Tránh 6 lỗi cơ bản cho giấc ngủ của trẻ

Đồ sơ sinh , 07/09/2012 (372 lượt xem)

Việc cho trẻ nhỏ ngủ và có thể ngủ yên giấc là một trong những nhiệm vụ làm các bậc cha mẹ nản lòng nhất. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ cũng phải đối mặt với giấc ngủ ngắn cũng như giờ giấc ngủ nghỉ thất thường của con. Trên thực tế, có đến 40% trẻ em gặp phải những vấn đề về giấc ngủ.

Tránh 6 lỗi cơ bản cho giấc ngủ của trẻ

 

Các chuyên gia đã xác định 6 lỗi thông thường mà các bậc cha mẹ thường mắc phải khi cố gắng giúp con cái có được một giấc ngủ tốt hơn. Nhưng tin vui là những sơ suất này hoàn toàn có thể thay đổi được mà không gặp quá nhiều phiền phức.

Khi con trẻ đã có thể đi ngủ đúng giờ và yên giấc suốt đêm – không chỉ  bạn hạnh phúc mà cả bé và gia đình cũng thoải mái hơn.

1. Để trẻ đi ngủ trễ

Marc Weissbluth, bác sĩ khoa nhi và là tác giả của cuốn "Thói quen ngủ có lợi cho sức khỏe", "Đứa trẻ hạnh phúc", cho biết: Một nghiên cứu cho thấy đứa trẻ 2 tuổi ngày nay ngủ ít hơn 40 phút so với đứa trẻ 2 tuổi cách đây một hoặc hai thế hệ. Và hậu quả của việc đi ngủ trễ hơn này là do có nhiều cuộc tranh đấu với giờ giấc ngủ hơn, khó chợp mắt hơn và hay thức giấc về đêm.

Có lẽ bạn khó sắp xếp cho bé sơ sinh hoặc những bé mới chập chững của mình một thời gian biểu ngủ đều đặn hoặc bạn không dành được nhiều thời gian cho trẻ sau khi xong việc, vì vậy bạn tiếp tục để trẻ chơi muộn thêm một chút.

Nhà công tác xã hội Jill Spivack, đồng tác giả của "Giải pháp ngủ dễ dàng: Hướng dẫn dành cho những bậc cha mẹ bị kiệt sức trong việc cho con ngủ từ lúc sinh ra đến khi 5 tuổi", cho biết: Việc để trẻ đi ngủ quá trễ cũng giống như việc tạo nên sự mệt mỏi quá mức cho chúng vậy. Khi quá mệt, chúng sẽ khó khăn hơn để đi vào giấc ngủ và ngủ yên giấc, và chúng sẽ thức dậy sớm hơn mong đợi.

Thói quen tốt: Bố trí thời gian ngủ đều đặn (kể cả ngủ chợp mắt thôi cũng phải thích hợp) và kiên trì với trẻ. Đừng chờ cho đến khi con bạn giụi mắt, ngáp hay khóc nhè là đã quá trễ. Cho trẻ ngủ sớm hơn, thậm chí ngủ sớm hơn 15 - 20 phút cũng có thể tạo nên sự khác biệt rồi.

Spivack cho biết: "Mỗi đứa trẻ đều có cơ chế sinh học hoàn toàn khác nhau. Với những đứa bé chưa biết nói và trẻ mới biết đi thì thông thường cần 11 - 18 tiếng để ngủ, trẻ chưa đến tuổi đi học cần đến 12 tiếng  và chúng ngủ ít vào ban ngày, thì những đứa trẻ lớn hơn cần 10 - 11 tiếng. Hãy tính toán thời gian chúng thức dậy vào buổi sáng và lên kế hoạch sao cho phù hợp."

2. Phụ thuộc vào sự chuyển động

Bác sĩ Weissbluth cho biết: “Nếu đứa trẻ luôn luôn ngủ trong sự chuyển động – trong ghế đẩy hoặc xe hơi – thì trẻ không thể ngủ sâu được, dễ tỉnh giấc hơn bởi kích thích của sự chuyển động”. Ông ví giấc ngủ được mang lại do sự chuyển động là loại giấc ngủ mà một người trưởng thành có thể có trong khi đang bay trên một chiếc phi cơ.

Thói quen tốt: Sử dụng sự chuyển động để dỗ dành, không phải ru ngủ.

Trước khi bạn bày tỏ sự bất bình với quan điểm này, hãy lắng nghe một vài lời khuyên sau đây của bác sĩ Weissbluth: Dùng sự chuyển động để dỗ dành một đứa trẻ cáu kỉnh thì chấp nhận được nhưng khi con bạn đã chìm vào giấc ngủ, hãy ngưng đung đưa xe nôi lại.

