãn được cuộc hôn nhân của chị khi mọi chuyện còn chưa đâu vào đâu?
Quyết liệt và cứng rắn để buộc chồng phải lựa chọn
Chia sẻ phần nào những đau đớn, day dứt của chị Hà khi phải đi đến quyết định tìm vợ cho chồng nhằm kiếm đứa cháu đích tôn cho dòng họ, các chuyên gia tư vấn Linh Tâm cho rằng, sau quyết định đó của chị sẽ là hệ quả không đơn giản.
Chuyện những người phụ nữ phải kiếm vợ cho chồng cốt để sinh con nối dõi cũng không phải là chuyện hiếm ở xã hội Việt Nam – nơi mà tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn ăn sâu bén rễ.
Biết bao người phụ nữ đã phải ngậm đắng nuốt cay chấp nhận cho chồng đi kiếm con trai nơi khác, cũng như phải chịu miệng tiếng không biết sinh con cho chồng, cho gia đình và dòng họ nhà chồng. Đây cũng là sự bất công khó chấp nhận được đối với người phụ nữ, bởi sau tất cả những gì họ đã làm cho gia đình, chồng con thì họ không đáng phải chịu những thiệt thòi vô lý như vậy.
Chị Hà cũng là hình mẫu người phụ nữ truyền thống một lòng vì chồng con. Việc chị không quản nguy hiểm đến tính mạng để sinh đến đứa con thứ tư cho chồng để có một con trai nối dõi đã cho thấy điều đó. Thật tiếc là chồng chị đã không hiểu được tấm lòng cũng như sự hy sinh đó của chị để biết ơn và đền đáp.
Mà ngược lại anh vẫn đòi hỏi, kêu ca, gây áp lực khiến chị phải đau đớn đi đến quyết định tìm vợ cho anh kiếm con trai. Việc chị thương chồng là điều nên làm nhưng thương chồng để mình tổn hại và mất mát tình cảm như vậy là điều không hẳn đã tốt.
Chị Hà cần cho chồng nhìn ra vấn đề rằng con trai, con gái không quan trọng bằng việc những đứa con ấy có hiếu nghĩa, ngoan ngoãn và nên người.
Vợ chồng chị đã có một gia đình hạnh phúc, hai cô con gái ngoan ngoãn, thảo hiền, thêm nữa là công việc từ nghề gia truyền cũng phát triển rất tốt. Sẽ thật là đáng tiếc nếu anh chị đánh mất những giá trị đó chỉ bởi quan niệm cũ đã lỗi thời lạc hậu.
Thực tế cho thấy, con gái vẫn hoàn toàn lo lắng được cho bố mẹ dù đã lập gia đình, thậm chí rất nhiều người con gái vẫn tiếp tục duy trì, phát triển được nghề truyền thống của ông cha một cách tốt đẹp. Điều chị Hà cần làm bây giờ là phải thay đổi ngay suy nghĩ rằng chị phải có trách nhiệm kiếm con nối dõi cho chồng.
Chị nên hiểu, xét về mặt khoa học, việc sinh con trai, hay gái không phải do người phụ nữ quyết định mà do chính người đàn ông. Còn xét về tình cảm, chị cũng đã cố gắng hết sức, thậm chí còn không tiếc bản thân để cố sinh con trai mà không được.
Những gì cần làm cho chồng và nhà chồng chị Hà đã làm quá vẹn tròn để không ai có thể trách móc gì chị được. Việc chị âm thầm tìm vợ khác cho chồng để kiếm con trai không những vi phạm về luật hôn nhân gia đình mà còn có thể đem đến nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc mà chị đang có.
Chị Hà nên hiểu rằng, mọi chuyện không hề đơn giản như chị nghĩ là chỉ có con trai là xong. Liệu kiếm vợ khác mà anh vẫn không sinh được con trai thì sao, rồi giả dụ có con trai đi chăng nữa thì mối quan hệ giữa chị và chồng sẽ thế nào, liệu có còn giữ được tình yêu và hạnh phúc như bây giờ?
Chị đang cố làm tròn bổn phận người vợ, người con dâu mà quyết định như vậy nhưng e rằng quyết định đó chỉ đem lại nguy cơ đổ vỡ cho hôn nhân mà thôi. Chị Hà nên suy xét thấu đáo để có sự lựa chọn tốt nhất cho mình và gia đình.
Nếu anh Học vẫn yêu thương vợ thì không vì chuyện chưa có con trai mà có hành động ruồng rẫy, phụ bạc chị Hà. Có chăng chỉ là anh sẽ buồn vì chưa toại nguyện mà thôi, nhưng rồi theo thời gian khi các con chị đã lớn, ngoan ngoãn, hiếu thuận thì anh cũng sẽ dần nhận ra những hạnh phúc mà mình đang có.
Chuyên gia tư vấn Võ Thanh Giang khuyên: “Để giúp anh vơi bớt áp lực phải có con trai, chị Hà có thể nhờ những người bạn hoặc người thân của anh chia sẻ, phân tích giúp anh nhìn ra vấn đề. Còn trong trường hợp anh vẫn cố nhất quyết phải có con trai cho bằng được thì chị cũng cần quyết liệt và cứng rắn để buộc anh phải lựa chọn gia đình hạnh phúc hiện tại và mong muốn có con trai của anh.
Dù gì anh cũng không thể có cả hai được. Đôi khi đặt trước sự lựa chọn như vậy, anh ấy có thể mới hiểu được mình cần gì và điều gì làm anh hạnh phúc. Lúc đó anh ấy sẽ là người quyết định tương lai tổ ấm của mình còn chị hãy thể hiện quan điểm một cách rõ ràng...”