3.  Kích thích ngủ quá mức

Để các đồ chơi chuyển động trên khắp giường ngủ trẻ: Kelly Ingevaldson, mẹ của đứa trẻ mới biết đi ở Atlanta, nói: “Tôi nghĩ những gì tôi
làm, tất cả người mẹ khác, cũng sẽ cho là nên làm, đó là đặt những thứ đồ chơi có thể chuyển động trên giường, cũi của con”.

Nhưng cô sớm nhận ra rằng, với nhiều đồ chơi, âm thanh và ánh sáng quay vòng vòng làm cho bé có vẻ bối rối. Cô nói: “Trẻ sẽ không buồn ngủ với đồ chơi di động màu sắc rực rỡ, nó làm cho trẻ không ngủ được dù trời đã khuya”.

Không chỉ những trẻ nhỏ tháng tuổi bị kích thích quá mức bởi điều này mà trẻ lớn hơn với nhiều đồ chơi
hoặc trò tiêu khiển khác trên giường ngủ cũng sẽ không có được giấc ngủ chúng cần.

Thói quen tốt: Duy trì không gian tối, giảm hoạt động vào ban đêm.

Để trẻ sơ sinh được ngon giấc, hãy để bé tập đối mặt với nỗi sợ bóng tối. Cho bé ngủ trong căn phòng gần như tối đen như mực. Spivack cho biết: “Đối với bé, để ngủ ngon, nếu theo sắp xếp thứ tự bóng tối 1 - 10  và mức 10 là tối nhất thì phòng của bé nên ở mức 8 hoặc 9”. Nên sử dụng một cái quạt hoặc máy tạo tiếng ồn màu trắng để làm giảm những âm thanh bất kỳ từ đường phố hoặc phòng lân cận.

Những đứa trẻ lớn hơn nên sở hữu một chiếc đèn ngủ dịu nhẹ, chiếc đèn này không có chức năng tiêu khiển mà để làm giảm bớt nỗi sợ hãi lúc ngủ. Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi cho phép phòng ngủ của bé có ti vi hoặc máy vi tính.

Thậm chí vài bé chỉ buồn ngủ khi đĩa DVD ưa thích được phát, như vậy là bạn đang làm giảm đi một nửa hoặc hơn nửa số giờ ngủ quý báu. Sự mất mát này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và thái độ của bé vào ban ngày.


4. Bỏ qua giờ ngủ thường ngày

Có lẽ bạn sẽ thừa nhận rằng, với một đứa trẻ, những việc thường làm hằng ngày gồm tắm rửa, đọc sách, và một bài hát ru vẫn chưa đủ cho nhu cầu cần thiết. Nhưng Judith Owens, trưởng khoa điều trị rối loạn giấc ngủ trẻ em tại bệnh viện nhi đồng Hasbro ở Providence, đảo Rhode, cho biết: “Việc có một chuỗi những hoạt động nhẹ nhàng, mang lại niềm vui để dẫn đến tắt đèn đi ngủ lại rất quan trọng.”. Cô giải thích “Điều đó dẫn dụ bé dễ dàng đi vào giấc ngủ”.

Cha mẹ của những đứa trẻ lớn thường
bỏ lơ các quy định cho trẻ có giờ ngủ theo thói quen mỗi ngày, vì họ tin tưởng một cách sai lầm rằng con họ quá lớn hoặc vì chúng quá mệt mỏi để tự mình làm điều đó. Mindell nói rằng: “Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ em trong độ tuổi đi học nếu không có một lề thói hằng ngày rõ rệt sẽ không có được giấc ngủ chúng cần”.

Thói quen tốt: Một trình tự giờ giấc thoải mái

Bất kể con bạn mấy tuổi, điều cốt yếu là đặt ra một chuỗi các bước có thể dự báo trước – hoặc những gì mà Spivack gọi là “tín hiệu ngủ”  để giúp trẻ không quá căng thẳng khi tới giờ phải lên giường.

Đối với một đứa bé sơ sinh, “tín hiệu ngủ” đơn giản có nghĩa là thay bộ đồ pi-ja-ma cùng vài cử chỉ nâng niu âu yếm. Đối với đứa trẻ lớn hơn, thói quen hằng dẫn đến giấc ngủ là tắm gội, đọc sách, ca hát, hoặc cầu nguyện.

Bạn có thể tạo ra trình tự riêng cho chính mình. Spivack phát biểu: “Những gì chúng ta đang bàn luận là việc khiến nhiều hoạt động nhất quán xảy ra trong cùng một không gian, một trình tự, tại cùng thời điểm nào đó mỗi tối”

5. Không nhất quán

Vài lần một tuần, khi bé khóc nhè, bạn nằm cùng con cho đến khi bé ngủ thiếp đi. Hoặc có lẽ bạn đặt đứa con lớn hơn của mình trong phòng riêng của bé nhưng cho phép con bò vào giường, ngủ cùng em đến lúc nửa đêm. Nhiều bậc cha mẹ không phiền khi con họ ngủ chung giường với mình, nhưng có quá nhiều cha mẹ thường cứ để yên như thế và cuối cùng là cảnh “giường ngủ gia đình” cứ kéo dài mãi.

Owens nói: “Nhiều cha mẹ đem con vào giường nhưng lại không muốn trẻ ngủ chung với họ”.”Vài lần đầu trẻ thức giấc suốt đêm, cha mẹ sẽ để trẻ ngủ tại giường của trẻ, nhưng khoảng 3 giờ sáng lại để trẻ ngủ cùng họ”. Đây là “sự củng cố không liên tục”. Owens giải thích.

Thói quen tốt: Đặt ra những nguyên tắc về việc ngủ ở đâu.

Không bao giờ quá trễ để thiết lập thói quen. Karen Tinsley-Kim ở Oviedo, Florida, có một đứa con trai 3 tuổi, gần đây,
cứ vài đêm trong một tuần bé thường thức giấc lúc 11 giờ khuya  rồi sau đó đi đến giường của bố mẹ. Sau vài tháng với những cuộc viếng thăm ban đêm, sự gián đoạn giấc ngủ đã thôi thúc Tinsley-Kim hành động.

Khi Timsley-Kim nằm xuống như thường lệ, đứa con nhỏ của cô đang ở trong phòng của mình. Cô ấy cho biết: “Tôi không cho phép con tôi ra khỏi giường ngủ mình, nói với trẻ một cách nhẹ nhàng nhưng kiên quyết rằng đã đến lúc đi ngủ và cũng đến lúc phải ngủ tại giường của trẻ”.

Tất nhiên sẽ có những ngoại lệ. Nếu con bạn bị bệnh hoặc sợ cơn giông lớn, hãy sẵn lòng làm trẻ thấy an tâm bằng việc ở cùng trên giường của trẻ hoặc cho trẻ ngủ cùng trong phòng bạn. Nhưng khi trẻ hết bệnh cũng như cơn giông đã lắng xuống, hãy quay trở lại lề thói hằng ngày.

Hiển nhiên, một đứa trẻ khi tìm được sự bình an trong vòng tay của mẹ và cha, bé có thể sẽ phản đối. Trong trường hợp đó, Mindell đề nghị trong vài ngày bạn hãy từ từ tự mình nới lỏng  trong vài đêm bằng cách đứng ở cửa để bé yên tâm cho đến khi bé thiếp đi.


6. Chuyển từ  giường cũi sang giường lớn quá sớm

Con bạn lớn gấp hai, trở thành một anh chàng to con! Và bạn muốn ăn mừng bằng việc mua một cái giường xinh xắn dành cho trẻ mới biết đi đang được bày bán ư?.Nhưng khi bạn tạo ra sự thay đổi đột ngột này, trẻ bắt đầu thức dậy sau khi tắt đèn hoặc tỉnh giấc trong vài tiếng đồng hồ.

Tại sao? Trước khi 3 tuổi hoặc hơn nữa, nhiều đứa trẻ không thực sự sẵn sàng bỏ lại chiếc giường cũi của mình. Mindell nói rằng: "Sự phát triển của chúng không liên quan đến việc nhận thức và tự chủ bản thân trong phạm vi của một chiếc giường".

Thói quen tốt: Chờ cho đến khi con bạn sẵn sàng cho một chiếc giường lớn.

Khi một đứa trẻ gần 3 tuổi, có lẽ đã đến lúc chuyển trẻ sang một chiếc giường lớn hơn. “Có lẽ” là từ có ý nghĩa đặc biệt: Nếu bé  còn chưa đến tuổi đi học gặp trở ngại trong việc ngủ trên giường ở độ tuổi đó, bạn nên cho bé thêm thời gian để thích nghi.


Vài thay đổi đơn giản trong thói quen ngủ hằng ngày cộng với môi trường bên ngoài có thể tạo nên sự khác biệt lớn trong việc ngăn chặn cũng như điều chỉnh những trở ngại thông thường trong giấc ngủ của con trẻ. 

 

 

Bình luận đánh giá: Tránh 6 lỗi cơ bản cho giấc ngủ của trẻ
Bình luận đánh giá sản phẩm
THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
bình luận
Xem bình luận có đánh giá
THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
Về Shop Trẻ Thơ
ShopTreTho.com.vn kinh doanh theo mô hình website trực tuyến kết hợp với hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ tại các thành phố lớn trên toàn quốc. Với phương châm "phục phụ khách hàng bằng cả trái tim" Shop Trẻ Thơ luôn lấy khách hàng làm trung tâm cho mọi hoạt động để tạo ra nhiều giá trị cộng đồng
Hơn 15.000 sản phẩm
500 thương hiệu nổi tiếng
Hỗ trợ 24/7 miễn phí cuộc gọi
Miễn phí vận chuyển
Giao hàng tận nhà